Nhà tù Hỏa Lò – được ví như “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội - là nơi từng giam giữ, đày ải hàng ngàn chiến sĩ yêu nước cách mạng. Với ý chí kiên cường, những chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học, rèn luyện và đào tạo nên những cán bộ xuất sắc.

 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Ông Tạ Quốc Bảo, cựu tù Hỏa Lò kể lại câu chuyện ở tù với các đại biểu tham dự triển lãm tại Hỏa Lò tháng 5/2020.

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, ông Tạ Quốc Bảo vẫn nhớ như in khoảng thời gian bị địch bắt tù đày ở nhà tù Hỏa Lò. Ông Bảo kể: “Tất cả tù nhân bị chúng cho ăn cơm trộn vôi và cá mắm, cá mè thối có giòi nên 99% đều bị kiết lị, đường ruột, bản thân tôi bị kiết lị, 2 lần suýt chết. Chúng đưa tôi ra nhà thương, vào gian tù binh sắp chết vì khi đó tôi đã lả đi, yếu lắm rồi. May là sau đó tôi đã được sống lại nhờ có tấm lòng nhân ái của bạn tù và những người tốt khác”.

Chú thích ảnh
Thực dân Pháp giam nam tù chính trị với chế độ vô cùng hà khắc, nhằm giết dần, giết mòn những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam tại nhà tù Hỏa Lò.

Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là “địa ngục trần gian” quả không sai, những ai đã bước chân qua cánh cổng gỗ lim đều phải chịu những trận tra tấn tàn độc. Tại đây, thực dân Pháp đã dùng những thủ đoạn tàn ác nhất, vô nhân đạo nhất với những tù nhân yêu nước và cách mạng. Họ phải chịu từ những cú tát nảy lửa lúc vừa bước chân qua cánh cổng bằng gỗ lim nặng chịch, rồi bị gông cùm, đánh đập dã man trong các phòng biệt giam hay xà lim án chém…

Chú thích ảnh
Khu ngục tối (Cachot)  dùng để giam những người bị trừng phạt vì vi phạm nội quy của nhà tù. 

Khi vào tù, chúng cấm tuyệt đối tù nhân mang sách báo hoặc một vật dụng gì trong người. Hàng ngày, chúng chỉ mở cửa cho tù nhân ra sân một lúc, trong thời gian đó, chúng kiểm tra phòng giam và trên người từng tù nhân xem có cất giấu vật dụng gì.

Chế độ ăn uống của người tù vốn đã rất tồi tệ, lại bị bọn giám ngục bớt xén một cách trắng trợn đã làm cho cuộc sống của tù nhân vô cùng cực khổ. Hệ thống các phòng giam của nhà tù Hỏa Lò tuy diện tích khác nhau nhưng đều xây dựng rất kiên cố, mỗi phòng chỉ có vài ô trống nhỏ trổ sát mái khiến các phòng rất tối tăm. Cạnh góc phòng là một thùng phân to, gây ô nhiễm nặng. Các tù nhân phải chen chúc nhau trên sàn lim chật chội, rệp, muỗi cắn đầy người, gãi nhiều thành ghẻ lở.

Chế độ giam cầm hà khắc, ăn uống cực khổ lại sống trong môi trường mất vệ sinh khiến sức lực tù nhân nhanh chóng vắt kiệt. Nhiều người đã chết trước khi mãn hạn tù. Nhưng trong tình cảnh đó, các chiến sĩ cách mạng vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cách mạng. Các chiến sĩ đã biến nhà tù thành trường học, tổ chức cuộc sống và đấu tranh chống chế độ tù hà khắc , tiếp tục nhân lên hạt giống cách mạng.

Chú thích ảnh

Từ năm 1931 - 1945, số lượng các chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cộng sản bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò liên tục tăng lên, nhiều đồng chí giữ vai trò lãnh đạo trong các chi bộ Đảng bên ngoài như các đồng chí: Tống Văn Trân, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Trịnh Đình Cứu, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến... đã bị thực dân Pháp bắt giam tại đây.

Chú thích ảnh

Tại Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng của ta đã tập hợp nhau lại dưới danh nghĩa “Hội Lao tù đỏ” nhằm bảo vệ và giúp đỡ lẫn nhau chống lại chế độ giam cầm hà khắc trong nhà tù. Sau một thời gian hoạt động, khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, các chiến sĩ cộng sản đã tiến hành thành lập chi bộ Đảng trong nhà tù Hỏa Lò do đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm Bí thư, xác định giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho tù nhân là một nhiệm vụ quan trọng.

Trong cuốn “Nhà tù Hỏa Lò - Trường học yêu nước và cách mạng (1896-1954)”, Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chia sẻ: Khi chúng tôi được đưa về nhà tù Hỏa Lò thì ở đây có ban quản lý sinh hoạt nhà tù – là tổ chức do đại hội đại biểu tù nhân bầu ra, bao gồm những đồng chí cốt cán của tù chính trị, có nhiệm vụ lãnh đạo, điều khiển các tiểu ban và mọi hoạt động trong tù. Các tiểu ban gồm: Tiểu ban trật tự vệ sinh; tiểu ban giáo dục; tiểu ban kinh tế - tài chính; tiểu ban văn nghệ; tiểu ban ngoại giao…

Chú thích ảnh
Đồng chí Đỗ Mười cùng các đồng chí tham gia cuộc vượt ngục tháng 3/1945
thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2001.

“Tiểu ban giáo dục là quan trọng nhất, khẩu hiệu của anh em là biến nhà tù thành trường học. Ngoài việc học tập chính trị là chính, chúng tôi còn học văn hóa, khoa học kỹ thuật, kể cả học hát, tập diễn kịch, diễn thuyết. Giáo viên là các tù nhân chính trị có trình độ văn hóa và trình độ chính trị khá hơn anh em. Việc học chính trị của tù nhân là một nhiệm vụ thường xuyên, anh em rất say mê, tự giác. Nhờ việc học tập lý luận, văn hóa, phương pháp công tác… mà trình độ, phẩm chất chính trị của các chiến sĩ cộng sản ngày càng được nâng cao” – cố Tổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ.

Việc học tập trong nhà tù Hỏa Lò được tiến hành liên tục. Các chiến sĩ cách mạng tận dụng từng mẩu ruột bút chì giấu được để viết lên giấy báo, giấy bọc thuốc lá hoặc dùng gạch viết lên sàn nhà. Người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết tiếng Anh, tiếng Pháp dạy các anh em không biết ngoại ngữ. Thời kỳ kháng chiến trường kỳ, có chiến sĩ trong một năm học hết chương trình toán và văn từ lớp 1 đến lớp 4.

Clip về học tập trong tù của các chiến sĩ:

Ông Tạ Quốc Bảo kể lại: Năm 1943, ông mới 16 tuổi, bị địch bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Khi đó, ông Bảo là tù nhân trẻ tuổi nhất tại đây. Trong tù, ông được các chiến sỹ cộng sản giúp đỡ, rèn luyện, giáo dục và trưởng thành. Tất cả các lớp học chính trị và văn hóa, ngoại ngữ, diễn thuyết do chi bộ nhà tù Hỏa Lò bí mật tổ chức ông đều tham gia.

“Chính thời gian bị giam tại nhà tù Hỏa Lò là quãng thời gian tôi học được nhiều điều, thêm vững vàng tinh thần cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược”, ông Tạ Quốc Bảo xúc động nhớ lại.

Mặc dù nhỏ tuổi nhất nhưng Tạ Quốc bảo luôn thể hiện sự gan dạ, kiên cường, dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông không bao giờ khai ra nửa câu, vì thế mà ông được đặt bí danh là “Nhạ con” hay “Người cộng sản tí hon”.

Khi được hỏi, còn nhỏ tuổi như vậy đã phải trải qua cuộc sống tại “địa ngục trần gian”, động lực nào để ông cùng đồng đội luôn vững vàng tinh thần chiến đấu, người lão thành cách mạng Tạ Quốc Bảo trả lời: “Từ khi tham gia cách mạng, tôi đã luôn có niềm tin tưởng mãnh liệt là cách mạng sẽ thành công, cộng thêm được học hỏi nhiều từ chính nhà tù, tôi càng tin tưởng hơn nữa. Tôi luôn tin, dù mình có ở nhà tù này bao lâu đi chăng nữa, thì cũng sẽ có ngày cách mạng thành công và chúng tôi sẽ được tự do”.

Chú thích ảnh

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, chi bộ Đảng trong nhà tù Hoả Lò đã chú trọng đến việc biên soạn tài liệu để tuyên truyền, giáo dục, học tập cho tù nhân. Tài liệu dùng trong học tập chính trị do các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn... nhớ và biên soạn lại bằng cách dùng nước cơm viết lên các quyển kinh thánh hay dùng bút chì viết lên vỏ bao thuốc đóng lại thành quyển. Tất cả đều được cất giữ hết sức cẩn thận, các đồng chí thường đào nền nhà lên, nhét tài liệu xuống hoặc cho tài liệu vào ống bơ đặt trong thùng vệ sinh hay cất giấu tài liệu trong người...

Cùng các hình thức cất giấu tài liệu trên, tù nhân còn rất sáng tạo, tận dụng những cây bàng quanh nhà tù làm thành những địa điểm giấu tài liệu và trao đổi thông tin rất hiệu quả.

Clip về các cuộc vượt ngục của các chiến sĩ:

 

Ở nhà tù Hỏa Lò, các cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc liên tục xảy ra bằng nhiều hình thức như hò la, tuyệt thực... buộc địch phải nhượng bộ với tù nhân.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong tù, chi bộ nhà tù Hỏa Lò đã chủ trương ra báo, tạp chí. Đây là những “vũ khí” sắc bén trong việc tuyên truyền cách mạng. Nhiều tờ báo được viết tay và truyền cho nhau đọc trong tù như “Lao tù tạo chí” và “Đời tù” (thời kỳ 1930-1945), “Tiếng tù” (thời kỳ 1947-1954) đã được lưu hành để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của đế quốc, kêu gọi đấu tranh.

Nhiều buổi lễ được tổ chức trang trọng có cả cờ đỏ búa liềm (thời kỳ 1030-1945) hoặc cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ (thời kỳ 1947-1954). Tù nhân hát vang các bài ca cách mạng, như Cùng nhau đi Hồng binh, Quốc tế ca, Tiến quân ca, hô khẩu hiệu, bất chấp sự lồng lộn, điên cuồng của bọn giám thị, lính gác bên ngoài.

Từ những cuộc đấu tranh trong tù, các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức các cuộc vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuộc vượt ngục đầu tiên của những người tù cộng sản được tổ chức thành công vào ngày 24/12/1932 do các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo tổ chức. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, lợi dụng sơ hở của địch, đã có 150 người tù cộng sản vượt ngục thành công bằng nhiều cách khác nhau. Các đồng chí như Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Đỗ Mười.. đã vượt ngục thành công, bổ sung nguồn cán bộ vô cùng quý giá cho Đảng ta, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Có thể nói, nhà tù Hỏa Lò - nơi được cho là “địa ngục trần gian” lại chính là nơi rèn luyện lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản, hun đúc tinh thần cách mạng và đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng xuất sắc.

Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò cũng đã trở thành một trường học đặc biệt cho nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh. Mỗi câu chuyện về các hiện vật hay những đoạn hồi ký được chính những cựu tù chính trị ghi lại là những bài học mang tính nhân văn sâu sắc, để mỗi người biết trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay và nỗ lực hơn nữa vì một nước Việt Nam hùng cường.

Bài: Thu Trang

Trình bày: Lê Sơn - Thu Trang

Bài viết có sử dụng hình ảnh, tư liệu do BQL di tích nhà tù Hỏa Lò cung cấp.

02/09/2020 01:02