07:08 10/07/2012

Lựa chọn công nghệ phát triển điện hạt nhân

Lựa chọn công nghệ nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) là một vấn đề phức tạp đối với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam, bởi ngoài các yếu tố khoa học và công nghệ thuần túy, việc lựa chọn còn bị ràng buộc bởi yếu tố kinh tế, tài chính và quan hệ chính trị, thương mại.

Lựa chọn công nghệ nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) là một vấn đề phức tạp đối với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam, bởi ngoài các yếu tố khoa học và công nghệ thuần túy, việc lựa chọn còn bị ràng buộc bởi yếu tố kinh tế, tài chính và quan hệ chính trị, thương mại.


Hiện nay, trên thế giới có trên 10 loại lò phản ứng hạt nhân đang được sử dụng và nghiên cứu phát triển, nhưng thực chất đến nay chỉ mới có 3 loại công nghệ được thừa nhận là những công nghệ đã được kiểm chứng và phát triển nhiều nhất. Đó là: Lò phản ứng nước áp lực; lò phản ứng nước sôi và lò nước nặng kiểu CANDU. Từng quốc gia sử dụng và phát triển loại lò phù hợp với chiến lược, trình độ khoa học công nghệ và khả năng tham gia của công nghiệp nội địa quốc gia đó.

Nhà máy điện hạt nhân tại Đức. Ảnh: khoahoc.com.vn


Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các công nghệ ĐHN được các quốc gia sử dụng, TS Lê Văn Hồng, Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Việt Nam nên lựa chọn công nghệ lò nước áp lực cải tiến. Đây là loại công nghệ phổ biến nhất, có nhiều nước sử dụng, nhiều hãng cung cấp thiết bị công nghệ và nhiên liệu, có bề dày kinh nghiệm, vận hành, bảo dưỡng, có nhiều kết quả nghiên cứu và thử nghiệm. Do vậy, việc Việt Nam lựa chọn công nghệ này sẽ giúp cho cơ hội hợp tác và phát triển của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều.


Cũng theo TS Lê Văn Hồng, Việt Nam chỉ nên sử dụng một loại công nghệ cho Chương trình phát triển ĐHN thay vì đa công nghệ. Việc này sẽ giúp Việt Nam không phải chia sẻ tiềm lực quốc gia về ĐHN còn yếu kém, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác đào tạo cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, thuận lợi trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thuận lợi trong tiếp thu công nghệ, tiến tới thực hiện chương trình nội địa hóa…


Ngoài ra, TS Lê Văn Hồng còn đưa ra một số tiêu chí trong lựa chọn và sử dụng công nghệ ĐHN, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn hạt nhân, đảm bảo an toàn bức xạ và đặc tính nhà máy. Các tiêu chí này là những yếu tố cốt lõi trong việc đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả Chương trình ĐHN Việt Nam.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia về ĐHN cũng nhận định: Công nghệ ĐHN không ngừng tiến bộ nhưng không bao giờ đạt được trạng thái hoàn hảo và an toàn tuyệt đối. Bởi vậy, ngoài thiết kế công nghệ, chế tạo thiết bị, việc đảm bảo an toàn phải được chú trọng thực hiện trong quá trình lựa chọn địa điểm, thi công xây lắp, vận hành bảo dưỡng và tháo dỡ nhà máy khi hết thời gian sử dụng. Thêm vào đó, nhân lực trong ngành hạt nhân phải có kiến thức vững chắc và chuyên môn sâu, có ứng xử theo văn hóa an toàn hạt nhân.


Thu Phương