01:00 06/01/2012

Lỏng lẻo trong quản lý chất lượng thực phẩm, nông sản

Nhiều địa phương không kiểm soát được việc giết mổ động vật tại lò mà chỉ kiểm tra vệ sinh thú y ngoài chợ; tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới có xu hướng gia tăng, nhất là tại biên giới phía Bắc…

Nhiều địa phương không kiểm soát được việc giết mổ động vật tại lò mà chỉ kiểm tra vệ sinh thú y ngoài chợ; tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới có xu hướng gia tăng, nhất là tại biên giới phía Bắc… Đó là nhận định của Bộ NN&PTNT về công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông, lâm, thủy sản trong năm qua.

Quản lý sơ sài

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm qua, tình trạng vi phạm chất lượng nông sản vẫn chưa có dấu hiệu giảm so với năm 2010. Trong năm qua, Chi cục kiểm dịch động vật các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… đã phối hợp với các cơ quan liên quan bắt giữ và xử lý 230.000 kg gà thịt, thịt gia cầm, thịt và phủ tạng gia súc, tăng 6.800 kg so với năm 2010. Nhưng công tác kiểm dịch tại các địa phương mới chủ yếu dừng lại ở việc kiểm tra bằng cảm quan, kiểm tra lâm sàng, giấy chứng nhận kiểm dịch hay giấy chứng nhận tiêm phòng mà chưa lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán các bệnh theo quy định.

Lô hàng chân con trâu thối bị phát hiện trên xe khách BKS 74K – 8965, trên đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng (ngày 21/12/2011).


Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản của Cục Quản lí chất lượng nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), số cơ sở xếp loại C - chưa đạt yêu cầu trong giết mổ gia súc, gia cầm chiếm tới 38%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản là 23%; cơ sở chế biến rau, quả là 59%...

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, sau khi phân tích chỉ tiêu về an toàn vệ sinh các sản phẩm nông sản đã phát hiện 48 mẫu trên tổng số 859 mẫu rau vi phạm chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, chiếm tỷ lệ 5,59% (năm 2010 là 5,29%). Đối với thịt lợn, gà, qua lấy 817 mẫu phân tích, đã phát hiện 254 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh Salmonella (chiếm 31%); 162 mẫu phát hiện vi phạm chỉ tiêu Staphylococcus aureus (chiếm 20%)... có thể gây ngộ độc.

Còn theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, hiện tỉnh không có chỗ tiêu hủy các sản phẩm thuốc thú y, thuốc BVTV kém chất lượng, nhập từ nhiều nguồn vào địa bàn Lạng Sơn. Đến nay vẫn tồn dư gần 11.000 tấn.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kiểm tra trên 7.000 sản phẩm động vật, đã phát hiện 4.600 trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó có trường hợp dù xuất trình được giấy chứng nhận của địa phương khác nhưng có dấu hiệu của lở mồm mong móng. 403 trường hợp sau khi bị phát hiện đã bỏ trốn, để lại 25 tấn sản phẩm.

“Nóng nhất hiện nay là cửa ngõ Đông Bắc của TP Hồ Chí Minh (từ miền Trung vận chuyển vào). Nhiều chủ hàng đã áp dụng “chiêu” không sử dụng phương tiện chuyên dụng mà chuyển hàng qua xe khách” ông Trung nói.

Tăng cường kiểm soát

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2011, Bộ đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến quản lí ATVSTP, hạn chế nhập khẩu từ các nơi về, bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đồng thời giao cho Cục Quản lí chất lượng nông lâm thủy sản và Nghề muối cùng với Cục Thú y tăng cường kiểm tra quyết liệt vận chuyển sản phẩm động vật nhập khẩu, nhất là tại khu vực biên giới, các cửa khẩu và hình thức vận chuyển đường dài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, thời gian gần đây các đoàn kiểm tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm. “Lâu nay công tác kiểm tra kiểm soát chưa tốt. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát quản lí tốt chất lượng VTNN và ATVSTP hàng nông sản”, ông Tần nói.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một khó khăn là việc thanh tra chuyên ngành còn bị động do chưa có quy định về thẩm quyền xử phạt của các chi cục chuyên ngành. Để xử lý vi phạm hành chính, các chi cục phải phối hợp với các cơ quan khác như: Thanh tra thủy sản, Quản lý thị trường, dẫn đến chậm trễ, không phát huy hiệu quả tính răn đe, không ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện văn bản pháp lí và cơ chế, tạo điều kiện tốt cho công tác quản lí.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung phối hợp với tỉnh để cùng kiểm soát việc vận chuyển nông sản, gia súc gia cầm. Nếu có vấn đề gì, cần thông báo ngược trở lại và cần kiểm soát ngay từ gốc.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2012. Đây cũng là một trong những trọng tâm công tác của Bộ trong năm nay.

Do đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ xây dựng văn bản pháp quy, ban hành quy trình kỹ thuật, hợp tác quốc tế, kiểm tra xuất khẩu nhập khẩu, tăng cường tuyên truyền ý thức đảm bảo ATVSTP nông sản cho cả người sản xuất kinh doanh.

Hữu Vinh