09:17 28/09/2014

Louis Pasteur -'vị ân nhân của nhân loại'

Những phát minh của Louis Pasteur được nhân loại đánh giá là mở đầu cho sự phát triển của nền y học hiện đại. Ông xứng đáng được người đời sau ca ngợi là “vị ân nhân của nhân loại”.

Ngày 28/9/1895, trái tim của Louis Pasteur - một trong những nhà bác học có cống hiến to lớn nhất cho nhân loại đã ngừng đập.

Song những phát minh của ông được nhân loại đánh giá là mở đầu cho sự phát triển của nền y học hiện đại. Nhân loại mãi nhớ về ông như một nhà bác học xuất sắc, một nhân cách lớn đáng học tập.

Nhà bác học Louis Pasteur.


Louis Paster sinh ngày 27/12/1822 tại thành phố Dole, miền Tây nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu tại trường Đại học Besancon, năm 1943, Paster tiếp tục theo học vật lý và hóa học tại Đại học Bách khoa Paris, rồi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Khoa học.

Nhà bác học xuất sắc


Năm 1848, Louis Pasteur bắt đầu khảo sát hai loại tinh thể axít tartaric được tạo thành bên trong thùng rượu nho khi nước nho lên men. Ông phát hiện ra rằng, một loại dung dịch axít làm lệch ánh sáng trong khi loại thứ hai không có đặc tính đó. Đó là do hai loại axít trên có một mặt nhỏ khác nhau về độ dốc.

Từ kết quả nghiên cứu đó, ông đã đề ra định luật về tính bất phân đối xứng, trong đó ông khẳng định: các phân tử bất đối xứng luôn là sản phẩm của sinh thể sống. Công trình của ông đã trở thành cơ sở cho một ngành khoa học mới - ngành hóa học lập thể.

Vào thời kỳ bấy giờ, để sản xuất rượu, người ta thường cho men vào nước nho hoặc một loại dung dịch củ cải đường, nhưng có những mẻ dung dịch sau khi được lên men lại trở thành dấm chua. Để khắc phục tình trạng này, Pasteur bắt đầu nghiên cứu về sự lên men của rượu.

Qua kính hiển vi, ông nhận thấy rằng, các tế bào men rượu ở dạng hình tròn rất nhỏ, nó có thể sinh sôi nẩy nở, ngay cả trong một môi trường nhân tạo thiếu khí oxy, nhưng trong dung dịch bị hư hỏng, các tế bào hình tròn đó đã bị các tế bào hình que lấn át.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục nghiên cứu về dung dịch sữa là thứ dễ bị hư hỏng. Louis Pasteur cũng thấy sữa trở nên chua khi có nhiều loại tế bào hình que, loại đã thấy trong dung dịch củ cải đường bị hư hỏng. Từ đó, ông khẳng định, sự lên men là do các vi sinh vật gây nên.

Từ thành công này, Pasteur tiếp tục mở rộng các thí nghiệm và đã chứng minh được rằng: vi sinh vật, vi trùng ở trong không khí chính là nguyên nhân gây hư hỏng các dung dịch như nước đường, sữa, nước canh,… và để bảo quản các dung dịch đó cần phải khử trùng. Nhờ phương pháp khử trùng Pasteur, ngày nay, các thực phẩm có thể lưu trữ được lâu hơn.

Các công trình nghiên cứu về vi sinh vật, vi trùng của ông đã mở đường cho nhiều nhà khoa học khác tìm kiếm các vi trùng tại các phạm vi khác nhau.

Đối với ông, “Khoa học không có biên giới, bởi nó là tài sản của nhân loại, là ngọn đuốc soi đường cho thế giới, nhưng những nhà khoa học thì luôn thuộc về tổ quốc của họ”.


Năm 1868, do gặp nhiều biến cố đau thương trong cuộc đời, Pasteur đã bị tai biến mạch máu não. Những tưởng nhà bác học qua đời, nhưng chỉ 3 tháng sau, mặc dù bị liệt một phần thân thể, ông vẫn trở lại với những công trình nghiên cứu mới về bệnh truyền nhiễm.

Và ông đã hoàn thành những công trình vĩ đại nhất của đời mình như: tìm ra nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm ở súc vật như: bệnh tằm, bệnh dịch tả gà, bệnh chó dại…

Ông đã tìm được vắcxin để chủng ngừa các bệnh bệnh dịch tả gà, bệnh than, đặc biệt là bệnh chó dại. Ngày 6/7/1885, cậu bé Joseph Meister đã trở thành người đầu tiên được chủng ngừa bệnh dại và đã hoàn toàn bình phục sau 10 ngày.

Từ thành công ban đầu này, chỉ trong vòng 1 năm, đã có hơn 2.500 người, chiếm khoảng 99,5% bệnh nhân bị chó dại cắn được chủng ngừa và cứu sống.

Ngày 14/11/1888, Viện Pasteur đầu tiên đã được thành lập tại Paris. Đây là nơi để nghiên cứu và chế tạo vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm. Sau đó, các viện Pasteur lần lượt ra đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Một nhân cách lớn


Sự nghiệp của Pasteur không phải đơn giản là phép cộng những khám phá của ông. Nó còn tiêu biểu cho cuộc cách mạng phương pháp luận khoa học.

Pasteur đặt lên trên hết hai nguyên tắc không thể bàn cãi của nghiên cứu hiện đại, đó là: tự do sáng tạo nhất thiết phải đi với thử nghiệm nghiêm ngặt. Ông dạy các học trò của mình: "Đừng có đưa ra điều gì mà anh không thể chứng minh bằng thực nghiệm".

Pasteur là người theo chủ nghĩa nhân văn, luôn làm việc vì lợi ích dân tộc, lợi ích của cộng đồng. Ông chưa bao giờ ngập ngừng khi nhận những vấn đề mà trong thời đại của ông người ta vẫn thường cho rằng chúng sẽ thất bại.

Tuy bị liệt nửa người, ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. Tuy chịu đựng không ít những lời chỉ trích khi đưa ra những quan điểm, phương pháp mới, ông vẫn kiên trì, để cuối cùng được công nhận.

Ngày 28/9/1895, nhà bác học Louis Pasteur từ giã cõi đời tại thủ đô Paris, nước Pháp. Louis Pasteur là một nhà bác học đã thực hiện được bốn lý tưởng: Niềm tin, hy vọng, lòng bác ái và khoa học. Ông xứng đáng được người đời sau ca ngợi là “Vị ân nhân của nhân loại”.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN