Chương trình thiện nguyện “Tấm lưới nghĩa tình” đã vận động ủng hộ cho ngư dân ra khơi, bám biển, phát triển kinh tế gia đình và đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” ra đời không những giúp cho ngư dân, người làm công tác ngoài biển như cảnh sát biển, những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, mà còn tri ân thân nhân của 64 anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988…

Hai trong nhiều chương trình thể hiện cụ thể tình yêu nước, tình yêu biển đảo, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp cả nước là một phần hoạt động của Quỹ Tấm lòng Vàng - báo Lao Động.

Đại diện Quỹ Tấm lòng Vàng (báo Lao Động) trao phần quà hỗ trợ cho bố mẹ của liệt sỹ Võ Đình Tuấn và mẹ liệt sỹ Tống Sỹ Bái hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma năm 1988.

Sau 27 năm nuôi dưỡng và phát triển - tính từ những ngày lũ lụt hoành hành tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long tháng 10/1996, quỹ xã hội từ thiện của Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bắt đầu từ những đóng góp của cán bộ, phóng viên báo Lao Động, công nhân cảng Hải Phòng đã lan dần đến các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, các doanh nghiệp, bạn đọc trong và ngoài nước. Từ việc làm có ý nghĩa xã hội to lớn và nhân đạo, Quỹ Tấm lòng Vàng báo Lao Động đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, đánh giá cao.

Một chương trình xã hội từ thiện khác có bề dày hoạt động trong làng báo là hành trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Tính đến tháng 12/2022, chương trình vì xã hội của báo tròn 20 năm. Chương trình đã giúp gần 23.200 tân sinh viên học bổng để thực hiện giấc mơ tới trường đại học với tổng kinh phí trên 181 tỷ đồng. Theo những người tổ chức, rất nhiều tấm lòng đã mở ra trong suốt cuộc hành trình, giúp các tân sinh viên hiểu rằng mình chưa bao giờ là đơn độc giữa cuộc đời như một lời khẳng định sự đồng hành của xã hội với niềm tin và hạnh phúc dành cho lớp trẻ.

Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh Tây Nguyên.

Chia sẻ nhân kỷ niệm 20 năm chương trình “Tiếp sức đến trường”, ông Phạm Uyên Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư và đào tạo Doanh Chủ, người đã nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 1991 xúc động: “Học bổng không chỉ là khoản tiền đã giúp tôi trang trải những ngày đầu đại học, còn cho tôi một niềm tin rằng nếu mình cố gắng làm điều tốt, sống lương thiện thì xã hội sẽ hỗ trợ mình. Niềm tin này quý lắm!”.

Cũng với mong muốn động viên, giúp đỡ các em học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học, chương trình “Học bổng Nguyễn Thái Bình” trải qua hành trình hơn 30 năm tính từ năm học 1990 - 1991. Tính đến cuối tháng 4/2023, báo Thanh Niên đã tổ chức trao gần 22.250 suất học bổng với tổng số tiền, quà trị giá khoảng 43 tỷ đồng. Từ đây, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi trên cả nước đã được thụ hưởng từ chương trình và trưởng thành, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Song song với đó, Thanh Niên cũng là một trong những tờ báo đứng đầu phong trào “tiếp sức” cho những mảnh đời bất hạnh bằng các chương trình “Tấm lòng Vàng”, “Lá lành đùm lá rách” liên tục thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc có tấm lòng thiện nguyện. Ðại dịch COVID-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… đã gây biết bao đau thương, mất mát cho cộng đồng, khiến cho hàng ngàn trẻ em mất cha, mất mẹ. Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” - bảo trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19 do báo phát động đã kết nối thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho 1.800 trẻ với số tiền 4,3 tỷ đồng, bảo trợ lâu dài 331 trẻ với kinh phí hơn 42 tỷ đồng… sau gần 20 tháng thực hiện.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Lựa chọn song hành với những vùng đất, con người còn nhiều khó khăn trên khắp dải đất hình chữ S sau khi tận mắt thăm và tặng quà cho người dân miền núi thường xuyên hứng chịu hậu quả thiên tai Lang Chánh (Thanh Hóa) những ngày tháng 9/2012, chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” nhanh chóng trở thành hoạt động thường xuyên của báo Tin tức.

Trên 11 năm với hàng chục chuyến đi băng rừng, vượt núi, “Đồng hành cùng vùng khó” của báo Tin tức đã đến với các xã, huyện còn nhiều khó khăn của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… Hàng ngàn phần quà cho đồng bào khó khăn, hàng ngàn phần học bổng được trao tận tay các em học sinh, những hạ tầng cơ sở trường học, trang thiết bị y tế… được đưa đến đúng các địa chỉ cần thiết đã làm nên niềm tự hào cho các thế hệ làm báo mang trong mình trách nhiệm xã hội.

Bền bỉ trong trên 11 năm, “Đồng hành cùng vùng khó” đã trở thành hoạt động từ thiện xã hội gắn liền với báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam.

Mới đây nhất, trong tháng 4/2023, là chuyến đi tới huyện huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để xây dựng các hạng mục thiết thực như nhà ăn, bếp ăn, bể chứa nước sạch, nhà vệ sinh cho các điểm trường mầm non, trung học cơ sở nội trú với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà tài trợ đã để lại xúc động trong lòng những người thầy, người cô cắm bản, trong lòng đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

“Mới chỉ 1 - 2 năm trước, điểm trường mầm non Mù Sang còn phải học nhờ nhà văn hóa thôn, đường vào trường vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nay điểm trường đã được xây dựng nhưng vẫn còn đó những ước mơ lớp học khang trang, nhà ăn, bếp ăn quy củ cho cả trăm trò nhỏ rất cần có sự chung tay góp sức của các đơn vị như báo Tin tức để thành hiện thực”, cô Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Mù Sang xúc động chia sẻ.

Là một trong những người góp sức xây dựng “Đồng hành cùng vùng khó” - một trong những hành trình thiện nguyện của người làm báo, Tổng biên tập báo Tin tức Ninh Hồng Nga chia sẻ: “Trong hơn 11 năm qua, chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” của báo Tin tức luôn tự hào đã đem tinh thần thiện nguyện của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo, cùng tấm lòng của các nhà tài trợ, đến đúng được những vùng, miền khó khăn trên cả nước. Nhìn tận mắt, hiểu thật cặn kẽ, làm tận tay và đi cho tới tận cùng - đó là cách mà những người làm báo chúng tôi tự hào khi dấn thân vào các công tác xã hội, làm thành một “địa chỉ đỏ” cho những gửi gắm, sẻ chia với cộng đồng”.

 

Với đặc thù công việc đi nhiều, gặp gỡ và kết nối nhanh chóng, những người làm báo vận dụng tốt thế mạnh của mình trong công tác thiện nguyện. Nhờ thế, các chương trình hỗ trợ luôn tìm được đến đúng người cần, đúng nơi khó khăn, hỗ trợ đúng những yêu cầu cần kíp. Nhờ đó, những đóng góp của các nhà tài trợ, những tấm lòng thiện nguyện được nhanh chóng lan tỏa, phát huy hiệu quả.

Không những thế, báo chí còn là nơi ghi nhận, tôn vinh và lan tỏa rộng khắp những gương người tốt việc tốt trong xã hội. Những cá nhân có hành động dũng cảm, quên mình vì người khác, vì cộng đồng; những hành động, việc làm tử tế khi được lan tỏa thông tin, sẽ góp phần truyền cảm hứng, có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Hành trình sẻ chia trách nhiệm xã hội từ đó ngày càng được nhân rộng ra mãi. Rất nhiều tờ báo, đài truyền hình có các chuyên mục thường kỳ như “Gương sáng soi chung”, “Việc tử tế”, “Lan tỏa điều tử tế”,“Người tốt, việc tốt”, cuộc thi viết về “Những tấm gương bình dị mà cao quý”…

Vượt hàng trăm cây số, không quản mưa bão, nắng rát để đến với vùng khó là tâm thế của những người làm báo trong hoạt động thiện nguyện.

 

Hành trình làm những việc có ích cho xã hội cũng lan tỏa trong chính những người làm báo. Đơn cử, đoàn thiện nguyện Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam từ chỗ chỉ có hơn 10 người tham gia, nay đã lên tới 300 thành viên chính thức, hoạt động tích cực và liên tục.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xuất hiện, các quỹ, các chương trình hoạt động xã hội của các báo nhanh chóng trở thành các đơn vị kết nối các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp với chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, những người làm báo đã cùng chung tay đẩy mạnh công tác thiện nguyện, cứu trợ kịp thời những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh. Không những thế, những người làm báo còn trở thành sáng lập viên và điều phối viên dự án “Trao oxy - Trao sự sống”, cung cấp bình oxy cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 ngay giữa “điểm nóng” dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, dự án đã giúp đỡ thêm được 6 tỉnh, thành khác ở miền Tây và Đông Nam Bộ.

Đoàn Thanh niên báo Tin tức trao quà hỗ trợ các y, các sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để phòng, chống dịch COVID-19.

Người làm báo ngày nay không chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các trang viết, họ còn sẵn sàng dấn thân, linh hoạt hành động, chủ động kết nối để làm nên các chương trình, hoạt động bài bản, bền bỉ và đem được “ngọn lửa thiện nguyện” lan tỏa đến hàng triệu trái tim.

Phát biểu trong khuôn khổ tọa đàm với chủ đề “Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn” tại Hội Báo toàn quốc 2022, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Không chỉ viết những bài báo, quay, những thước phim ca ngợi, tôn vinh những câu chuyện nhân văn, tử tế trong xã hội, các nhà báo còn trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những vùng khó khăn, góp phần tuyên truyền và lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn trong xã hội. Những gia đình được gặp gỡ, đoàn tụ sau những ngày dài chia ly, hay những em nhỏ, những người tàn tật, những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được giúp đỡ thông qua các hoạt động thiện nguyện sẽ luôn ghi nhớ các nhà báo. Như vậy, việc làm thiện nguyện của các nhà báo đã góp phần làm cho hình ảnh người làm báo Việt Nam trở nên đẹp hơn trong xã hội.

Bài: Lê Sơn
Ảnh: Nhóm PV, TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

21/06/2023 09:03