11:17 29/11/2012

Lớp học giáo dục 'đặc biệt' của cô giáo Lê Thị Chiến

Trong lớp, không chỉ có tiếng cô giảng bài mà còn cả tiếng khóc, tiếng cười ngây ngô thơ dại của các em bị khuyết tật bẩm sinh và tự kỷ. Nhưng, hình ảnh xúc động nhất là sự đón nhận, ân cần chăm sóc những học sinh, những đứa trẻ không lành lặn của cô giáo trẻ Lê Thị Chiến.

Chúng tôi tìm đến lớp học giáo dục “đặc biệt” vào một buổi sáng. Một lớp học nhỏ bé được thuê tạm của nhà dân, nằm trong con ngõ nhỏ ở tổ 14, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Trong lớp, không chỉ có tiếng cô giảng bài mà còn cả tiếng khóc, tiếng cười ngây ngô thơ dại của các em bị khuyết tật bẩm sinh và tự kỷ. Nhưng, hình ảnh xúc động nhất là sự đón nhận, ân cần chăm sóc những học sinh, những đứa trẻ không lành lặn của cô giáo trẻ Lê Thị Chiến.


Sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2005, với tấm bằng loại khá, cô Lê Thị Chiến có thể xin vào công tác tại một trường mầm non công lập, nhưng cô lại không làm vậy. Học xong trở về quê, cô Chiến được một số gia đình có con bị bệnh tự kỷ, bại não nhờ đến dạy tại nhà. Sau một thời gian tiếp xúc với những trẻ không may mắn đó, cô thấy các em thật thiệt thòi vì không có được một môi trường chăm sóc, học tập để cải thiện tình trạng bệnh và có thể hòa nhập cộng đồng. Do đó, năm 2006 cô Chiến quyết định mở lớp học tư thục chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật bẩm sinh tại gia đình, với mục đích giúp các em tìm lại được sự hồn nhiên trong tiếng bi bô gọi mẹ, gọi cha như bao đứa trẻ bình thường khác…

 

Cô giáo Lê Thị Chiến giúp các em vận động phục hồi thể lực.


Ban đầu chỉ có 5 học sinh, dần dần lớp học đông thêm, nhà chật hẹp lại ở tầng cao của khu tập thể nên không đủ chỗ cho các em chơi, cô Chiến phải đi thuê tạm nhà dân để cho các em có lớp học. Đến nay, lớp học “đặc biệt” của cô Chiến có 30 em, trong đó 15 em mắc chứng bệnh tự kỷ, còn lại là các em bị bại não, động kinh, đao, thiểu năng trí tuệ và khiếm thính (độ tuổi từ 2 - 15). Mặc dù, không ồn ào náo nhiệt, không có những đứa trẻ nô đùa tinh nghịch như những lớp học bình thường khác, nhưng phải có tới 4 cô giáo đảm trách quản lý giáo dục. Bởi, việc dạy học cho trẻ khuyết tật chủ yếu là dạy theo phương thức: Một cô, một trò thì trẻ mới tiếp thu được từng con chữ và từng động tác luyện tập để phục hồi chức năng… Tận mắt nhìn thấy các cô dạy trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ, mới thấy được những khó khăn, vất vả. Vì khi đến lớp, những đứa trẻ ấy không hề biết một kỹ năng nào, dù đơn giản nhất như: Xúc cơm ăn, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân cho đến khả năng ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Có khi, cô giảng giải cả ngày mà các em chẳng nhìn lấy một lần, thậm chí còn chạy nhảy liên tục rồi tự đập đầu vào tường… Chính vì thế, công việc dạy trẻ khuyết tật không chỉ kiên trì, bình tĩnh từ những việc nhỏ nhất, mà còn phải biết lắng nghe, chia sẻ suy nghĩ với trẻ. Ngoài ra, các cô còn phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của các em, vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là chúng có thể tự gây tổn hại cho bản thân.


Cô Lê Thị Chiến chia sẻ: Thực sự dạy được trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật bẩm sinh không phải là điều đơn giản. Ở đây các cô giáo phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với các em. Không những thế còn phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vì mỗi em là một giáo trình, tùy theo từng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau mà có những phương pháp can thiệp khác nhau. Ví dụ như trường hợp em Văn Thị Thúy Hằng, sinh năm 2005, ở tổ 5, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, em bị bệnh tự kỷ từ nhỏ nhưng lên hai tuổi gia đình mới phát hiện và đưa em đến lớp học giáo dục “đặc biệt”. Khi mới đến, Hằng là một đứa trẻ không biết nói, không nhận biết được bản thân và trầm ngâm, chỉ thích chui vào các góc nhà hoặc gầm giường, gầm bàn, không thích giao tiếp với bất kỳ ai… Vậy mà sau ba năm, dưới sự chăm sóc, dạy dỗ của các cô, em đã thay đổi hoàn toàn, giờ em đã học lớp 3 của trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Hòa Bình và liên tục là học sinh khá, giỏi của lớp, của trường. Hay như em Nguyễn Đức Vương, sinh năm 2004 ở phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình, em bị bệnh bại não thể múa vờn. Khi đến lớp học Vương đã 5 tuổi, vì để ở nhà lâu nên bệnh của em rất nặng, đi lại siêu vẹo rất khó khăn, hai tay múa nhiều, hay cắn xé áo, không biết nói, không nhận biết được đồ vật xung quanh và giao tiếp kém. Nhưng được gia đình đưa đến lớp học đều đặn nên các cô giáo đã chăm sóc giúp đỡ em vận động phục hồi thể lực và trò chuyện thường xuyên hơn. Giờ đây, hành vi múa vờn của em Vương đã giảm hẳn, chạy nhảy bình thường, khỏe mạnh, không cắn xé áo như trước, hiểu và nói được nhiều, đặc biệt là ý thức hơn, biết nhường đồ chơi cho các bạn, các em trong lớp và ít cáu gắt…


Dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ phía bên trong rộng chừng 12 m2, cô Chiến cho biết: Đây là phòng học cá nhân của các em, mỗi buổi học là một tiếng mà chỉ có một cô giáo và một học sinh. Những giờ học đó, cô giáo sẽ giúp các em vận động phục hồi thể lực, tập nói, nhận biết những đồ vật, tập viết, tập đọc… Nhưng còn khó khăn lắm, vì kinh phí hoạt động của lớp không có, trẻ lại hay quậy phá đập vỡ đồ dùng, đồ chơi, xé sách vở nên các cô phải bỏ tiền túi ra mua sắm. Đến ăn uống hàng ngày, các cô giáo cũng phải chia nhau mỗi cô bỏ tiền túi ra một tháng để mua mắm, muối, mì chính, rau, củ cho các em. Thi thoảng mới nhận được sự ủng hộ của một vài phụ huynh.


Mặc dù, không được đầy đủ như những lớp học của nhà trẻ công lập nhưng chúng tôi nhận thấy, không khí trong lớp học thật ấm áp, bởi tấm lòng của những cô giáo yêu trẻ. Điều mà cô giáo Lê Thị Chiến cũng như những gia đình có con không may bị bệnh tự kỷ và khuyết tật bẩm sinh luôn đau đáu trong lòng là hiện nay lớp học đang phải đi thuê của nhà dân, không biết họ đòi nhà vào lúc nào. Vì vậy, mong các cấp, các ngành dành nhiều nguồn lực và tạo điều kiện cho các em có một địa điểm ổn định để các cô giáo và gia đình yên tâm chăm sóc, giáo dục, cho các em sớm hòa nhập cộng đồng, không phải là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Bài và ảnh: Vũ Hà