Sau hơn 38 giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Samdech Techo Hun Sen, người có những đóng góp lớn lao trong suốt quá trình đấu tranh cứu nước, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia dân chủ kể từ khi thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot cho đến nay, sẽ chính thức rút lui để tạo cơ hội cho những người kế tục lãnh đạo.

Thủ tướng Hun Sen sinh năm 1952 tại một huyện nông thôn nhỏ bên sông Mekong. Kể từ tháng 4/1975, Campuchia bắt đầu rơi vào thời kì đen tối do chính quyền Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của bè lũ Pol Pot, Ieng Sary đã tiến hành xây dựng một xã hội chưa từng có trong lịch sử, cô lập đất nước với thế giới bên ngoài.

Ông Hun Sen hồi những năm 1970. Ảnh: eacnews.asia  

 

Chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia đã thi hành một chính sách cực kỳ phản động, gây thảm họa diệt chủng với dân tộc Campuchia. Không cam chịu trước tội ác của Khmer Đỏ, đẩy dân tộc đến bên bờ vực diệt vong, ông Hun Sen khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 21, Quân khu Đông Campuchia đã nung nấu quyết tâm phải tìm ra con đường cứu nước và ông quyết định chọn Việt Nam nhờ giúp đỡ trong những bước đi đầu tiên tìm kiếm hành trình giải phóng dân tộc khỏi thảm họa diệt chủng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký Hiệp định Hòa bình Paris vào ngày 23/10/1991, chấm dứt 21 năm nội chiến ở Campuchia. Ảnh: AFP

Tại lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" ngày 20/6/2022 tại khu vực biên giới giữa huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và huyện Memot, tỉnh Tbuong Khmum của Campuchia, Thủ tướng Hun Sen từng bày tỏ sang Việt Nam nhờ giúp đỡ là lựa chọn hợp lý nhất trong 4 phương án khi bắt đầu hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Thủ tướng Hun Sen từng kể lại rằng khi ấy "chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết", nên đã quyết định cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia sang Việt Nam bày tỏ mong muốn được giúp đỡ của nhân dân Campuchia. Ông cho rằng "không còn con đường nào khác" căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó và "nước có khả năng giúp đỡ chỉ có thể là Việt Nam".

 

Ông Hun Sen nhấn mạnh nếu không có "hành trình lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" bắt đầu ngày 20/6/1977 và những sự kiện tiếp theo thì Campuchia không thể có ngày hôm nay.

Tháng 1/1979, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot, Ieng Sary cầm đầu, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Vào thời điểm đó, ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng trong chính phủ mới được thành lập ở tuổi 27. Sau đó, ông cũng trở thành Phó Thủ tướng từ năm 1981 đến 1985.

Ông nhậm chức Thủ tướng lần đầu tiên vào ngày 14/1/1985 ở tuổi 32, sau khi được Quốc hội nhất trí bầu để kế nhiệm ông Chan Sy, Thủ tướng đương nhiệm lúc bấy giờ qua đời vào tháng 12/1984.

Cho đến sau này, Thủ tướng Hun Sen vẫn luôn tự hào là người đứng đầu chính phủ trẻ nhất thế giới tính đến thời điểm đó.

Tiểu sử Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen. Ảnh đồ họa: TTXVN

 

Năm 1993, Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP), tham gia cuộc bầu cử đa đảng hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ. Mặc dù nhận số phiếu ít hơn đảng bảo hoàng FUNCINPEC nhưng do cả hai đảng đều không chiếm đa số trong quốc hội nên hai đảng đã cùng thống nhất thành lập một liên minh. Nhận chức vụ Thủ tướng lần thứ hai, ông Hun Sen dẫn dắt Campuchia phát triển cùng với con trai của nhà vua, Norodom Ranariddh.

Thủ tướng thứ hai Hun Sen đón nhận sự ủng hộ của người dân Campuchia năm 1997. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử năm 1998, CPP chiếm đa số ghế trong quốc hội và thành lập chính phủ liên minh để ông Hun Sen làm Thủ tướng duy nhất của Campuchia.

Ông Hun Sen được bầu làm Chủ tịch CPP năm 2015 sau cái chết của cố Chủ tịch Chea Sim.

Trong các cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, lần lượt vào năm 2013 và 2018, đảng CPP tiếp tục giành chiến thắng vang dội, đảm bảo quyền lực cho Thủ tướng Hun Sen.

Thủ tướng Hun Sen được quốc tế biết đến với biệt danh “người hùng Hun Sen” vì vai trò của ông trong quá trình lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và hợp nhất những người lính Khmer Đỏ cuối cùng với chính phủ vào năm 1998. Yang Peou, Tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia (RAC), cho biết ông Hun Sen đã lãnh đạo người dân Campuchia kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ và đảm bảo một hòa bình lâu dài.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (giữa) và các lãnh đạo ASEAN khác tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, dưới thời của Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã được nâng hạng từ quốc gia có thu nhập thấp lên quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2015 và dự kiến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030. Ông cũng được ca ngợi vì chuyển đổi thành công nền kinh tế kế hoạch hoá sang một nền kinh tế thị trường tự do tại Campuchia, từ đó nâng cao mức sống của nhiều người dân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Phoenix TV (Hong Kong, Trung Quốc) phát sóng mới đây, ông Hun Sen đã nêu bật 3 thành tựu chính trong gần bốn thập kỷ cầm quyền của mình với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh mình đã mang lại hòa bình hoàn toàn cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, mở đường cho sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ lần đầu tiên sau gần 500 năm, nêu bật việc thực hiện thành công chính sách đôi bên cùng có lợi.

Thứ hai, Thủ tướng Hun Sen đã tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, chuyển đổi một đất nước từ con số không sau nội chiến và nạn diệt chủng sang phát triển.

Thành tựu thứ ba mà Thủ tướng Hun Sen đề cập là việc xử lý thành công các vấn đề sức khỏe cộng đồng trong đại dịch COVID-19, với chính sách của chính phủ cung cấp vaccine miễn phí cho người dân.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (thứ tư, từ phải sang) cùng các quan chức cấp cao Campuchia tham dự Lễ kỷ niệm 46 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” (20/6/1977-20/6/2023). Ảnh: AKP/TTXVN phát

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2/2023, cử tri Campuchia tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hun Sen. "Nếu thiếu vắng ủng hộ của người dân, dù mạnh đến đâu thì không ai có thể nắm giữ quyền lực lâu như vậy", Yang Peou, đánh giá lý do ông Hun Sen có thể lãnh đạo đất nước lâu như vậy là nhờ tài năng làm chính trị, khả năng lãnh đạo và vì ông đã tận tụy với đất nước từ khi còn rất trẻ, bắt đầu từ một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Campuchia.

 

Trong một bài viết có tựa đề “Campuchia và sự trỗi dậy của một quốc gia nhỏ bé” trên báo Khmer Times ngày 19/4, tác giả Kavi Chongkittavorn ca ngợi Thủ tướng Hun Sen xứng đáng nhận được nhiều công lao trong việc xây dựng sự ổn định, thịnh vượng và nâng cao vị thế của Campuchia như ngày nay. Thủ tướng Hun Sen đã biến quốc gia có vị trí chiến lược tại Đông Nam Á thành một cường quốc nhỏ vừa phải với tiếng nói đặc biệt trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. 

Trên bình diện quốc tế, năm 2022 là một năm bản lề đối với Hun Sen, trong đó ông có thể thể hiện tài ngoại giao khéo léo và quan trọng nhất là lý trí thực tiễn. Trong thời gian Campuchia đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên ASEAN, Thủ tướng Hun Sen thành công giải quyết không chỉ các vấn đề khu vực mà còn có các vấn đề toàn cầu.

Khi có chuyến công tác tại Pursat vào tháng 3/2023, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố đảng cầm quyền CPP đã chuẩn bị tốt cho một ban lãnh đạo mới. Điều đó cũng cho thấy Thủ tướng Hun Sen biết chính xác những gì đất nước của ông cần bây giờ, một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, những người sẽ gánh vác và đưa đất nước tiến lên để cạnh tranh với các thành viên ASEAN khác. “Tốt hơn hết là chúng ta nên giao cho thế hệ mới và chỉ đứng sau họ”, Thủ tướng Hun Sen phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại Phnom Penh ngày 3/8/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 26/7/2023, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố ông sẽ từ chức và trao lại quyền lực cho con trai - Đại tướng Hun Manet. Ngày 5/8, kết quả bầu cử chính thức xác nhận đảng CPP cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo, với 120/125 ghế Quốc hội. Theo kết quả, ứng cử viên Hun Manet cùng 10 ứng cử viên khác của đảng cầm quyền trúng cử nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII tại khu vực bầu cử Phnom Penh, nơi được phân bổ 12 ghế nghị sĩ.

Ngày 7/8/2023, Quốc vương Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh hoàng gia, sắc phong Tiến sĩ Hun Manet là Thủ tướng Vương quốc Campuchia nhiệm kỳ mới. Sắc lệnh hoàng gia có hiệu lực kể từ ngày ký này nêu rõ: “Thủ tướng Vương quốc Campuchia được ân chuẩn, sắc phong nêu trên có trách nhiệm sắp xếp thành phần Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia để xin ý kiến tín nhiệm của Quốc hội”. Với Sắc lệnh hoàng gia vừa ban hành, Tiến sĩ Hun Manet đã bổ sung, hoàn thiện thêm một điều kiện nữa trong lộ trình trở thành người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ tới, gồm sự nhất trí trong nội bộ CPP, trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được Quốc vương bổ nhiệm bằng Sắc lệnh hoàng gia và được Quốc hội tín nhiệm thông qua. Dự kiến ông Manet sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Campuchia từ ngày 22/8, khi Quốc hội Campuchia khóa VII tiến hành kỳ họp thứ nhất vào ngày 21-22/8 tới.

Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng Campuchia nhiệm kỳ mới

 

Là một phần của lộ trình học hỏi không ngừng, ngay cả khi không giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông Hun Sen sẽ tiếp tục giám sát các định hướng chính trị đồng thời sử dụng kinh nghiệm dày dặn của mình để hướng dẫn người kế nhiệm.

Thủ tướng Hun Sen vẫn là Chủ tịch CPP cầm quyền và khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc của ông Hun Manet trên cương vị mới. Nhà lãnh đạo kỳ cựu này cho rằng việc ông rút lui là mở đầu cho sự ổn định lâu dài, là nền tảng cho sự phát triển.

 

Người phát ngôn của CPP Sok Eysan cho biết: “Ông ấy sẽ vẫn có ảnh hưởng bởi vì ông ấy là Chủ tịch đảng cầm quyền. Ngay cả khi đảng đưa ra quyết định tập thể, ông ấy sẽ đóng vai trò là người chỉ đạo. Ông ấy sẽ tiếp tục vạch ra lộ trình và khởi xướng các cương lĩnh chính trị của đảng trước khi chúng được thông qua sau một quyết định tập thể. Ngài Hun Sen sẽ không can thiệp vào công việc của chính phủ mới, nhưng chính phủ phải tuân theo cương lĩnh chính trị của đảng”, người phát ngôn Eysan nhấn mạnh.

Sau khi rời nhiệm sở, ông Hun Sen dự kiến sẽ được Quốc vương Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật tối cao Campuchia, cơ quan cố vấn của Nhà vua.

Ông sẽ tuyên thệ nhậm chức với tư cách là nhà lập pháp của khu vực bầu cử Kandal và dự kiến kế nhiệm Chủ tịch Thượng viện Say Chhum sau cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới mà đảng được dự đoán giành được một chiến thắng vang dội khác.

Ông Kin Phea - Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Học viện Hoàng gia Campuchia, một cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ - bày tỏ sự tin tưởng rằng ông Hun Sen sẽ tiếp tục là “ngọn đèn dẫn đường” hỗ trợ chính quyền của con trai thông qua các cơ quan lập pháp.

“Quốc hội mới sẽ có thể thực hiện các định hướng chính sách mạnh mẽ dựa trên những thành công trước đó, củng cố những thành tựu trong quá khứ và đặt nền móng cho cả cải cách kinh tế và phát triển xã hội”, chuyên gia Phea nhận định.

 

 

Bài: Hồng Hạnh

Ảnh, đồ họa: TTXVN, AFP, Reuters

Biên tập: Nhật Minh

Trình bày: Bảo Hà

09/08/2023 06:15