11:08 09/11/2011

Lũ lớn lại tàn phá miền Trung

Mưa lũ ở miền Trung đã làm hơn 20 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản là khá lớn.

Mưa lũ ở miền Trung đã làm hơn 20 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản là khá lớn.

Quảng Nam: Di dời khẩn cấp dân ở các vùng bị lũ quét

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, trong những ngày qua do mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bị ngập. Từ ngày 5 - 8/11, mưa lũ đã làm chết và mất tích 18 người; riêng ngày 8/11, trên địa bàn tỉnh có 8 người chết và mất tích do nước lũ cuốn trôi.

Người dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) di chuyển ra khỏi vùng ngập lũ. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Mưa lũ cũng đã làm khoảng 73.000 nhà dân bị ngập nước, tập trung tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An, Nông Sơn, trong đó có khoảng 55.700 hộ bị ngập sâu từ 0,5 m trở lên. Theo thống kê có 76 xã, phường bị ngập lũ, khoảng 31 nhà dân bị hư hỏng, sập đổ thuộc huyện Nông Sơn, Nam Trà My, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn, Bắc Trà My.

Mưa lũ cũng đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh tại đèo Lò Xo đi qua địa phận huyện Phước Sơn và một số đoạn tại huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang bị sạt lở lớn với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá, gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 1A bị ngập lụt nhiều vị trí trên địa phận huyện Điện Bàn, Duy Xuyên gây gián đoạn giao thông từ tối ngày 7/11 đến sáng ngày 8/11. Đến chiều ngày 8/11, nước rút dần, lưu thông trở lại bình thường. Nhiều tuyến đường đi các huyện trong tỉnh cũng bị ngập sâu. Hầu hết các xã ở vùng cao của các huyện nói trên đều bị cô lập.

Ngoài ra, có khoảng 656 ha lúa gieo, 2.520 ha rau màu các loại bị mưa lũ phá hư hỏng; 94 ha ruộng bị bồi lấp. Lúa đã thu hoạch vào nhà bị ướt và hư hỏng khoảng 300 tấn. Nhiều công trình điện lực, viễn thông, thủy lợi trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh cũng bị hư hại nặng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có Công điện chỉ đạo các ngành địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với thiên tai: Theo đó, các địa phương kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho nhân dân ở khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ. Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư, chủ động huy động lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ tại chỗ tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ở những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp bị ngập sâu, đến nơi an toàn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp và huy động các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện để ứng cứu dân trong vùng bị ngập lũ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên quốc lộ 1 và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến cho các phương tiện đi lại an toàn. Tỉnh cũng nghiêm cấm các đò dọc, đò ngang không đảm bảo an toàn đi lại trên sông, hồ chứa nước và các điểm ngập sâu để vận chuyển người và hàng hóa. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn những điểm ngập sâu, không cho người và phương tiện đi lại. Việc vận hành xả lũ các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt và Quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB tỉnh và các địa phương. Tuyệt đối không xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng nước về hồ. Đối với những địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng cho học sinh nghỉ học.

Bình Định: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Từ ngày 6-7/11, mưa lớn đã gây lũ lụt ở một số địa phương tỉnh Bình Định. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Đến ngày 8/11, mưa lũ đã làm 2 người chết; 108 căn nhà bị ngập; 36,5 ha ruộng bị sa bồi; 1.294 ha lúa bị đổ ngã; 37.600 m3 đê điều, kênh mương bị sạt lở; các đập Đồng Tranh Ân Hảo Đông, Cây Say Ân Mỹ và đập xả Sâm Ân Phong bị nước lũ gây sạt lở nghiêm trọng; 29.400 m3 đường giao thông sạt lở; tuyến T4, T5 - gò Dũng BokTới, Hoài Ân sạt chân khay cống tiêu, trôi 1 đoạn tràn 20 m, giao thông bị chia cắt.

Trong 2 ngày qua, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị huy động người và xe máy thi công khắc phục nhanh cầu tạm bị lũ cuốn trôi 2 đầu mố gây ách tắc giao thông trên tuyến đường từ thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) lên huyện miền núi Vân Canh, đến nay công tác khắc phục đã hoàn thành. Huyện Hoài Ân vẫn đang phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích; vận động nông dân tranh thủ nước rút đến đâu, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Lực lượng thanh niên xung kích các địa phương đến giúp đỡ nhân dân nhà bị hư hỏng để ổn định cuộc sống. Công tác cứu trợ cũng được triển khai giúp các gia đình bị lũ cuốn trôi lương thực, thực phẩm để sớm ổn định cuộc sống.

Thừa Thiên - Huế: Gần 36.100 nhà bị ngập lụt

Do ảnh hưởng của nhiễu động đới gió đông trên cao kết hợp với rìa phía Bắc của rãnh áp thấp có trục 12 đến 14 độ vĩ bắc nên trong những ngày qua khu vực Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to và gây lũ lụt trên phần lớn địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 36.060 nhà bị ngập bình quân từ 0,2 - 1,5 m, trong đó tập trung ở các huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Hương Thủy và thành phố Huế.

Các tuyến QL1A qua Thủy Dương, 49B đoạn Mỹ Chánh đi Vân Trình bị ngập 1 m. Đường sắt tại khu ga Văn Xá bị ngập 30 - 50 cm nên có 4 đoàn tàu SE1, SE3, SE5 và SE19 bị kẹt tại ga Hiền Sỹ, huyện Phong Điền và đoàn tàu SE8 bị kẹt tại ga Huế. Đến chiều 8/11 mới thông tuyến trở lại.

Công nhân đường sắt khắc phục điểm sạt lở tại km 799 + 771, khu Thanh Khê - Lệ Trạch (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Trên sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bù Lu, các đoạn bờ sông này những năm trước đây đã sạt lở nặng trên 50 km nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, nay do ảnh hưởng của mưa lũ tiếp tục sạt lở nặng thêm 10,5 km. Đáng lưu ý, sạt lở bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Hồ, xã Hương Thọ; sông Bồ đoạn qua xã Quảng Phú, Hương Văn; sông Tả Trạch đoạn qua thị trấn Khe Tre, Hương Phú; sông Tà Rình, sông Bù Lu đoạn qua xã Lộc Vĩnh... gây ảnh hưởng cho hơn 210 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp và làm mất khoảng 5,1 ha đất ở, đất nông nghiệp dọc bờ sông, gây hư hỏng các tuyến đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng dọc sông. Bờ biển khu vực Thuận An - Phú Thuận do biển xâm thực, làm sập 40 m tường rào khu Resort Ana Mandara.

Ngày 8/11 là ngày thứ hai học sinh trên địa bàn Thừa Thiên - Huế phải nghỉ học. Nhiều cơ quan cũng nghỉ làm việc. Điện lực Thừa Thiên - Huế chủ động thực hiện cắt điện sa thải một số tuyến đường dây và trạm biến áp nằm trong các khu vực ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân vùng bị ngập lụt…

Quảng Trị: Nhiều vùng, học sinh phải nghỉ học

Tại Quảng Trị, mưa kéo dài đã làm cho một số địa phương vùng trũng bị ngập lụt. Tại huyện Hải Lăng, đến chiều nay nước dâng lên đã gây ngập lụt một số tuyến đường giao thông về các xã vùng trũng như Hải Thiện, Hải Hòa, Hải Tân... Ông Trần Đới, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hải Lăng cho biết, có một số trường học bị nước ngập vào sâu trong sân trường. Một số trường học tuy chưa bị nước ngập, nhưng đường đến trường đã bị ngập nên học sinh sẽ gặp khó khăn khi đến trường. Chiều ngày 8/11, một số trường học trên địa bàn huyện Hải Lăng đã phải cho học sinh nghỉ học.

Tại huyện Đakrông, nước sông lên đã gây ngập cầu tràn Ba Lòng, chia cắt các xã trong vùng chiến khu Ba Lòng với bên ngoài. Theo Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hiện tại các hồ chứa nước trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên do mưa còn diễn biến phức tạp, nước các sông trong đêm 8/11 có thể còn lên nữa, nên công tác phòng chống sẽ không được chủ quan. Ban quản lý các hồ chứa nước trên địa bàn duy trì lực lượng túc trực 24/24 giờ, các địa phương, ban, ngành chức năng sẵn sàng triển khai lực lượng phòng chống mưa lũ và giúp đỡ nhân dân khi cần thiết.

Quảng Ngãi: 3 tàu cá gặp nạn

Báo cáo nhanh lúc 10 giờ 30 phút ngày 8/11 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết: Lúc 8 giờ sáng 8/11, tàu cá QNg 94942 TS của ông Võ Hữu Đức (SN 1960) ở Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), hành nghề giã cào bị hỏng máy, phá nước và chìm tại tọa độ 17 độ 06 phút vĩ bắc - 108 độ 24 phút kinh đông, trên tàu có 9 lao động. Trong khi khắc phục sự cố tại cabin, thuyền viên Võ Hữu Hòa (SN 1975) xã Phổ Thạnh, Đức Phổ đã bị chết do ngạt nước. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu, tàu QNg 94372 TS của ông Võ Tin cùng quê cứu kịp thời 8 ngư dân và đưa thi thể ông Võ Hữu Hòa vào Đà Nẵng. Cũng sáng 8/11, tàu cá QNg 98225 của ông Võ Công Tính, quê xã Phổ Thạnh, Đức Phổ (Quảng Ngãi), hành nghề lưới kéo, trên tàu có 3 lao động, trên đường chạy vào Đà Nẵng thì bị chìm tại tọa độ 16 độ 25 phút vĩ bắc - 108 độ 30 phút kinh đông; cả 3 lao động trên tàu bị chìm đã được tàu QNg 44229 TS của ông Phạm Văn Công cứu vớt vào bờ an toàn.

Sáng 8/11, đài trực canh Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cũng nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá KH-996732-TS của ông Trần Chê, ngụ TP Nha Trang (Khánh Hòa) bị hỏng máy trôi dạt trên biển từ tối qua ở tọa độ 08 độ 30 phút vĩ bắc - 110 độ 40 phút kinh đông. Trên tàu có 11 lao động hành nghề lưới cản, tàu bị gãy cây láp, thả trôi.


TTN