11:11 10/11/2011

Lũ tại miền Trung đang xuống

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 9/11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống ở mức dưới BĐ1, riêng các sông ở Huế dưới mức BĐ2; khu vực Tây Nguyên có dao động; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 9/11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống ở mức dưới BĐ1, riêng các sông ở Huế dưới mức BĐ2; khu vực Tây Nguyên có dao động; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm. Ngày 10/11, mực nước các sông ở Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục xuống, các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang xuống, ở mức BĐ2. Riêng mực nước trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức BĐ3. Trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống, sau đó biến đổi chậm, riêng vùng ĐTM và TGLX sẽ lên theo kỳ triều cường. Đến ngày 13/11, mực nước cao nhất trong ngày ở mức BĐ1-BĐ2; riêng sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức BĐ3.


Người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa khi nước lũ rút dần tại phố cổ Hội An. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến thời điểm này, lũ tại miền Trung đã làm 20 người thiệt mạng (giảm 2 người so với ngày 8/11, do loại bỏ trường hợp ốm nhưng không đi bệnh viện được nên bị chết) và 4 người mất tích; làm 43 căn nhà bị sập, hư hại; gần 7.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại.

Để khắc phục hậu quả do lũ, Bộ Y tế đã có Công văn số 7189/BYT-VPB7 ngày 8/11 chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Dược Trung ương III cấp thuốc phòng chống lụt bão hỗ trợ Sở Y tế các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục triển khai thực hiện nội dung các Công điện của Ban Chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban Quốc gia TKCN; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích; triển khai công tác khắc phục hậu quả, đặc biệt là khắc phục giao thông, vệ sinh môi trường.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đến ngày 9/11, Đà Nẵng có 29 xã, phường bị ngập với 8.920 hộ, di dời 2.972 hộ; trong đó huyện Hòa Vang nặng nhất có 11 xã, 88 thôn, 3.881 hộ, di dời 2.772 hộ, tiếp đến quận Cẩm Lệ có 7 phường, 1.131 hộ; 25 tấn lúa bị ướt, 71 ha rau đậu hư hại. Chính quyền địa phương đang tập trung các loại thực phẩm ăn nhanh để chăm lo cho số người di dời đến những điểm tập trung an toàn. Công tác chăm sóc sức khỏe cũng được các đơn vị y tế khẩn trương triển khai đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể trong và ngoài tỉnh nỗ lực hỗ trợ người dân đối phó tại những vùng ngập lụt và tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ 40 tỷ đồng, 2.000 tấn gạo, 200 tấn giống lúa, 20 tấn ngô, 5 tấn giống rau màu, giúp Quảng Nam có điều kiện sớm khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra và chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2011-2012 sắp tới.

Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã thăm và trao 400 suất quà gồm gạo, nước uống cho 4 xã bị ngập lụt nặng là Đại Cường, Đại An, Đại Hòa và Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Đăng Lâm - Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Quỹ sẽ tiếp tục đến các huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam để giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ./.


Thanh Tuấn