Trong cửa hàng nhỏ chưa đầy 10m2 trên phố Chả Cá (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), những ngón tay thoăn thoắt của nghệ nhân Mai Hạnh đưa từng đường kéo, tỉa từng cánh hoa, chiếc lá chỉ trong ít giây ngắn ngủi. Động tác uốn cành thành thục, dứt khoát tạo dáng đứng cho bông hoa.  Mỗi lần ghép xong một chi tiết, bà lại nghiêng đầu, say sưa ngắm nghía rồi vuốt lại những cánh hoa cho mềm mại, sinh động.

“Để làm ra một tác phẩm hoa lụa sống động, có “hồn” thì phải đưa cả tâm hồn mình đến với bông hoa. Khi chạm vào những bông hoa thật, tôi phải bẻ từng cánh, xem từng cái nụ, cảm nhận hương thơm của loài hoa đó. Riêng với hoa sen, tôi có nhiều cảm tình với loài hoa này. Những tác phẩm hoa sen của tôi được bày biện trang trọng trên bàn thờ Bác Hồ ở Lăng Bác, trong các cuộc tiếp khách quốc tế tại Phủ Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ,…”, nữ nghệ nhân tâm đắc.

Nữ nghệ nhân đã 73 tuổi nhưng đôi tay vẫn thanh thoát, khéo léo.

Đặc biệt hơn, tất cả những vật liệu làm hoa lụa đều được lấy từ chính những làng nghề thủ công Việt Nam. Nghệ nhân Mai Hạnh tự hào: “Nhìn tác phẩm của tôi là biết ngay. Thứ nhất, tôi không bao giờ dùng màu nhuộm, bao giờ cũng là màu vẽ loại tốt nên rất lâu phai. Thứ hai là tôi chọn lựa vải rất cầu kỳ, không bao giờ dùng lụa của nước ngoài, mà luôn là lụa của Hà Đông”.

Cửa hàng của nghệ nhân Mai Hạnh như một rừng hoa bốn mùa khoe sắc, nhưng nổi bật nhất vẫn là “quốc hoa Việt Nam” - hoa sen.  Hoa sen qua bàn tay khéo léo của nữ nghệ nhân mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen được nhuộm màu trắng hồng, đậm nhạt hài hòa, trông chẳng khác nào hoa thật.

Nói về cái duyên với nghề, nghệ nhân Mai Hạnh kể, từ bé bà đã được học hỏi rất nhiều từ mẹ là nữ nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái. Khi nhắc về mẹ, nghệ nhân Mai Hạnh xúc động: “Nói đến hoa lụa là tôi nghĩ đến người mẹ thân yêu của tôi. Ngày xưa, mẹ tôi được dạy rất nhiều về nữ công tinh hoa, vì thế mà tôi cũng học tập được nhiều từ bà, nhất là nghề hoa lụa. Khi còn bé, tôi không thích nghề làm hoa lụa này chút nào, tôi chỉ thích múa, thích văn nghệ. Nhưng rồi mẹ định hướng và truyền nghề cho tôi, cũng từ đó tôi đam mê, say đắm với nghề cho đến tận bây giờ”.

Chính bởi tài năng tạo tác hoa lụa độc đáo mà nghệ nhân Mai Hạnh được mời đi thi biểu diễn và giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Đến mỗi nơi, bà lại tìm tòi về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc đó rồi tỉ mẩm làm hoa lụa cho thật giống như hoa tulip của Hà Lan, hoa hồng xanh của Nga, phong cách cắm hoa của Nhật… Những tác phẩm hoa lụa của nghệ nhân Mai Hạnh luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Nghệ nhân Mai Hạnh tự hào chia sẻ, trong một lần bà tham gia biểu diễn tác phẩm hoa lụa tại Nhật Bản cùng đại diện 12 nước khác, lúc đó nghệ nhân các nước đều dùng một loại máy nhỏ để dập lá, một lần dập được 8-12 cánh. Nhưng riêng gian hàng của Việt Nam, nghệ nhân Mai Hạnh chỉ dùng tay và cây kéo để thực hiện tác phẩm, điều đó đã gây ấn tượng mạnh với ban tổ chức và khán giả quốc tế.

“Lúc đó, Ban tổ chức yêu cầu loài hoa gì tôi cũng có thể vẽ, cắt và làm luôn tại chỗ hoàn toàn thủ công nên những tác phẩm của Việt Nam được bạn bè quốc tế coi trọng. Sau đó, tôi được Nhật Hoàng tặng bằng khen, tôi cũng vinh dự được ký tên lên cánh hoa và tặng trực tiếp cho Nhật Hoàng”, nghệ nhân Mai Hạnh say sưa kể lại.

Với nhiều tác phẩm hoa tuyệt đẹp của mình, năm 2016, nghệ nhân Mai Hạnh chính thức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Những tác phẩm hoa lụa thủ công độc đáo của nghệ nhân Mai Hạnh được nhiều người yêu thích, ưu ái đặt cho bà biệt danh “nữ hoàng hoa lụa” hay “bông hoa lụa đất Hà Thành”.

Trong 60 năm làm nghề, nghệ nhân Mai Hạnh luôn hy vọng về việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật cắt tỉa hoa lụa trong tương lai. Những người con của bà Hạnh đều có năng khiếu nghệ thuật và đang tiếp nối công việc của mẹ.

Bài viết, ảnh, video: Thế Đoàn/Báo Tin tức

Trình bày: Thế Đoàn

13/02/2024 06:00