01:07 02/01/2016

Long thành cầm giả ca

Trong lịch sử lâu dài của đất nước, Thủ đô Hà Nội của chúng ta từng là kinh đô nhiều triều đại và có những tên gọi khác nhau.

Kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra, kinh đô mới có tên là Thăng Long, và trong suốt ngàn năm tiếp theo, mảnh đất này có những tên gọi chính như sau: Thăng Long (thời Lý, Trần), Đông Đô (thời nhà Hồ), Đông Kinh (thời nhà Lê), Bắc Thành (thời Quang Trung), Thăng Long (thời Gia Long), Hà Nội từ năm 1831dưới triều vua Minh Mạng cho đến ngày nay.

Như chúng ta đều biết, Đại thi hào Nguyễn Du sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, kinh đô Thăng Long. Là con của vị Tiến sĩ, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, những năm đầu đời Nguyễn Du là cậu ấm sống trong nhung lụa. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mười tuổi mất bố, mười ba tuổi mất mẹ, ông phải sống dựa vào hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản và Nguyễn Điều. Năm 1786, cả hai người anh cùng qua đời, lại đúng khi Nguyễn Huệ kéo ra Thăng Long lần thứ nhất, Nguyễn Du phải xa Thăng Long, về quê vợ Quỳnh Phụ, Thái Bình và ở nhờ suốt mười năm, ông gọi đó là mười năm gió bụi (táp tải phong trần).

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Năm 1796, do vợ mất, Nguyễn Du đưa cậu con trai về quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh và ở suốt sáu năm, cho đến năm 1802 thì ra làm quan dưới triều Gia Long. Ông làm tri huyện, tri phủ ở Hưng Yên, Thường Tín... nhưng hình như chưa có dịp trở lại Thăng Long thì đã chuyển vào Phú Xuân, Quảng Bình. Mãi đến đầu năm 1813, trên đường đi sứ Trung Quốc, ông mới có dịp trở lại Thăng Long và ngỡ ngàng, cảm thương trước những thay đổi về phong cảnh và con người. Chúng ta biết rằng, khi Gia Long lên ngôi thì kinh đô nước ta chuyển vào Phú Xuân, còn Thăng Long chỉ là một thành phố, vẫn gọi là Thăng Long nhưng ý nghĩa đã thay đổi: Không còn nghĩa “Rồng bay” mà mang nghĩa mới là “Thịnh vượng”. Gia Long cho xây lại thành mới, cố cung thời vua Lê đã biến mất... Trong chuyến đi này Nguyễn Du sáng tác bốn bài thơ về Thăng Long, hai bài nói về thay đổi cảnh, hai bài nói đổi thay về con người, bài nào cũng hoài cổ, buồn thương.

Trong bốn bài thơ đó, bài “Long Thành cầm giả ca”, tức “Bài ca người gảy đàn ở đất Long Thành” được nhiều người đồng cảm nhất. Có người nói rằng, hai câu “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong Truyện Kiều, là Nguyễn Du nói nỗi lòng mình trước sự đổi thay thời cuộc mà mình từng trải, hơn là “bể dâu” trong cuộc đời của Thúy Kiều. Dùng hình ảnh một người ca nhi, từng học đàn dưới triều Lê, “lên ngôi” thời Tây Sơn và tàn tạ dưới thời Gia Long... tác giả gửi gắm bao nỗi riêng của lòng mình.

Mở đầu bài thơ là lời Tiều dẫn của tác giả dài khoảng ba trăm từ, bằng văn xuôi, có những đoạn như sau:"Người gảy đàn đất Long Thành ấy không rõ họ tên là gì. Nghe nói thuở nhỏ nàng học đàn Nguyễn trong đội ngũ nữ nhạc ở cung vua Lê. Quân Tây Sơn kéo ra, các đội nhạc cũ kẻ chết, người bỏ đi, nàng lưu lạc ở chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng gảy đều là những khúc Cung phụng cho vua nghe, người ngoài không hề được biết, cho nên tài nghệ của nàng nổi danh hay nhất một thời.

Hồi còn trẻ, tôi đến kinh đô thăm anh tôi, ở trọ gần hồ Giám, cạnh đó các quan Tây Sơn mở cuộc hát lớn, con gái đẹp có đến vài chục người. Nàng nổi tiếng nhờ ngón đàn Nguyễn. Nàng hát cũng hay và khéo khôi hài, mọi người say mê, đua nhau ban thưởng, tiền thưởng nhiều vô kể... Sau đó vài năm tôi rời về Nam, mấy năm liền không trở lại Long Thành. Mùa xuân năm nay tôi phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Long Thành, các bạn mở tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt, biết tên, chị em thay nhau múa hát.

Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo nổi lên, khác hẳn những khúc thường nghe, tôi lấy làm lạ, nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, vẻ tiều tụy, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi im ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi ra thì chính người đàn bà trước kia đã gặp.

Than ôi, người ấy sao đến nỗi thế? Tôi bồi hồi không yên, ngửng lên, cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh nhục, buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương vô hạn, nên tôi làm bài thơ sau, để ghi mối cẩm hứng".

Bài ca người gảy đàn đất Long Thành
                              
Tên người đẹp, chẳng ai hay
Giỏi đàn, dân cứ gọi ngay cô Cầm
Trong triều trước, học nhiều năm
Khúc đàn Cung phụng tiếng tăm nhất đời
Ta từng gặp, thuở thiếu thời
Đêm bên hồ Giám tiệc vui, tình cờ
Tuổi đôi mươi, vẻ ngây thơ
Áo tươi màu đỏ, mặt phô sắc đào
Chơi đàn duyên dáng làm sao
Bàn tay uyển chuyển phả vào năm cung
Tiếng khoan gió thoảng rừng thông
Trong như tiếng hạc tầng không vọng về
Mạnh như sét đánh tan bia
Buồn như Trang Tích não nề ngâm nga
Nhạc trong đại điện Trung Hòa
Người nghe ngồi chật, thẫn thờ, mê man
Say sưa quan lính Tây Sơn
Chơi sang đêm ấy còn hơn vương hầu
Bọn Ngũ Lăng thấm vào đâu
Coi thường tiền bạc thi nhau thưởng tràn
Ngỡ như báu vật Tràng An
Trăm xuân đúc lại một nàng mà thôi.
Chuyện qua hai chục năm trời
Tây Sơn bại trận, ta thời vào Nam
Long Thành không dịp ghé thăm
Nói gì cô gái ca cầm ngày xa
Lần này Tuyên phủ vì ta
Mở bày tiệc tiễn, kỹ ca được mời
Đều là gái trẻ xinh tươi
Chỉ riêng cuối chiếu một người hoa râm
Nước da vàng vọt thất thần
Mặt mày phờ phạc không lần điểm tô
Nhìn người ấy, có ai ngờ
Giỏi đàn bậc nhất kinh đô một thời.
Khúc xưa từng tiếng bồi hồi
Ta nghe tê tái, lệ rơi đáy lòng
Chuyện xưa, hai chục năm ròng
Người đêm hồ Giám tiệc tùng là đây?
Thời gian: Thành chuyển, người thay
Nương dâu, bãi bể ai hay sự đời
Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi
Chỉ còn sót lại một người kỹ ca
Trăm năm thấm thoắt trôi qua
Thương tâm chuyện cũ lệ nhòa áo khăn
Đầu ta bạc trắng ai bàn
Trách gì người đẹp dung nhan héo sầu
Mở trừng đôi mắt nhìn lâu
Gặp nhau chẳng nhận được nhau, thật buồn!

Nguyễn Du

Theo lời Tiểu dẫn cũng như nội dung bài thơ, ta biết được rằng, khoảng năm 1793, từ quê vợ Thái Bình, Nguyễn Du lên Thăng Long thăm anh trai là Nguyễn Nễ trước làm quan trong triều Lê, nay giúp Tây Sơn. Nguyễn Du trọ gần hồ Giám, có chứng kiến cuộc “chơi sang” của quan lính Tây Sơn, xem tiền bạc như bùn đất trong một đêm xem đàn hát. Trong lời tiểu dẫn có một câu: “Lúc đó tôi nấp trong bóng tối, không thấy rõ lắm”. Là em một ông quan triều Tây Sơn đi xem hát do quân Tây Sơn tổ chức, tại sao Nguyễn Du lại phải nấp trong bóng tổi? Là vì Nguyễn Du không muốn ai nhận ra mình, một người không chấp nhận sự đổi thay của Thăng Long như thực tế đã xảy ra.

Nguyễn Du dùng hình tượng người gảy đàn ở Long Thành, không chỉ nói về số phận của một người ca kỹ, mà muốn nói sự đổi thay của thời thế, đổi thay của Thăng Long qua các thời kỳ nhà Lê, Tây Sơn rồi nhà Nguyễn với nỗi tiếc nuối.Trong lời Tiểu dẫn, Nguyễn Du còn viết: “Sau đó vài năm, tôi dời vào Nam và từ đó không trở lại Thăng Long nữa. Hai chữ “vào Nam” Nguyễn Du dùng là kể cả thời gian ông sống dưới chân núi Hồng Lĩnh cũng như thời gian làm quan dưới triều Gia Long mà ông ở Phú Xuân hoặc Quảng Bình. Như vậy là đến 20 năm Nguyễn Du không trở lại Thăng Long, kể từ năm 1793 đến năm 1813.

Đối với Nguyễn Du, “con người thi nhân” lấn át một cách triệt để “con người quan chức”. Trong 14 tháng ròng với cương vị Chánh sứ đi sứ Trung Quốc từ tháng hai năm 1813 đến tháng tư năm 1814, ông đã sáng tác tập thơ “Bắc hành tạp lục” gồm 132 bài, không có một bài nào kể chuyện thù tạc với cương vị chánh sứ, mà chỉ nói về cảm hứng của ông khi đến những vùng đất, con người ông từ gặp trong sách vở, và đặc biệt nói về nỗi khổ của những kiếp người. Trong bối cảnh bài thơ “Long Thành cầm giả ca” cũng vậy, đó là hôm Tuyên phủ thành Thăng Long mở tiệc tiễn ông đi sứ, thế mà thơ ông không hề nói về chuyện đó, lại chỉ nói về thân phận một người đàn bà gảy đàn với nỗi cảm thương vô hạn. Nói rằng Nguyễn Du “đứng về phe nước mắt” trong sáng tác thi ca cũng không nhầm.
Vương Trọng (dịch thơ và giới thiệu)