Từ khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, việc tiêu thụ sầu riêng đã trở nên khởi sắc. Nông dân trên địa bàn nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An… đã chuyển sang trồng loại cây ăn trái này. Nhưng để cây sầu riêng phát triển bền vững, vẫn cần có giải pháp thích hợp để nâng cao chuỗi giá trị cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho trái sầu riêng.

Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá loại trái cây này ở Tiền Giang hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, có lúc giá sầu riêng lên "cơn sốt" khi tăng lên mức hơn 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có của sầu riêng từ trước đến nay.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Men, sầu riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của tỉnh Tiền Giang. Với năng suất bình quân 20 - 25 tấn/ha và giá sầu riêng vụ nghịch bán đầu tháng Giêng năm 2023 vừa qua đạt mức cao kỷ lục, từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, mỗi ha đạt giá trị từ 2 - 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng từ 1 - 1,2 tỷ đồng.

Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Ngô Văn Sơn, canh tác 1 ha sầu riêng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm qua, ông thu hơn 20 tấn quả, bán trừ chi phí còn lãi không dưới 1,1 tỷ đồng. Từ một nông dân nhiều khó khăn, nhờ vào vườn sầu riêng, gia đình ông đã trở thành “tỷ phú nông thôn”. Hay ông Nguyễn Ngọc Tý (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có 5 công đã cho trái và 12,5 công mới được một năm tuổi. Theo ông Tý, sau khi trồng 5 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Lợi nhuận trung bình cho mỗi công sầu riêng được khoảng 100 triệu đồng/công/năm.

Tại Đồng Tháp, anh Trần Thanh Dũng ở xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) trồng 200 cây sầu riêng trên diện tích 1 ha. Sau hơn bốn năm, anh Dũng xử lý, cho 120 cây mang trái vụ đầu tiên, đã thu hoạch gần 11 tấn quả, có giá bán 120.000 đồng/kg, mang về trên 1,2 tỷ đồng.

“Để đạt kết quả tốt như thế, tôi đã trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả; chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tốn khoảng 3,5 triệu đồng/cây, chưa kể tiền thuê đất. Nhưng may mắn bán sầu riêng được giá cao, tôi rất mừng vì đã thu hồi được vốn đầu tư” - anh Dũng chia sẻ.

Vườn sầu riêng của anh Cao Văn Sạch ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh gần đến ngày thu hoạch.

Còn anh Trần Đăng Khoa, (xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) cho biết, gia đình trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng lợi nhuận thu về khá thấp. Sau khi thăm quan các vườn sầu riêng ở Tiền Giang, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sầu riêng. Sau 5 năm, hiện vườn sầu riêng đã bước vào đợt thu hoạch thứ hai. Do nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng, nên giá sầu riêng đang được thu mua với mức khoảng 150.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 15 tấn, vườn sầu riêng có diện tích 1 ha của anh Khoa có khả năng thu về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, anh đang tính mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đẹp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cũng đã đặt mua cây giống để chuyển đổi sang trồng sầu riêng với diện tích khoảng 2 ha từ 7 ha đất vườn. Theo ông Đẹp, trước khi chọn trồng cây sầu riêng, ông đã đi tham quan nhiều vườn trong khu vực lân cận và gặp gỡ các thương lái chuyên thu mua, xuất khẩu sầu riêng trong, ngoài tỉnh để được hướng dẫn về kỹ thuật trồng và tìm hiểu về đầu ra của sản phẩm. Nhận định tình hình tiêu thụ loại trái cây này khả quan với giá bán cao, nên ông quyết tâm đầu tư trồng.

Hiện nay, nông dân Tiền Giang đang bắt đầu thu hoạch rộ vụ sầu riêng sớm 2023 với niềm vui trúng mùa, được giá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để nông dân nâng cao giá trị sản xuất sầu riêng; bởi chi phí trung gian giảm, lợi nhuận sẽ tăng. Ngành nông nghiệp đã và đang khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói. Hiện nay, nông dân Tiền Giang đang bắt đầu thu hoạch rộ vụ sầu riêng sớm 2023 với niềm vui trúng mùa, được giá. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp là trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 32 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, diện tích hơn 708 ha. Trong số đó, 23 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gần 520 ha), còn lại là các vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nga, Mỹ, Australia… Với giá bán trên 100.000 đồng/kg, giúp nông dân trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao gấp hàng chục lần trồng lúa.

Giá sầu riêng tăng, nhà vườn có lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng sầu riêng. Với hiệu quả kinh tế quá hấp dẫn, một số nông dân đã và đang đầu tư trồng mới và mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, nếu điều này không được ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát, quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, dư thừa sầu riêng xuất khẩu và thiệt hại dĩ nhiên là người nông dân gánh chịu. 

Tại Tiền Giang, nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như: thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước. Chỉ riêng khu vực các xã phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy trong năm vừa qua đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất canh tác sang trồng sầu riêng xuất khẩu. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh là hơn 17.653 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

Vùng trồng sầu riêng ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, quan điểm của Sở là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch. 

Tại tỉnh Long An, nhiều người dân đang có xu hướng chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sầu riêng vì thấy giá trị kinh tế cao. Từ con số không, đến nay toàn tỉnh đã có gần 500 ha trồng sầu riêng, tăng hơn 200 ha so với thời điểm cuối năm 2021, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa...

Sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh Long An được ngành chức năng đánh giá là có chất lượng tốt, đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An, việc trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức như: nhiều địa phương đang có xu hướng mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế. Tác động của biến đổi khí hậu vùng trồng thường bị lũ lụt, xâm nhập mặn đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất sầu riêng nói riêng; diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch còn rất nhỏ so với quy mô diện tích. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư trồng sâu riêng khá lớn; ước tính với mỗi ha trồng sầu riêng, người dân cần đầu tư số vốn trên 1 tỷ đồng. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi sang loại cây trồng này.

Nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích hàng chục héc ta.

Tương tự như vậy, với lợi nhuận hấp dẫn từ loại cây này, vài tháng nay, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích hàng chục ha. Cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp trên 2.380 ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000 ha.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền khuyến cáo, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ khi chuyển sang trồng sầu riêng. Vì ở khu vực có đất đai, khí hậu phù hợp, cây sầu riêng mới phát triển và cho năng suất tốt. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất nhiều năm và chi phí trồng sầu riêng rất cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha nên nhà vườn cần có vốn "mạnh". 

Trước tình hình nhiều nhà vườn chuyển sang trồng sầu riêng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân nhằm thay đổi thói quen, không sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của cơ quan quản lý.

Như vậy, việc xác định vùng chuyển đổi phù hợp là điều trước tiên để không xảy ra tình trạng “dư cung”, “dội chợ”. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng cũng đang là vấn đề mấu chốt hiện nay.

Để phát triển bền vững cây sầu riêng, tăng thu nhập, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang.

Đến thời điểm này, Trung Quốc chỉ mới cấp cho tỉnh Tiền Giang 02 mã số vùng trồng và tỉnh đã nộp hồ sơ, chờ thẩm định 21 hồ sơ, với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng đạt 24.000 tấn, rất ít so với thực tế sản xuất. Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã với mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Ông Ngô Văn Sơn tại ấp 1, xã Cẩm Sơn (Cai Lậy, Tiền Giang) áp dụng các biện pháp khoa học thâm canh vào canh tác 1,2 ha sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương có mã số vùng sầu riêng đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, vùng trồng sầu riêng này ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh rộng hơn 16 ha với 20 hộ tham gia. Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long phấn khởi vì vườn sầu riêng 10.000 m2 của bà nằm trong vùng được cấp mã số. Bà Hương chia sẻ, khi được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, bà không còn lo "điệp khúc" trúng mùa rớt giá; tránh tình trạng thương lái ép giá vì có Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long lo khâu tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng; giúp nhà vườn Đồng Tháp làm chủ kỹ thuật trồng "né" vụ, thu hoạch không cùng thời điểm với các vùng trồng ở trong và ngoài nước. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý chặt chẽ nguồn giống sầu riêng; quản lý vùng trồng sầu riêng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh, tránh việc phát triển tràn lan, trồng ngoài quy hoạch.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng Kế hoạch Phát triển cây ăn trái chủ lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn trái trong quy hoạch của tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.

Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp xử lý cho vườn sầu riêng 10.000 m2 ra hoa.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây sầu riêng đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Còn tại Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn; xây dựng đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống và công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Cùng đó, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng hiệu quả trên địa bàn.

Thi công cống ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu ở Tiền Giang.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các địa phương cấp huyện khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nguồn nước không phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh phytophthora hại sầu riêng…

Với kế hoạch cụ thể, giám sát chặt chẽ các khâu như vậy, các vùng trồng sầu riêng của các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An chắc chắn sẽ ngày càng khởi sắc, nhất là khi sầu riêng xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là điều mà các nhà nông mong đợi, để “cây sầu riêng” nhưng hóa “niềm vui chung” cho bà con cũng như ngành xuất khẩu nông sản của địa phương.

Nỗi lo tái diễn điệp khúc trồng - chặt với cây sầu riêng:

Bài: Hữu Chí - Nhựt An - Bùi Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN;  Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn

09/04/2023 05:55