01:07 05/01/2015

Luật BHYT có hiệu lực: Người bệnh lo quyền lợi bị cắt giảm

Từ ngày 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Luật BHYT) chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định mới. Mục tiêu được đặt ra là mở rộng tỷ lệ tham gia BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...

Từ ngày 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Luật BHYT) chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định mới. Mục tiêu được đặt ra là mở rộng tỷ lệ tham gia BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Vậy các cơ quan chức năng sẽ làm gì để sớm đưa Luật BHYT vào cuộc sống?

Sau khi liên tiếp đón nhận thông tin khi đi khám ngoại trú trái tuyến sẽ không được quỹ BHYT cùng chi trả, người bệnh phải trả thêm số tiền lớn nếu sử dụng một số loại thuốc đặc trị, tiến tới tham gia BHYT theo hộ gia đình... dư luận rất băn khoăn, cho rằng Luật BHYT có hiệu lực thì quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ bị cắt, giảm.

Điều trị ngoại tỉnh trái tuyến bị ảnh hưởng

“Tôi bị suy tim, huyết áp cao, nhiều khi không yên tâm khi khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến dưới nên thường xuyên phải vượt lên tuyến trên. Trước đây, tôi vẫn được BHYT chi trả 30% chi phí KCB ngoại trú nếu đi khám vượt tuyến từ bệnh viện (BV) Thanh Nhàn lên BV Bạch Mai, nhưng với quy định mới thì tôi phải tự thanh toán 100%. Với thu nhập vẻn vẹn hơn 2 triệu lương hưu/tháng, thì việc phải chi trả thêm chi phí KCB mỗi khi đi khám ngoại trú trái tuyến khiến tôi rất lo lắng”, bà Nguyễn Thị Hiền, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội chia sẻ.

Với những quy định mới, đa số người tham gia BHYT sẽ có thêm nhiều quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Bên cạnh nỗi lo lắng về việc phải chi trả 100% chi phí KCB ngoại trú, thay bằng được BHYT chi trả từ 30 - 70% như trước đây; nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư, rất lo ngại về việc BHYT giảm tỷ lệ thanh toán tới 50% đối với một số loại thuốc điều trị đặc hiệu. Chị Nguyễn Thanh Hà, Quỳnh Lôi, Hà Nội, buồn rầu: “Tôi có người thân đang điều trị ung thư phổi tại BV K, nên cả gia đình tôi đang rất lo lắng khi nhận được thông báo: Từ 1/1/1015, loại thuốc mà người thân của tôi đang uống (khoảng 1,4 triệu đồng/viên/ngày) sẽ không được BHYT chi trả 100% như trước; thay vào đó, gia đình tôi sẽ phải cùng chi trả 50%, tức là phải trả thêm 700.000 đồng/viên. Gia đình tôi chưa biết lấy đâu ra tiền để tiếp tục điều trị cho người thân, mặc dù một số chuyên gia giải thích có thể tìm thuốc khác, nhưng với những bệnh nhân nặng thì việc dùng thuốc mới, giá thành cao đều là phác đồ điều trị cuối”.

Cũng theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, khi Luật BHYT có hiệu lực, người dân rất hồ hởi đón nhận quy định thông tuyến KCB, người bệnh được phép vượt tuyến KCB tại BV tuyến huyện và một số đối tượng được vượt tuyến Trung ương vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, với chất lượng KCB trái tuyến cơ sở như hiện nay, nhiều ý kiến tỏ ý e ngại sẽ không tránh được tình trạng cơ sở y tế nơi thì quá tải, nơi thì vắng hoe; quá tải đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng KCB. Và khi quyền lợi BHYT được mở rộng thì ngành y tế, ngành bảo hiểm sẽ làm gì để thực hiện tốt việc giám định, tăng cường khả năng kiểm soát để chống các hành vi trục lợi quỹ BHYT đảm bảo sự chi trả của quỹ BHYT...

Lợi ích từ thông tuyến KCB

Lý giải về những băn khoăn của người tham gia BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN) cho biết: Trước đây, khi đi KCB vượt tuyến, trái tuyến, người bệnh được BHYT chi trả 30 - 70% chi phí KCB, tùy từng hạng BV, nhưng đây là một trong những nguyên nhân gây lên tình trạng quá tải một cách bất hợp lý ở các BV tuyến trên. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đi trái tuyến ở các BV hạng 3 ở tuyến huyện rất đông và điều này không phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật. Một nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách, Bộ Y tế, cũng khẳng định, có những BV hạng 1, BV tuyến Trung ương, có tới 40% số trường hợp đến KCB là các bệnh lý thông thường, mà tuyến dưới có thể điều trị được. Vì thế, Luật BHYT sửa đổi, ngoài việc mở rộng phạm vi chi trả, mở rộng tỷ lệ được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nội trú từ 30% ở tuyến Trung ương lên 40%, từ 50% ở tuyến tỉnh lên 60%, đồng thời cũng đưa ra quy định đối với những trường hợp KCB ngoại trú thì sẽ không được chi trả BHYT khi KCB vượt tuyến lên tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

Năm 2014, ước tính có khoảng 64 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 70% dân số; trong đó, đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm là 28,7 triệu (chiếm 44,8%), đối tượng được NSNN hỗ trợ là 15,1 triệu (chiếm 23,6%), đối tượng tự đóng BHYT là 7,2 triệu (chiếm 11,2%).

Riêng về vấn đề thay đổi tỷ lệ thanh toán đối với một số loại thuốc, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định: Theo quy định của Luật BHYT thì Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành 1 danh mục thuốc có điều kiện, có tỷ lệ chi trả; Thông tư 40/2014/TT - BYT, ngày 17/11/2014, của Bộ Y tế về Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (Thông tư 40) được ban hành là để thực hiện quy định đó của Luật BHYT. Mặt khác, trước khi Thông tư 40 có hiệu lực, người bệnh cũng đã được chi trả 50% chi phí các thuốc điều trị ung thư và thuốc chống thải ghép ngoài dịch vụ và cũng có những thuốc rất đắt tiền với chi phí hàng tỷ đồng/năm, nhưng kèm điều kiện đã tham gia BHYT liên tục từ 3 năm trở lên. Do đó, việc triển khai Luật BHYT và thực hiện Thông tư 40 chính là một trong những quy định mở rộng quyền lợi, người bệnh không cần phải có điều kiện tham gia BHYT đủ 3 năm liên tục cũng đã được hưởng tỷ lệ thanh toán như quy định tại Thông tư này.

“Tại Thông tư 40 chỉ có 25 loại thuốc điều trị ung thư có quy định tỷ lệ thanh toán, đó đều là những thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư để BS cân nhắc khi chỉ định, kê đơn thuốc nhằm bảo đảm quyền lợi cho mọi người bệnh có thẻ BHYT và đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT. Cần phải lưu ý rằng, chỉ có 9/25 loại thuốc là đang thanh toán 100% thì nay giảm còn 50%, gồm 4 thuốc điều trị ung thư và 5 thuốc điều trị bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng”, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cũng cho biết.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này đã quan tâm nhiều đến mở rộng quyền lợi nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cho người tham gia BHYT.

Cụ thể, thay bằng phải cùng chi trả 5 - 20% chi phí KCB như trước, thì nay người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT - XH khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ... đều được BHYT chi trả 100% chi phí KCB (trước đây là 95%). Giảm mức cùng chi trả của người thuộc hộ cận nghèo từ 20% xuống còn 5%.

Đặc biệt, trong Luật BHYT, quy định mới về thông tuyến KCB đã được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế tại các cơ sở KCB uy tín. Từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện được quyền KCB tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT - XH khó khăn, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được mở thông tuyến KCB và được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với BV tuyến huyện, điều trị nội trú đối với BV tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Và từ ngày 1/1/2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.


Phương Liên, Ngọc Lan