07:08 29/07/2014

Lớp học 30 ngày trên núi

Để tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, không gặp khó khăn trong việc học tập, dịp hè này, ngành giáo dục Yên Bái đã tổ chức những lớp học 30 ngày, dành cho các em sắp vào lớp một.

Để tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, không gặp khó khăn trong việc học tập, dịp hè này, ngành giáo dục Yên Bái đã tổ chức những lớp học 30 ngày, dành cho các em sắp vào lớp một. Những lớp học rất đặc biệt khi tất cả thày cô đều dạy miễn phí và các em học sinh thì giống những chú chim non đang tập “ra ràng”…


Lớp học tăng cường tiếng Việt tại trường Tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.



Sau hơn một giờ đồng hồ cuốc bộ, vượt con dốc dài trơn trượt, chúng tôi đã đến điểm trường Chống Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; một trong những nơi có lớp học 30 ngày, dành cho các em nhỏ là con em của đồng bào dân tộc Mông, nhằm giúp các em làm quen với môi trường mới và bổ sung vốn tiếng Việt.

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, phụ trách lớp cho biết: “Khi mới vào lớp, đa số các em đều rất nhút nhát và biết rất ít tiếng Việt. Sau gần một tháng đến lớp, các em đã biết phát âm chuẩn những từ đơn giản như: Trường, lớp, thầy cô giáo, bạn bè, Tổ quốc, bàn, ghế; biết xếp hàng vào lớp, lấy bảng phấn, khoanh tay trên bàn, giơ tay phát biểu”.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, năm nay sẽ có 1.485 học sinh bước vào lớp một; trong đó có 1.276 em ở trong diện học lớp tăng cường tiếng Việt. Sau 30 ngày học tập, đa số các em đã có những kỹ năng cơ bản trong việc học ở nhà trường. Các em đã có được vốn tiếng Việt nhiều hơn, tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.



Theo cô Liễu, với những học sinh dân tộc thiểu số, tiếng Việt như là một ngôn ngữ mới. Do đó, việc dạy học phải trải qua một quá trình rèn luyện liên tục để tạo cho các em kỹ năng nói, hiểu. Ngoài giáo án chung, giáo viên đứng lớp còn phải chú trọng dạy tiếng Việt dưới nhiều hình thức bằng cách lồng ghép dạy - nhìn - đọc - hiểu với từng đồ vật trực quan. Các nội dung đưa vào giảng dạy được giáo viên lựa chọn, phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông để giúp các em tiếp nhận kiến thức được thuận lợi.

Là học sinh nói sõi tiếng Việt nhất lớp, em Sùng A Dê tự tin nói bằng tiếng Việt: "Đến lớp con được cô giáo dạy nhiều lắm. Con biết từ “màu trắng”, “màu đen”, “màu đỏ”, “con vịt”... rất thích. Mai con lại đến lớp học tiếp".

Năm học 2014 - 2015, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Mồ Dề sẽ có 136 học sinh vào lớp một. Các em chủ yếu là dân tộc Mông nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế. Nhà trường đã mở 8 lớp ở tất cả các điểm trường để bảo đảm các em được đi học với khoảng cách gần nhất. Có những điểm trường chỉ có 6 - 8 học sinh cũng được trường bố trí 3 - 4 thầy cô giáo chia nhau đứng lớp. Đây là các thầy cô giáo đang dạy tại điểm trường, vì vậy thông qua đợt học này, học sinh cũng sẽ được làm quen với các thầy cô giáo dạy mình trong năm học tới.

Với diện tích rộng, dân cư thưa, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết học sinh đều đi bộ đến trường, nên việc duy trì sĩ số của lớp học 30 ngày cũng gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với lớp tăng cường tiếng Việt. Để huy động cao nhất số học sinh ra lớp, thời gian đầu, các thầy cô giáo đi bộ đến từng nhà học sinh để vận động gia đình cho con em mình đi học. Hôm nào trời mưa, các em ở xa điểm trường nghỉ học, các thầy cô lại phải đến tận nhà để đưa các em đến lớp.

Thầy Hoàng Văn Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Với lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô đã không quản khó khăn, hy sinh cả tháng hè để tiếp tục đứng lớp, dù không có một đồng thù lao, bồi dưỡng nào. Mặc dù chưa được như mong muốn, song lớp học tăng cường tiếng Việt cũng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.


Bài và ảnh: Trung Kiên