Con đường dẫn về bản A Dơi Đớ, xã A Dơi nơi đồng bào Pa Kô, Vân Kiều huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mùa xuân này như khoác lên mình màu áo mới. Khi cái rét cuối đông dần tan là lúc sắc xuân mang theo sự đủ đầy hiển hiện trên nhiều bản làng ở phía tây Quảng Trị. Sự đổi thay mang theo khát vọng của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có được sự đổi thay ấy, đồng bào nơi đây không thể không nhắc đến những chiến sĩ mang “quân hàm xanh” ngày đêm gắn bó, đồng hành với bà con để mang về “mùa xuân no ấm” trên các bản làng vùng cao.

Trao "cần câu" giúp dân thoát nghèo

Chúng tôi đến xã A Dơi, xã Thanh, xã Ba Tầng của huyện miền núi Hướng Hóa vào một ngày mưa như trút nước. Đã lâu lắm rồi huyện miền núi mới có mưa. Mưa rừng làm vơi đi cơn khát những đồi sắn (mỳ), những vườn chuối được bà con trồng thành hàng trĩu quả chuẩn bị cho thương lái về thu mua dịp Tết. Ven đường vào bản, những khóm hoa trạng nguyên đỏ rực báo hiệu mùa xuân no ấm.

Dừng chân trước ngôi nhà 2 tầng đang hoàn thiện, trung tá Trần Đức Tứ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ đội biên phòng Quảng Trị (BĐBP) giới thiệu: “Đây là nhà anh Hồ Văn Đanh, trưởng thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, người Vân Kiều có tiếng chăm chỉ làm ăn. Ngôi nhà 2 tầng này tự tay vợ chồng anh tích cóp, xây dựng đấy”.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra biên giới.

Đón Tết này gia đình anh Đanh vui hơn trong ngôi nhà mới sau nhiều năm tiết kiệm, lao động vất vả với đủ thứ nghề, từ bốc hàng thuê cho thương lái ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo, đến việc phụ hồ xây dựng, trồng chuối, nuôi bò… Anh Đanh cho biết, nhờ có BĐBP hướng dẫn cách làm ăn, có tiền tiết kiệm anh mua máy cày về đi cày thuê cho dân bản, trồng chuối, nuôi 8 con bò, trồng sắn… mỗi năm lãi cả trăm triệu đồng.

Còn với gia đình anh Hồ Văn Chung, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, nhiều năm về trước không có tư liệu sản xuất, ai thuê gì làm đấy. Vì không có tiền để trang trải cuộc sống, anh Chung đã không ít lần sang bên kia biên giới làm thuê, mang hàng về bán kiếm lời. Biết được hoàn cảnh của gia đình anh, chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Thanh đã tặng gia đình 2 con bò giống để anh Chung có vốn làm ăn. Đồng thời Đồn biên phòng Thanh cũng cử cán bộ chiến sĩ xuống hướng dẫn cách chăn nuôi.

Anh Hồ Văn Chung cho biết: “Khi được tặng bò giống, cán bộ biên phòng còn hướng dẫn cách chăn nuôi để phát triển thành đàn bò. Như vậy mới thoát nghèo được”. Cũng theo anh Chung, khi đã có bò giống, BĐBP thường xuyên đến kiểm tra và hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăn thả tập trung. Từ những con bò giống đầut tiên, anh Chung đã nuôi bò sinh sản và đến nay đàn bò của gia đình anh đã lên đến 6 - 7 con.

“Có nhiều bò rồi tôi bán lấy tiền mua đất trồng sắn, chuối, bời lời. Hiện nay thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi thu về từ 200 - 250 triệu đồng, giờ không còn nghèo nữa, con cái cũng được học hành tử tế”, anh Chung phấn khởi nói.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm (Điện Biên) tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân tộc Cống ở bản Púng Bon.

Không chỉ anh Chung, mà nhiều hộ nghèo khác cũng được tặng bò giống như vậy. Anh Hồ Văn Khưa, Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh, cho biết: BĐBP tặng các hộ nghèo bò giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi. Bà con có bò giống được tặng, tìm hiểu cách nuôi và phòng dịch nên cuộc sống đồng bào khấm khá lên, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống no đủ hơn so với những năm trước đây.

“Dân có ấm no thì biên cương mới vững bền”, với phương châm đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải gắn với công tác hỗ trợ, đồng hành, là “cầu nối” giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

 

Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua BĐBP Quảng Trị tích cực triển khai hiệu quả các phong trào như: Mái ấm biên cương, bò giống cho người nghèo, bếp ăn tình thương, nâng bước em tới trường, lớp xóa mù chữ… Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, cải thiện đời sống, các con được đi học đầy đủ.

Đồng hành cùng đồng bào nơi biên giới

Từ mô hình tặng con giống chăn nuôi của BĐBP đã từng bước cải thiện cuộc sống, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cũng như tạo việc làm ổn định, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, cho biết: Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thường xuyên, phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương các xã giúp nhân dân phát triển kinh tế.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định huy động cán bộ, chiến sĩ xuống đồng giúp nhân dân địa phương gặt lúa.

“Dân có ấm no thì biên cương mới vững bền”, với phương châm đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia phải gắn với công tác hỗ trợ, đồng hành, là “cầu nối” giúp nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm bằng nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ triển khai thực hiện các chương trình, mô hình hướng về người dân vùng biên giới mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ năm 2009 đến nay, BĐBP tỉnh đã xây dựng 120 ngôi nhà “Mái ấm biên cương” và các công trình dân sinh, giếng nước sạch tại các bản làng khó khăn, vùng sâu, vùng xa khu vực biên giới với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng; trao tặng 51 con bò giống, 20 cặp dê giống có giá trị trên 620 triệu đồng; xây dựng gần 10 km “Ánh sáng vùng biên” với tổng trị giá 800 triệu đồng. Trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị đã khoan 21 giếng xây dựng nước sinh hoạt cho nhân dân, 1 hệ thống nước sạch với trị giá hơn 1 tỉ đồng và 22 công trình dân sinh trị giá gần 3 tỉ đồng.

Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị cho biết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Quảng Trị gắn bó mật thiết dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị ở địa phương. BĐBP Quảng Trị xác định, hỗ trợ nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Chiềng Tương (Sơn La) tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát truyển kinh tế gia đình.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP khẳng định, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách để đầu tư phát triển về kinh tế xã hội mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân vùng biên giới. Với sự chung tay vào cuộc có trách nhiệm của BĐBP cũng như các cấp, các ngành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nên việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miến núi đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi biên giới từng bước ổn định, người dân yên tâm bám bản, bám làng, cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bài: Viết Tôn/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN 
Trình bày: V.T

11/02/2024 12:44