Tại Giải vô địch Vovinam thế giới tháng 11/2023, người hâm mộ không khỏi trầm trồ trước những thế kiếm dứt khoát, đòn đá thẳng tắp, ánh mắt sắc lẹm của nữ võ sĩ Mai Thị Kim Thuỳ với bài “Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp”.

 

Các vận động viên Vovinam biểu diễn bài quyền đa luyện tay không nữ tại Giải Vô địch Vovinam toàn quốc năm 2023.

Kim Thùy là một trong những vận động viên (VĐV) Vovinam nổi tiếng, được danh sư là cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu - Chánh chưởng quản (Chưởng môn đời thứ ba của phái Vovinam, giai đoạn 2010 - 2020), trực tiếp truyền dạy. Tới nay, cô giành hơn 10 Huy chương Vàng thế giới ở những nội dung quyền cũng như giành không ít huy chương các kỳ SEA Games, châu Á, Đông Nam Á.

Bài võ “Long Hổ quyền” cũng theo Kim Thuỳ liên tục giành Huy chương Vàng ở nhiều kỳ đại hội. Ấn tượng nhất là trong lần Vovinam được đưa trở lại đấu trường SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, Kim Thùy giành Huy chương Vàng đầy thuyết phục trong sự phát triển bất ngờ của các võ sĩ Vovinam ở khu vực.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm thi đấu chuyên nghiệp, Kim Thuỳ đã được Liên đoàn Vovinam cử đi nhiều nước để giảng dạy và truyền bá Vovinam. “Khi những VĐV của mình ở đội tuyển nước ngoài giành được huy chương thì tôi cũng rất tự hào. Khi dạy võ, tôi thấy họ không chỉ học về kỹ thuật Vovinam, mà họ còn yêu mến con người Việt Nam và yêu mến cả văn hoá của chúng ta nữa”, Mai Thị Kim Thuỳ chia sẻ.

 Bài “Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp” đã mang Huy chương Vàng về cho võ sĩ Mai Thị Kim Thuỳ tại Giải vô địch Vovinam thế giới năm 2023.

 

Là VĐV hàng đầu của Vovinam Việt Nam, Kim Thuỳ cũng được mời biểu diễn trong Quốc yến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Thủ tướng Canada năm 2017, Thủ tướng Campuchia năm 2018; đại diện cho võ thuật Việt Nam biểu diễn cho ông Kim Jong Un thưởng ngoạn tại Triều Tiên.

Trong số những võ sĩ trẻ mang trong mình khát khao đóng góp cho sự phát triển của Vovinam còn phải kể đến Huỳnh Khắc Nguyên. Võ sĩ sinh năm 1984 quê Phú Yên là một trong những VĐV giàu thành tích bậc nhất trong làng võ Vovinam cả nước. Huỳnh Khắc Nguyên cũng nổi danh trong việc góp công sức quảng bá hình ảnh của môn võ được xem là tinh hoa của võ Việt ra thế giới.

Vốn là học sinh chuyên Hóa nhưng tình yêu và đam mê với môn võ mà bố anh - HLV Vovinam Huỳnh Khắc Nghĩa, truyền dạy đã khiến Khắc Nguyên quyết định gắn bó với nghiệp võ Vovinam. Anh thậm chí đã chọn học ở trường Đại học Hồng Bàng vì đây là trường duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên sâu môn võ Vovinam.

 

Ngay trong buổi học đầu tiên, tân sinh viên Khắc Nguyên đã gây ấn tượng mạnh với võ sư Nguyễn Văn Chiếu đang làm công tác giảng dạy tại đây. Anh được bồi dưỡng để thi đấu thành tích cao. Được tiếp nhận kiến thức mới và được các võ sư hàng đầu Việt Nam chỉ bảo, tài năng của Khắc Nguyên nhanh chóng nở rộ.

Không phụ công thầy, từ năm 2009 đến nay, tại các giải vô địch quốc gia, thế giới, Khắc Nguyên gần như không có đối thủ ở các bài biểu diễn “Đại đao”, “Ngũ môn quyền” và “Đòn chân tấn công”.

Huỳnh Khắc Nguyên tâm sự: “Từng nhiều lần được Hội Việt võ đạo TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện đi các nước trong khu vực và châu Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Iran... tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của họ đối với môn võ Vovinam. So với các môn võ khác, Vovinam có nhiều lợi thế về khả năng ứng dụng thực tế của các đòn đánh và đó là lý do khiến phong trào tập luyện Vovinam tại Việt Nam và trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ. Đây cũng chính là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn giúp tôi hoàn thành sứ mệnh quảng bá môn võ Vovinam trong thời gian qua”.

 

Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Trong những lần xuất hiện với vai trò là đại sứ văn hóa dân tộc, Mai Thị Kim Thuỳ, Huỳnh Khắc Nguyên và các đồng đội đều nỗ lực hết mình thực hiện song hành sứ mệnh phát triển phong trào Vovinam trong nước và quảng bá tinh hoa võ thuật Việt Nam ra thế giới. Họ trở thành những đại diện tiêu biểu cho một Vovinam đầy sức sống, trẻ trung và đang trên đà phát triển.

 

Năm 2023, kỷ niệm 85 năm hình thành và phát triển, tin vui với người hâm mộ và hàng triệu môn sinh Vovinam khi môn võ Việt chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vovinam là cụm từ viết tắt của “Võ Việt Nam” được cố võ sư Nguyễn Lộc giới thiệu đến công chúng vào năm 1938 dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển. Vovinam được xem như kết tinh của tinh thần và kỹ thuật tự vệ, chiến đấu để dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

 

Bài biểu diễn nội dung Tự vệ nữ của hai vận động viên Việt Nam giành Huy chương Vàng tại SEA Games 32.

Võ sư Nguyễn Lộc sau thời gian tìm tòi học hỏi và nghiên cứu nhiều môn võ đã sáng tạo ra một hệ thống kỹ thuật võ học mới được gọi là Vovinam. Nội dung của Vovinam có 2 phần là Võ thuật Việt Nam (Việt võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt võ đạo).

Đến thời chưởng môn Lê Sáng, ông cùng các võ sư tìm tòi nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt này phát triển.

Những đòn thế đơn giản, dễ học nhưng rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao thu hút các môn sinh nước ngoài.

Kế thừa những thành quả đó, cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam lan tỏa đến bạn bè quốc tế khắp năm châu. Cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng lý giải: Yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam ngoài vấn đề kỹ chiến thuật, còn có tính triết lý ẩn chứa sâu sắc trong môn võ này. Người nước ngoài thích Vovinam vì tính đơn giản nhưng rất logic, đòn thế dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao. Nếu Taekwondo mạnh về chân, Karate mạnh về tay thì Vovinam lại là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố.

Vovinam lan tỏa đến cộng đồng người yêu võ thuật quốc tế với hơn 2 triệu môn sinh tập luyện thường xuyên.

 

Các võ sư đời sau tổng kết lại, đặc trưng kỹ thuật của Vovinam bao gồm tính thực dụng, tính liên hoàn, nguyên lý cương - nhu phối triển, vận dụng các nguyên lý khoa học và nguyên tắc “Một phát triển thành ba” (một đòn thế căn bản được phát triển thành đơn luyện - song luyện - đa luyện).

Nhờ vậy, Vovinam liên tục được bổ sung trong suốt quá trình phát triển, hệ thống đòn thế, bài bản tay không và cả vũ khí (dao, kiếm, côn, búa, mã tấu, tay thước, đao, đại đao…) . Trong đó, cũng phải tùy vào trình độ, màu đai, các môn sinh mới được học các bài quyền, pháp như “Long Hổ quyền”, “Tứ trụ quyền”, “Nhu khí công quyền”, “Việt điểu kiếm”, “Mã tấu pháp”, “Song đao pháp”…

Vovinam và đông đảo các võ sư, môn sinh của môn võ Việt đang góp phần thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt, giúp cho bạn bè quốc tế ngày càng yêu mến hơn đất nước và con người Việt Nam.

Võ sư Vittorio Cera nhiều lần lặn lội từ Italy đến nhà cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu để học võ và về xây dựng phong trào tại “Đất nước hình chiếc ủng”, từng chia sẻ: “Tôi yêu môn Vovinam vì nó là sự kết tinh của văn hoá dân tộc Việt Nam. Tinh thần võ đạo của Vovinam khiến mỗi người luôn phải tự rèn luyện để phát triển và thay đổi bản thân mình một cách tốt hơn”.

Trò chuyện với Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam sau chuyến công tác dài ngày phục vụ công tác giao lưu, quảng bá Vovinam, ông cho biết: Hiện Vovinam được tập luyện ở 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu, với hơn 2 triệu môn sinh tập luyện thường xuyên.

Vovinam đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

 

Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi... Từ đây, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, góp phần quảng bá môn võ thuật Việt Nam đến các nước trong khu vực và trên thế giới như: Giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á được tổ chức thường niên. Vovinam cũng được đưa vào tổ chức ở SEA Games và đang có kế hoạch tiến vào ASIAD, Olympic.

Ông Ngô Bá Huy, Phụ trách bộ môn Vovinam (Cục TDTT, Bộ VHTT&DL) khẳng định, về dài hạn, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ và phát triển Vovinam ở cả trong nước và thế giới. Liên đoàn Vovinam Việt Nam đang xúc tiến mở Học viện Vovinam toàn cầu tại TP Hồ Chí Minh. Vovinam như mạch nước ngầm cuộn chảy, phát triển sau hơn 85 năm. Với thế mạnh là những nét tinh hoa được đúc kết trong từng thế võ, có thể nói, Vovinam và đông đảo các võ sư, môn sinh của môn võ Việt đang góp phần thực hiện sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt, giúp cho bạn bè quốc tế ngày càng yêu mến hơn đất nước và con người Việt Nam.

Bài viết: Minh Thy/Báo Tin tức

Ảnh: TTXVN, TTXVN phát, Hoàng Giang

Trình bày: Tuệ Thy

08/02/2024 08:47