10:18 06/10/2011

Lớp học cội nguồn của người Dao ở Đằng Long

Những bài học đêm đêm ở nhà ông giúp họ biết chữ Dao nôm, biết thuốc chữa bệnh, lại biết thêm cả đường ăn, nết ở ngày xưa của người Dao.

Đã mười năm nay, ngoài nghề làm thầy thuốc, ông Triệu Văn Triển còn kiêm luôn cả làm thầy cho người Dao ở bản Đằng Long (Kim Bôi, Hòa Bình). Những bài học đêm đêm ở nhà ông giúp họ biết chữ Dao nôm, biết thuốc chữa bệnh, lại biết thêm cả đường ăn, nết ở ngày xưa của người Dao. Nhờ đó, truyền thống được giữ lại bền chặt hơn với họ.

Những cuốn sách cho đời sau

Mối duyên khiến ông Triển chuyển nghề, thêm nghề chính là những ghi chép những bài thuốc dân gian. Đã 70 năm ghi chép bài thuốc bằng chữ Dao nôm, sách thuốc trong nhà ông nhiều lắm. Cùng với bài thuốc, ông còn ghi thêm cả những truyền thuyết, sự tích, những tập tục của dân tộc Dao mình. Nâng những cuốn sách được đóng cẩn thận, giữ gìn trân trọng, ông nói: “Người già rồi cũng lần lượt về với Bàn Cổ (ông tổ của người Dao), những điều hay, lẽ phải của người Dao mình phải lưu giữ lại để con cháu chúng nó học tập và biết nguồn cội”.

Trang phục truyền thống của người Dao là “giáo phục” của ông Triển. Theo ông Triển, giữ phong cách ăn mặc, nói năng chính là giữ văn hóa.

Thế rồi, cảm cái tâm ấy của ông, cả bản ai có sách góp sách, ai không có sách thì góp... công đọc. Bản lại có thêm ông Triệu Văn Châu trước kia làm nghề thầy cúng mang vô số sách nhà đến góp thêm với ông Triển. Số sách sau đó tăng lên rất nhiều. Ông Châu tâm sự mình góp của vào với ông Triển những mong “làm một thư viện văn hóa bản Đằng Long”. Bà con dân bản vì thế lũ lượt đến hỏi sách để đọc. Có sách rồi, khi người nhà bị cảm chỉ cần xem sách rồi lên rừng hái thuốc về uống. Ngày dựng nhà, cưới hỏi cũng xem hết ở sách chứ chả cần đi đâu xa. Có ích là thế nên người người, nhà nhà đều cần sách.

Lớp học từ 20 giờ đến 22giờ hằng đêm dưới ánh đèn dầu này không thu học phí.

 

Ông Triển vừa dạy cách viết, cách đọc chữ Dao nôm.

Già trẻ, gái trai đều có mặt trong lớp học của ông Triển.

Lớp học của ông Triển, đàn ông thì đọc sách, học chữ Dao nôm, còn đàn bà thì thích nghe giảng, nghe để nhớ.


Thế là ông Triển nghĩ: Tại sao mình không mở một lớp học để dạy bà con rồi qua đó truyền bá những văn hóa dân gian của người Dao mà cả đời ông đã sưu tầm. Từ đó, hằng tối lớp học đặc biệt tại nhà ông hình thành. Ban đầu, ông chỉ mời những người già trong bản đến để trao đổi và ghi chép lại các tập tục của người Dao một cách chính xác và tỉ mỉ hơn. Thấy lạ, đám đàn bà và thanh niên cũng mon men đến xem rồi thích học những điều hay lẽ phải trong những cuốn sách của ông Triển lúc nào không hay.

Cùng học cái hay của hương ước

Ông Triển nhẫn nại lắm. Trời có thể khi gió khi mưa nhưng tối nào ông cũng dạy học, kể cả khi chỉ có một người. Bởi, ông bảo thêm một người học là thêm một người biết chữ Dao nôm đang mất dần. Thêm một người là thêm một hy vọng có người lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông người Dao truyền lại.

Những cuốn sách về văn hóa quý bằng chữ Dao nôm mà ông Triển đã kỳ công cả đời mình ghi chép, lưu giữ.

Ông còn kỳ công ghi lên tường những hương ước của bản Đằng Long ngay xưa như: Cấm kỵ về tội bất hiếu, ăn trộm, loạn luân, và có ý thức bảo bệ bản làng... Ông nói vui: “Các cụ ngày xưa tài thật, hương ước chỉ quy định 4 điều ấy thôi nhưng đã khái quát được hết các mối quan hệ của con người trong bản. Cứ theo hương ước mà làm thì bản làng đời đời yên vui”.

Tường nhà cũng là bảng của lớp.


Lớp học của ông đã mở được hơn 10 năm, hết lớp này đến lớp khác. Học trò của ông đủ các lứa tuổi, từ những bà cụ tóc đã bạc phơ đến những đứa trẻ mới lên năm lên ba. Bây giờ đám thanh niên rất hăng say tham gia học mỗi tối bởi trong suy nghĩ của họ đã hình thành ý thức: Nếu không biết cội nguồn thì không phải là người Dao rồi.

Hơn 10 năm nay, cánh cửa nhà ông Triển luôn rộng mở đón các thế hệ học sinh đặc biệt của bản Đằng Long.


Bản Đằng Long điện chưa có, lớp học dưới ánh đèn dầu tù mù nhưng giúp người ta sáng dạ, hiểu được luân thường đạo lý ở đời. Trưởng bản Đằng Long - Triệu Văn Tiến hồ hởi khẳng định với chúng tôi: “Hơn 10 năm nay, từ khi lớp học dạy dân bản biết cách xấu hổ, xấu hổ khi không biết cội nguồn, xấu hổ khi vi phạm đạo đức, làm điều xấu… thì cũng ngần ấy thời gian bản Đằng Long sống với nhau rất chan hòa, chưa xảy ra hiện tượng dân bản cãi vã, đánh nhau hay mất trộm, mất cắp trong bản.

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Yên Ninh