Bị địch bắt năm 16 tuổi, là tù nhân chính trị trẻ nhất thời bấy giờ và được ra tù đúng thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Tạ Quốc Bảo, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò vẫn nhớ như in những năm tháng bị giam tại địa ngục trần gian này cùng với những cán bộ lão thành như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười…

Trong căn phòng tập thể nhỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), ông Tạ Quốc Bảo, 94 tuổi, người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày trong những năm tháng Cách mạng Tháng Tám lần giở kỷ niệm năm xưa, hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hoạt động cách mạng. Đôi mắt ông xa xăm như trôi về miền ký ức khi mới 16 tuổi...

Ông Tạ Quốc Bảo.

Sinh ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, từ năm 13 tuổi cậu bé Tạ Quốc Bảo đã được theo học thầy giáo Độ, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương nên ngoài được học kiến thức, cậu cũng sớm được tiếp thu lý tưởng cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, năm 13 tuổi cậu bé Tạ Quốc Bảo đã tham gia cách mạng, trở thành liên lạc viên trẻ tuổi của khu xứ ủy Bắc Kỳ phía Bắc Hà Nội tại vùng Vân Nội, Đông Anh.

 Cậu bé liên lạc Tạ Quốc Bảo thường phải hóa trang, khi thì đóng vai học trò nghèo, lúc thì quần nâu áo gụ như người lao động...  để dẫn đường, bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ cho cán bộ hoạt động cách mạng, trực tiếp tham gia treo cờ, rải truyền đơn chống Pháp, ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh...

Quần áo của tù chính trị và các vật dụng của tù nhân cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò.

Trong một lần treo cờ, rải truyền đơn tại chợ Cổ Loa, Bảo đã bị mật thám theo dõi và bắt giam. Chúng đưa cậu về Sở Mật thám, tra tấn ngày đêm, dùng điện chích vào hai tai, vào mũi…, hy vọng cậu sẽ khai báo ra cơ sở hoạt động của ta. Tạ Quốc Bảo không hé răng nửa lời. Sau đó, quân địch đưa Bảo ra Tòa án Pháp và xử giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Thời điểm bị bắt, Tạ Quốc Bảo mới 16 tuổi.

Khi vào nhà tù Hỏa Lò, cậu bé liên lạc Tạ Quốc Bảo là người tù trẻ nhất tại đây. Trong tù, cậu bé Bảo tiếp tục được các chiến sỹ cộng sản giúp đỡ, rèn luyện, giáo dục và trưởng thành. Tất cả các lớp học chính trị và văn hóa, ngoại ngữ, diễn thuyết do chi bộ Nhà tù Hỏa Lò bí mật tổ chức đều có mặt Tạ Quốc Bảo. Trong tù không có đồ dùng học tập nên nền xi măng biến thành bảng học, vôi tường được dùng làm phấn, học xong lại xóa đi, khó khăn, thiếu thốn nhưng Tạ Quốc Bảo vẫn rất hăng hái học hỏi. "Chính thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò là quãng thời gian tôi học được nhiều điều, thêm vững vàng tinh thần cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược"- ông Tạ Quốc Bảo xúc động nhớ lại.

Đoàn đại biểu Đoàn thanh niên, thiếu nhi tiêu biểu đại diện tuổi trẻ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông đã tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò tháng 7/2019.

Mặc dù nhỏ tuổi nhất nhưng Tạ Quốc bảo luôn thể hiện sự gan dạ, kiên cường, cậu không bao giờ khuất phục trước đòn roi của địch, chính vì thế mà cậu được đặt bí danh là “Nhạ con” hay “Người cộng sản tí hon”.

Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là “địa ngục trần gian” quả không sai. Không chỉ bị tra tấn bằng đòn roi, những chiến sĩ cách mạng bị giam tại đây bị hành hạ bằng nhiều cách khác nhau. Người cựu tù Hỏa Lò nhớ lại: “Tất cả tù nhân được chúng cho cơm trộn vôi và ăn cá mắm, cá mè thối có giòi nên 99% đều bị kiết lị, đường ruột, bản thân tôi bị kiết lị, 2 lần suýt chết. Chúng đưa tôi ra nhà thương, vào gian tù binh sắp chết vì khi đó tôi đã lả đi, yếu lắm rồi. May sau đó tôi đã được sống, lại nhờ có tấm lòng nhân ái của bạn tù và những người tốt khác”.

Khi được hỏi, còn nhỏ tuổi như vậy đã phải trải qua cuộc sống tại “địa ngục trần gian”, động lực nào để ông cùng đồng đội luôn vững vàng tinh thần chiến đấu, người lão thành cách mạng Tạ Quốc Bảo trả lời: “Từ khi tham gia cách mạng, tôi đã luôn có niềm tin tưởng mãnh liệt là cách mạng sẽ thành công, cộng thêm được học hỏi nhiều từ chính nhà tù, tôi càng tin tưởng hơn nữa. Tôi luôn tin, dù mình có ở nhà tù này bao lâu đi chăng nữa, thì cũng sẽ có ngày cách mạng thành công và chúng tôi sẽ được tự do”.

Cựu tù binh Tạ Quốc Bảo chia sẻ, một trong những điều may mắn nhất trong quãng thời gian bị giam tại Hỏa Lò của ông là được giam chung, được sống cùng và học hỏi rất nhiều từ những lão thành cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười…

Nhắc đến người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ ông không thể nào quên những câu nói, tuyên ngôn đanh thép với kẻ thù trước khi ra pháp trường. Ông Bảo nhớ lại, sáng sớm ngày 24/5/1944, cánh cửa phòng biệt giam ở Nhà tù Hỏa Lò bật mở, tiếng giày đinh lạo xạo ngoài sân. Một tốp lính Lê Dương mang theo súng, lưỡi lê xếp hàng trước cửa nhà giam. Tên cai ngục và giám thị bước vào mở cửa phòng giam. Tên giám thị hỏi: Có cần bịt mắt không? Chiến sĩ Hoàng Văn Thụ bình tĩnh đáp lại: Không cần!

“Đứng ở buồng giam bên cạnh nhìn ra, tôi thấy anh Hoàng Văn Thụ đi giữa hai hàng lưỡi lê của bọn thực dân. Anh dừng lại chào chúng tôi “Thôi các ông ở lại mạnh khỏe nhé! Tôi đi”. Đến cửa buồng giam có mật thám, cố đạo, quan tòa đợi sẵn, chúng hỏi anh còn muốn nói gì nữa không. Anh đáp dõng dạc: "Không có gì phải nói nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông - kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng chúng tôi sẽ chiến thắng". Tên cố đạo lại hỏi: "Anh có muốn rửa tội không?". Anh Hoàng Văn Thụ đáp: "Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không". Sau đó bọn chúng dẫn anh đi. Đứng giữa pháp trường, chiến sĩ Hoàng Văn Thụ hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”, ông Tạ Quốc Bảo kể, không giấu được niềm xúc động.

Không chỉ may mắn được gặp gỡ đồng chí Hoàng Văn Thụ, cậu bé liên lạc Tạ Quốc Bảo còn có những tháng ngày sống cùng trại giam với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Phòng giam gần trăm người, mỗi ngày được cấp một bể nước nhỏ, mỗi người chỉ được nhận 3 gáo dừa vừa tắm, giặt quần áo. “Đồng chí Đỗ Mười là người đứng chia nước cho anh em, bao giờ ông cũng phát hết cho mọi người, nếu còn thì mới đến lượt mình dùng. Mỗi người chỉ có một bộ quần áo, anh Mười để dành tối mặc nên anh đứng chia nước mà...”, ông Bảo rưng rưng nhớ lại.

Đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng chí tham gia cuộc vượt ngục tháng 3/1945, thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2001.

Cuộc sống trong tù khổ sở vô cùng nhưng đồng chí Đỗ Mười luôn lạc quan, ngày ngày diễn thuyết, truyền dạy cho các đồng chí của mình những bài giảng chính trị, ý nghĩa cách mạng... Khi bị đánh vì dám tuyên truyền chống thực dân Pháp, đồng chí Đỗ Mười luôn đứng phía ngoài che chắn, chịu đòn roi thay cho đồng đội của mình, trong đó có cậu bé liên lạc Tạ Quốc Bảo.

Mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường của Nhà tù Hỏa Lò, nhưng hàng ngày, các chiến sĩ cộng sản vẫn theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài. Một số đồng chí mới bị bắt vào tù thông báo về sự kiện Trung ương Đảng vừa họp Hội nghị lần thứ Tám và đã nhận định tình hình Nhật sẽ hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Những thông tin ấy, làm tăng lên niềm hy vọng của những người tù cộng sản, họ chờ đợi ngày Nhật - Pháp bắn nhau vì đó là cơ hội độc nhất để họ có thể nổi dậy, xông ra chiến trường, chiến đấu.

Và thời khắc chờ đợi ấy đã đến! Ông Tạ Quốc Bảo vẫn nhớ như in tối 9/3/1945, bỗng nhiên đèn điện toàn thành phố vụt tắt, tiếng đại bác nổ rồi đến những tràng súng liên thanh không ngớt. Ngoài sân nhà tù, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Các chiến sĩ cộng sản vui mừng, đập tường gọi nhau thông báo Nhật – Pháp bắn nhau rồi.

Khoảng 11 giờ đêm 9/3/1945, quân Nhật chiếm Nhà tù Hỏa Lò. Lúc này, toàn bộ hệ thống quản lý từ giám ngục, giám thị, lính canh, viên chức của Pháp đều hoảng loạn. Lập tức ở các buồng giam có những cuộc trao đổi ý của các đảng viên cộng sản, nhận định tình hình và xác định phương thức hành động. Mặc dù không có sự thảo luận chung nhưng tất cả các trại viên đều thống nhất chủ trương: “Kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết của người cộng sản; triệt để tranh thủ lúc tình hình còn rối ren, quân Nhật chưa vững chân, tạo mọi cơ hội khẩn trương vượt ngục, đây là thời cơ có một, không hai”.

Từ chủ trương trên và với khát khao được tự do để tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng, hàng trăm chiến sỹ cộng sản đã lợi dụng mọi thời cơ, bằng nhiều hình thức vượt ngục, thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò vào tháng 3/1945.

Từ phải sang: Xà lim I (xà lim tử hình), trại giam J, trại giam I - nhà tù Hỏa Lò.

Ngày 11/3/1945, lợi dụng quân Nhật mở cửa cho tù nhân ra ăn cơm, trong lúc tình hình lộn xộn, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc và một số đồng chí khác trốn khỏi xà lim rồi tìm cách sang được trại tù thường phạm.

Tại đây, họ cùng nhau xé chăn, nối lại thành những chiếc dây dài, dùng làm thang khi trèo tường. Đồng chí Trần Đăng Ninh và anh em, dùng thang làm bằng chăn, lần lượt trèo lên mái nhà, leo lên tường rồi nhảy xuống phố. Sau đó, các đồng chí khác cũng vượt được tường ra ngoài. Cũng trong đêm đó, các chị em khu trại giam Nữ cũng tìm cách trèo tường đúng theo kế hoạch của anh em bên trại giam Nam nhưng không thành công.

Cửa cống ngầm hiện nay tại Di tích nhà tù Hỏa Lò.

Tin đồng chí Trần Đăng Ninh và một số anh, chị em tù nhân thoát ngục đã làm cho toàn thể tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò rất vui mừng và ai cũng mong muốn, nhân cơ hội này thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, tiếp tục tham gia vào phong trào cách mạng bên ngoài.

Theo tư liệu của Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò, sau thời gian quan sát, nắm bắt tình hình, các đồng chí đảng viên cốt cán đã khẳng định, muốn tiếp tục vượt ngục thì phải tìm cách di chuyển sang được khu tù thường phạm vì việc canh gác ở khu vực đó lỏng lẻo, tình hình rất lộn xộn. Nhân khi thấy một tù thường phạm đội cơm đi qua, đồng chí Trần Tử Bình (Trưởng Ban sinh hoạt Nhà tù) đã lấy lời lẽ thuyết phục, rồi cho anh ta ít tiền để đổi quần áo và lấy thùng cơm. Với bộ quần áo thường phạm và thùng cơm trên đầu, đồng chí Trần Tử Bình đàng hoàng đi qua mặt tên lính Nhật đang đứng gác, sang khu trại giam J.

Tái hiện quang cảnh phòng giam tại Nhà tù Hoả Lò.

Tại đây, đồng chí Trần Tử Bình nhận thấy một số tù thường phạm đang phá nền xi măng phòng giam, định đào tường hầm, thoát ra ngoài nhưng đồng chí nhận định, cách làm này sẽ mất thời gian và khó thành công. Đang quẩn quanh quan sát, bỗng đồng chí chú ý đến một tấm xi măng hình vuông, có vòng sắt ở giữa và nghi ngờ có thể đây là lối xuống cống ngầm và từ đây có thể thoát ra bên ngoài. Ngay sau đó, một kế hoạch vượt ngục được vạch ra. Chờ lúc vắng người, đồng chí Phan Lang (tức Vân) canh gác để đồng chí Nguyễn Huy Hòa và Trần Văn Cử bật nắp cống, chui xuống tìm đường ra.

Đồng chí Trần Tử Bình.

Sau khi đã chắc chắn tìm được đường ra, đồng chí Hòa, Cử, Vân báo cáo tình hình với đồng chí Trần Tử Bình, kế hoạch chui cống ngầm trước sân trại J được ấn định. 16 giờ chiều ngày 12/3/1945, tổng số 29 đồng chí có án nặng được cử trốn đợt đầu đã tìm cách sang được trại J. Theo kế hoạch, các đồng chí được phân chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 3 - 4 người, khi ra được khỏi nhà tù sẽ tự động phân tán, tìm về cơ sở để bắt liên lạc với Đảng.

19 giờ 30 ngày 12/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Cuộc vượt ngục tập thể của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu. Nhóm đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quang Hòa, Nguyễn Tuân, Phan Lang (tức Vân). Sau đó lần lượt các nhóm khác đi tiếp sau. Những ngày sau đó, số anh em tù chính trị còn lại tiếp tục vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân trại J. Ước tính số lượng vượt ngục trong thời gian này lên tới hơn 100 đồng chí.

“Khi đó, tôi cùng một số anh em khác bị nhốt chặt, địch không có một sơ hở gì cả nên không thể vượt ngục theo các anh em. Chúng tôi bảo nhau, sắp khởi nghĩa rồi, sớm muộn cũng được ra tù. Quả đúng như vậy trước khởi nghĩa vài ngày, Đảng ta vận động biểu tình xung quanh nhà tù Hỏa lò. Từ nhà tù, chúng tôi nghe vang vọng những câu khẩu hiệu của nhân dân “Thả tù chính trị ra, đả đảo chính phủ Trần trọng Kim, Phan Kế Toại” mà lòng hồi hộp không yên. Đến hôm sau, cổng nhà tù Hỏa Lò được rộng mở cho tù nhân, tôi và các chiến sĩ cách mạng được ra khỏi nhà tù từ đó”, người chiến sĩ Tạ Quốc Bảo kể lại.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, thoát khỏi cảnh ngục tù, Tạ Quốc Bảo được phân công về công tác tại Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Ninh. Ngày 6/9/1946, cậu bé liên lạc Bảo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), đồng chí giữ chức vụ Trưởng ban Đảng vụ huyện Yên Phong, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thuận Thành; Bí thư huyện ủy Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Tạ Quốc Bảo giới thiệu “triển lãm ảnh” tại gia của mình.

Sau khi hòa bình lặp lại, từ năm 1955- 1959, ông Tạ Quốc Bảo giữ chức vụ Phó văn phòng Ủy ban Hành chính liên khu Việt Bắc, Chánh văn phòng Khu Lao – Hà – Yên( gồm 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang). Rồi sau đó, năm 1969- 1980 đồng chí công tác tại Vụ tổ chức, Bộ Nội Vụ và Vụ Hưu trí, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Năm 1981, đồng chí Tạ Quốc Bảo nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2000 – 2017, người cựu tù Tạ Quốc Bảo là trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Dù có nhiều thành tích như vậy, nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn: “Tôi chỉ là hạt cát giữa biển cả” và nhắc đến những phần thưởng ấy bằng một sự khiêm nhường giản dị.

Vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Tạ Quốc Bảo vẫn giữ được phong cách của người chiến sĩ liên lạc năm xưa, giọng nói vẫn sang sảng, nhanh nhẹn và hoạt bát.

Ông vẫn luôn hết mình với công việc, tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Ông nguyên là Trưởng ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Ủy viên thường trực 15 Ban Liên lạc các nhà tù đang sinh hoạt tại Hà Nội. Ông còn thường xuyên theo dõi, có ý kiến đóng góp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động của các Sở, ban, ngành Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội.

Không quản ngại tuổi cao, ông thường xuyên tham dự các sự kiện, nhận lời làm nhân chứng nói chuyện trong các buổi giao lưu, thi tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò với các cơ quan, đơn vị, trường học và các tổ chức đến tham quan, học tập tại Di tích. Những đóng góp trong suốt cuộc đời của ông là niềm tự hào, là gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò – “nhân chứng” lịch sử


Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, kiến trúc nhà tù được thiết kế theo các khu vực giam giữ riêng biệt. Tại sân trại giam Nam và Nữ đều được trồng một loại cây, đó là cây bàng.

Đối với những tù nhân tại nhà tù Hỏa Lò, cây bàng giống như một người bạn và một “ân nhân”.Vào thời gian được ra ngoài, gốc cây bàng là nơi tù chính trị tập trung, tán lá bàng xòe rộng che nắng, che mưa cho chiến sĩ. Gốc cây bàng là “hòm thư bí mật” giấu và trao đổi thông tin, tài liệu tuyên truyền cách mạng trong tù. Những vật dụng thân thuộc cũng được người tù chính trị tạo ra từ cành bàng như: tẩu hút thuốc, bút viết, đũa ăn cơm.

“Lá bàng non được người tù chúng tôi coi như “thần dược” để chữa bệnh kiết lị - căn bệnh mà hầu hết tù nhân tại đây đều mắc phải do ăn cá mắm, cá mè thối có ròi. Ngày tết chúng tôi chặt cành bàng làm cành hoa đào, quả bàng được hái để nhuộm quần áo diễn kịch trong tù. Gốc cây bàng cũng là nơi để chúng tôi truy điệu những đồng đội của mình đã hi sinh, trong đó có lễ truy điệu đồng chí Hoàng Văn Thụ”, ông Bảo kể.

Từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà tù Hỏa Lò đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia (năm 1997), cây bàng tại đây vẫn xanh tươi, vượt qua sự khắc nghiệt của khí hậu, thời gian; trở thành hiện vật vô giá minh chứng cho sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sỹ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa.

Bài, ảnh, clip: Thu Trang
(Bài viết có sử dụng ảnh và tư liệu do Ban Quản lý Nhà tù Hoả Lò cung cấp).
Trình bày: Nguyễn Hà

19/08/2019 04:15