Nhân dịp đón Xuân Quý Mão - 2023 và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, xin đồng chí cho biết một số thành tựu nổi bật về tình hình xây dựng và phát triển đất nước ta trong năm 2022?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhìn lại năm 2022, chúng ta nhận thấy tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, khó khăn hơn so với dự báo. Thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Ở trong nước, chúng ta đồng thời vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục xử lý những tồn tại do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, dịch bệnh mùa và hậu quả thiên tai, bão lũ gây ra.
Trong bối cảnh đó, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch. Tăng trưởng GDP của cả nước đạt 8,02%, tăng cao so với kế hoạch đề ra từ 6 - 6,5%. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Thu ngân sách nhà nước tăng 20% so với năm 2021; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đạt 22 tỉ USD, tăng 16%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 740 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2021 (Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại).
Lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn, đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021. Chúng ta đang tập trung xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí quy mô lớn, đặc biệt là SEA Games 31 đã được tổ chức rất thành công.
Công tác giáo dục, y tế đang dần được củng cố, có nhiều đổi mới sau đại dịch COVID-19, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập và khám, chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ được triển khai kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong thực tế, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đạt được những kết quả đó, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, đúng đắn của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây chính là động lực to lớn đưa đất nước bước vào năm 2023 với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, tình hình sắp tới vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thử thách; chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, đồng thời dồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, toàn diện, sâu rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Phóng viên: Có thể khẳng định, trong năm 2022, hầu hết các định hướng quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được cụ thể hóa và triển khai ở các cấp. Tổng Bí thư đánh giá như thế nào về những bước đi này, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm vừa qua, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được triển khai quyết liệt, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các chương trình hành động thiết thực của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt sâu rộng tới các bộ, ban, ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Tại Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quán triệt, cụ thể hóa toàn bộ những nội dung cốt lõi, những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, như vấn đề: Quản lý và sử dụng đất đai; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Phát triển kinh tế tập thể; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là những vấn đề thiết thực đối với người dân, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, sự trong sạch vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị.
Như chúng ta đã biết, mỗi vùng đều có những đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, phù hợp với từng vùng. Trước nhiệm kỳ này, định hướng phát triển vùng đã được triển khai thực hiện thông qua một số nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị các khóa trước, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mong muốn, lợi thế tiềm năng của các vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.
Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...”. Và định hướng này đã được Bộ Chính trị cụ thể hóa thành 6 nghị quyết chuyên đề về phát triển 6 vùng trọng điểm: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Vùng đồng bằng sông Hồng và ngay sau đó đã tổ chức các hội nghị toàn quốc để quán triệt những nội dung cơ bản của các Nghị quyết này.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, mỗi nghị quyết ra đời, vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực, kiên quyết khắc phục tình trạng “Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”, hoặc “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi, đuôi chuột”.
Có thể nhận thấy một bước chuyển tích cực là ngay sau các hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong các vùng, trên cơ sở bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của các nghị quyết, đồng thời sát hợp với tình hình thực tế của các vùng và tiểu vùng. Tiếp đó, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng từng bước cụ thể hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Nhưng trước hết và trực tiếp vẫn là cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong từng vùng, đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa; đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, tranh thủ thời cơ, thuận lợi; vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đã đề ra, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng, cùng với cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội tụ nguồn lực nhờ quy hoạch tổng thể quốc gia:
Phóng viên: Tiếp tục đà của những năm trước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt, bài bản, có bước tiến mạnh, rất quan trọng và toàn diện, trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Xin Tổng Bí thư cho biết những điểm mới nổi bật của công tác này là gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2022, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều điểm mới, đạt nhiều kết quả cụ thể, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Trước hết phải kể đến, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng được sửa đổi, bổ sung, với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức và phạm vi hoạt động, bao gồm cả “tiêu cực”. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt những kết quả bước đầu. Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, khoa học, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng rõ; thực sự là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ triển khai hoạt động theo hướng này.
Năm 2022, chúng ta phát hiện, đấu tranh và xử lý một số vụ án lớn nghiêm trọng (vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, AIC và Vạn Thịnh Phát...). Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khách quan, thống nhất cao, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Việc ban hành những quy định này là bước tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc và kỷ luật của Đảng, thể hiện tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ trong việc xử lý những cán bộ sai phạm, tha hóa, biến chất, kịp thời thay thế những cán bộ không còn đủ năng lực, uy tín, theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Trước một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, sẽ làm “chậm” sự phát triển đất nước; có thể khẳng định và thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế; đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cho rằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng. Tôi đã nhiều lần nói rồi: “Ai không dám làm thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”.
Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được triển khai tích cực, sôi động và hiệu quả, cả song phương và đa phương. Có thể đánh giá đây là một điểm sáng trong năm vừa qua không, thưa Tổng Bí thư?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Để triển khai đường lối đối ngoại nhất quán đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng ta đã chủ động, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này và nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm cao, chúng ta đã đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc...; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình của Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn, tôn trọng luật pháp quốc tế, được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Nhiều hoạt động đối ngoại lớn được tiến hành đúng thời điểm, với chủ trương đúng đắn, trong đó tổ chức đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã tác động mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc mới đây của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta, không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, mà dư luận quốc tế cũng rất quan tâm. Nội dung, nghi thức và kết quả chuyến thăm thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.
Dịp cuối năm này, các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đi thăm các nước, tham dự nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế (ASEAN, AIPA, ASEM, APEC, IPU…), cũng như lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam, phản ánh một bức tranh sôi động trên mặt trận đối ngoại, là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng ta cả trên phương diện song phương và đa phương, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đó góp phần vào thành tựu chung của đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến mau lẹ, khó lường, đất nước ta dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, hùng cường và thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư!
Bài: Nguyễn Hồng Điệp
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
31/12/2022 06:20