11:18 02/11/2010

Lũ đi qua, tình người đến

Không mang theo những thùng mì tôm, quần áo, sách vở cũ... nhưng không vì thế mà tấm lòng của những người trong đoàn cứu trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và báo Tin Tức (TTXVN)...

Không mang theo những thùng mì tôm, quần áo, sách vở cũ... nhưng không vì thế mà tấm lòng của những người trong đoàn cứu trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và báo Tin Tức (TTXVN) dành cho mỗi người dân xã Song Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) "nhẹ" hơn. Suất quà 500.000 đồng tiền mặt mà đoàn cứu trợ dành tặng cho mỗi hộ dân xã Song Lộc thật sự đầy ý nghĩa, vì hơn bao giờ hết, mỗi người dân ở đây đang cần một khoản kinh phí để ổn định cuộc sống sau khi lũ rút. “Với khoản tiền này, tôi sẽ dành tiền mua một cái chăn cho mùa đông, còn thì để sửa nhà”. “Tôi sẽ mua thóc giống cho vụ tới, còn lại để dành”. “100.000 đồng sẽ dành sửa nhà, 100.000 đồng dành cho con bé út đi học, còn 300.000 đồng tôi sẽ để dành cho cuộc sống những ngày tiếp theo”...


Bàng hoàng những mất mát

Những ngày chúng tôi tới với xã Song Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), một trong những xã bị mất mát, thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua, nước đã rút sạch, nắng đã lên, lại chói chang cái nắng miền Trung sạm da; nhưng dấu vết của lũ thì vẫn "hằn" trong cuộc sống của người dân ở đây. Những cánh đồng lúa sau cơn lũ chết ngả rạp, lún phún những gié lúa xanh đang trổ lại. Những hàng cây đổ ngả nghiêng, những ngôi nhà sau lũ vẫn ướt rượt, vệt nước vẫn còn nâu sậm trên tường. Và quan trọng là những ký ức về lũ vẫn ngập tràn...


Đại diện đoàn cứu trợ trao quà cho một gia đình ở xã Song Lộc (Hà Tĩnh).

Dắt con gái 7 tuổi ra trụ sở UBND xã nhận quà cứu trợ, chị Nguyễn Thị Sinh, xóm 2, xã Song Lộc chưa hết bàng hoàng: "Lũ đổ về ầm ầm, mấy mẹ con tôi cuống cuồng chạy lũ. Chồng tôi bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay rồi, nên khi nước về, tôi cũng chỉ còn kịp xoay sở ngược xuôi để đưa anh ấy đến nơi an toàn. Mọi việc thu dọn đồ đạc trong nhà do các cháu tự liệu và cũng chỉ mang được vài vật dụng thiết yếu. Khi quay trở lại, căn nhà nhỏ đơn sơ của tôi đã chìm trong nước lũ. Tài sản duy nhất có giá trị là chiếc ti vi trôi lềnh bềnh... Nhìn mấy bao tải thóc và quần áo, sách vở của con… ướt sũng mà tôi chỉ biết khóc và than trời là sao mưa lũ lại phũ phàng đến thế". Nhà nghèo, chồng đau ốm liên miên, ruộng canh tác ít nên chị Sinh đã phải thuê lại ruộng của những gia đình không có điều kiện sản xuất để gieo cấy. Thời gian nông nhàn, chị đi làm phụ hồ, nhặt ve chai để kiếm tiền trang trải cho 4 con ăn học. Một năm với 2 vụ lúa, lương thực chỉ đủ cho 6 miệng ăn nên mọi việc lớn nhỏ từ đóng học cho con đến ma chay, cưới xin đều do đôi tay chị tần tảo lo liệu. Nay đồ đạc trong nhà và gạo thóc bị nước lũ nhấn chìm, vợ chồng chị và đám trẻ chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lòng hảo tâm của các doanh nghiệp, cá nhân giúp đỡ để gia đình chị sớm vượt qua cơn hoạn nạn này.


Ông Nguyễn Huy Hựu, Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết: Lũ về trong đêm và lên rất nhanh, bà con không kịp trở tay nên chỉ sơ tán được người để bảo đảm an toàn tính mạng. Rất may là đã không có ai bị thiệt mạng nhưng phần lớn tài sản của các gia đình đã bị nước lũ nhấn chìm trong nhiều ngày. Cả xã có 744/1.200 hộ ở 11 thôn, xóm bị ngập nặng, trong đó có nhiều hộ bị cô lập hoàn toàn trong vòng 3-7 ngày. Hơn 10 tấn lúa của nhân dân bị hư hỏng, gia súc, gia cầm bị chết trên 10.000 con, rau màu vụ đông bị hư hỏng hoàn toàn. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra cho xã Song Lộc lên tới hàng chục tỷ đồng...


Những tấm lòng làm ấm những tấm lòng!

Nghe tin đoàn cứu trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và báo Tin Tức (TTXVN) về với nhân dân vùng lũ, bà con xã Song Lộc mừng lắm. Từ sáng sớm, sân UBND xã đã đông nườm nượp. Người đạp xe tới, người đi bộ dắt theo con, theo cháu...


Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và báo Tin Tức (TTXVN) trao quà cho nhân dân vùng lũ.
400 suất quà trị giá 200 triệu đồng và 2 chiếc ti vi 21 inch đã được chuyển tới tận tay những người dân. Nhận món quà nhiều ý nghĩa này, ai cũng rưng rưng cảm động. Cụ Võ Thị Nhị (xóm 2) cho biết, cụ sẽ trích tiền ra mua ngay một chiếc chăn vì mùa đông sắp đến rồi, chăn màn đợt lũ vừa qua đã bị lũ cuốn trôi hết. Với hộ chị Trần Thị Ngân, niềm vui lại ở những kg thóc giống có thể mua được, để đảm bảo cho vụ mùa tiếp theo "Sau lũ, thóc giống lên giá, tới 70.000 đồng/kg, tôi đang lo không có tiền để mua thóc giống, vì cả nhà chẳng còn đồng nào. May quá, với số tiền này, tôi sẽ có thể lo cho vụ mùa tới, thế là không sợ đói rồi" - chị Ngân cho biết.


Ông Võ Thúc Đồng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Can Lộc xúc động nói: "Nhờ có những tấm lòng hảo tâm của nhân dân cả nước, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ mà nhân dân Can Lộc đã gượng đứng dậy sau lũ. Đặc biệt, chúng tôi rất trân trọng tình cảm của các nhà báo, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) và cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công đã ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Song Lộc. Trong suốt thời gian qua, các nhà báo TTXVN không chỉ đưa những dòng tin thời sự về mưa lũ ở miền Trung đến với độc giả trong và ngoài nước mà còn dành cả vật chất cứu trợ nhân dân Can Lộc”.


Cùng chung tâm trạng này, ông Nguyễn Huy Hựu, Chủ tịch UBND xã Song Lộc khẳng định: "Với sự quan tâm của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là sự quan tâm và chia sẻ của đoàn cứu trợ báo Tin Tức và Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, nhân dân xã Song Lộc sẽ sớm vượt qua được khó khăn. Hiện lãnh đạo xã Song Lộc đã chỉ đạo, động viên nhân dân bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất vụ đông, nước rút đến đâu bà con tranh thủ mua giống, phân bón để sản xuất đến đó, tránh tình trạng để đất trống và người dân bị đói rét trong những ngày giáp hạt…".

Được biết, sau trận lũ lịch sử, nguồn lương thực và thóc giống của người dân đã cạn kiện, trong khi vụ đông và vụ chiêm xuân đang đến gần. Ông Võ Ngọc Sơn, xóm trưởng xóm 8, xã Song Lộc cho biết: "Nguồn lương thực của bà con đã bị mưa lũ gây ngập úng hư hỏng hết, nay nước đã rút, chúng tôi lại đối mặt với việc thiếu thóc giống để sản xuất. Do bị lũ cô lập nhiều ngày nên thóc giống trong nhà bị ướt và nảy mầm, đời sống nhân dân vốn đã khó khăn, nay thiếu giống để chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân khó khăn lại càng thêm chồng chất. Nhân dân chúng tôi kiến nghị Nhà nước sớm hỗ trợ lượng giống, phân bón để bà con nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất"…

Viết Tôn