Với bạn Như Mai, du học sinh năm thứ 2 ngành nhà hàng tại bang Bayern của Cộng hòa Liên bang Đức, Tết là những ngày có ý nghĩa, là dịp tất cả những thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau chờ đón năm mới với những mong ước may mắn, thành công.
“Ở Cộng hòa Liên bang Đức không nghỉ Tết âm lịch, vì vậy chúng mình vẫn đi học, đi làm. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng mình sẽ gọi điện về chúc Tết gia đình, bạn bè và tận dụng thời gian nghỉ ngơi để cùng nhau nấu những món ăn Việt Nam. Những lúc đó, mọi người quây quần bên nhau nấu ăn, tâm sự để vơi đi nỗi nhớ nhà, cũng để gia đình yên tâm rằng, dù ở đâu chúng mình vẫn luôn có đồng bào và luôn có Tết”, Như Mai chia sẻ.

Tạm gác lại nỗi nhớ nhà, mỗi bạn du học sinh vui vẻ tận hưởng khoảnh khắc quây quần bên nhau.

Còn với bạn Đỗ Trà Giang, du học sinh năm 3 ngành bảo mật thông tin tại Viện Năng lượng Moscow (Đại học Nghiên cứu quốc gia Liên bang Nga), mỗi khi Tết đến, Trà Giang thường cùng các bạn du học sinh tập trung đi chợ mua nguyên liệu gói bánh chưng. Mọi người cũng “trổ tài” nấu những món ăn đặc trưng của Tết Việt như: thịt kho, nem rán... để chuẩn bị cho bữa cơm giao thừa và chào đón năm mới.

Tết xa quê vẫn tươm tất bánh chưng, bánh tét, bánh giầy.

 

“Thời khắc gọi điện về nhà chúc năm mới, nhìn thấy mọi người, tôi nhớ bố mẹ nhiều lắm, chỉ muốn bay ngay về Việt Nam ôm bố mẹ. Nhưng nhớ nhà bao nhiêu thì tôi càng quyết tâm bấy nhiêu, phải hoàn thành thật tốt chương trình đại học để không phụ lòng gia đình”, Trà Giang tâm sự.

Cũng tại Viện Năng lượng Moscow, anh Trần Quốc Thịnh là nghiên cứu sinh năm thứ 2. Trong 8 năm du học nước ngoài thì anh đã có đến 7 cái Tết xa nhà. Dù đón Tết xa xứ, song anh Thịnh vẫn thu xếp tươm tất nem chả, bánh chưng, mứt, hoa quả... như ở Việt Nam.
“Hằng năm, đơn vị du học sinh ở trường luôn chuẩn bị một chương trình đón Tết để mọi người cùng nhau sum vầy, ăn uống và trò chuyện. Đón Tết xa quê đối với du học sinh là dịp mà những cảm xúc nhớ nhà, nhớ không khí Tết quê hương. Với anh Thịnh việc nhìn thấy gia đình luôn khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất”.

Những chiếc bánh chưng, bánh tét vuông vức, đầy đặn gửi gắm bao nỗi niềm của những người con xa quê.

 

Ở nơi xứ người, họ vẫn sắm sửa chu đáo để ăn Tết cổ truyền theo phong tục, tập quán của người Việt. Vẫn có những bữa tiệc tất niên với đủ các món Việt Nam, nhưng hương vị Tết thật khác lạ. Trong lòng mỗi người đều chất chứa những cảm xúc, những nỗi nhớ khó gọi thành tên. Và dù không thể về nhà, nhưng những người con xa quê vẫn góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa văn hóa, bản sắc của người Việt ra với bạn bè thế giới, dù Tết xa nhưng vẫn thấm đẫm tình thương.

Ba năm đón Tết xa nhà, với bạn Lê Thị Mai, du học sinh ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Seizu Senmon Gakko (Nhật Bản), đó là những trải nghiệm giàu cảm xúc và khó quên. Mỗi lần gọi video chúc Tết gia đình, Mai cũng xúc động, bật khóc nhưng đó dường như đã trở thành thói quen của cô khi xa nhà.

Bữa tiệc tất niên Tết Nhâm Dần 2022 của du học sinh Việt tại Liên bang Nga.

 

“Tối giao thừa năm nào tôi cũng gọi video về Việt Nam, nghe nhạc Tết rộn ràng, tiếng reo hò chúc tụng, cùng cảm nhận không khí Tết từ Việt Nam,... Mỗi lần như vậy tôi đều khóc nhưng nhất định tôi phải thấy được hình ảnh mọi người đón Tết thì mới yên tâm. Bên Nhật Bản không ăn Tết âm lịch như Việt Nam nhưng trường tôi vẫn cho du học sinh nghỉ 1 tuần. Chưa năm nào tôi nghỉ Tết hết bằng đó ngày, tôi chỉ đón Tết 1 - 2 ngày cùng bạn bè và đi du xuân, còn lại tôi sẽ đi làm thêm để có thêm thu nhập”, Lê Thị Mai chia sẻ.

 

Du học sinh tận hưởng đêm văn nghệ Tết Kỷ Hợi 2019.

Còn với chị Nguyễn Thu Lam, hơn ba năm làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) chị luôn đau đáu nhớ về con gái và người thân ở quê nhà. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến xuân về, nỗi nhớ nhà như nhân gấp bội. Chị Lam nhớ cảm giác háo hức đi mua sắm đồ trang trí nhà cửa, sắm sửa quần áo cho con gái, nhớ những bữa cỗ tất niên ngày giao thừa… Ở nơi xa, mọi tâm tư, tình cảm chị Lam chỉ biết gửi gắm qua những cuộc gọi điện thoại.

Những cuộc gặp gỡ trong cộng đồng nhỏ khiến Tết quê hương như gần hơn với những người trẻ.

“Đêm giao thừa, tôi và những chị em trong ký túc xá quây quần bên nhau ăn uống, trò chuyện. Nhưng năm nào cũng vậy, ngồi một lúc, ai nấy đều đứng dậy, mỗi người một góc gọi điện cho người thân ở Việt Nam. Những cuộc gọi kéo dài cả tiếng để hỏi han sức khỏe, mọi người sắm sửa, ăn Tết như thế nào, rồi chúc Tết… Mặc dù ở đây cũng trang trí Tết như Việt Nam nhưng tôi chỉ cảm nhận được không khí Tết khi gọi về Việt Nam, trò chuyện với những người thân yêu”, chị Lam tâm sự.

 

Bài: Phương Mai - Hồng Phượng/Báo Tin tức

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trình bày: Tuệ Thy
 

10/02/2024 06:00