03:21 19/03/2015

‘Lời chào cuối cùng’ gửi vợ của ông Lý Quang Diệu

“Lời chào cuối cùng” gửi đến người bạn đời được cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đọc trong lễ tang vợ, bà Kha Ngọc Chi đã gây xúc động mạnh.

“Lời chào cuối cùng” gửi đến người bạn đời được cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đọc trong lễ tang vợ, bà Kha Ngọc Chi, ngày 6/10/2010, được đăng trên Channel News Asia đã gây xúc động mạnh.

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi thời trẻ. Ảnh: Asia One

"Con người thời xưa đã khơi nguồn và gìn giữ tục lệ khóc thương người đã khuất để gia đình và bạn bè họ cùng chia sẻ nỗi đau mất mát. Họ làm điều đó không vì sợ hãi cái chết mà để bày tỏ lòng thành kính trước vong linh người đã mất, và mang lại sự bình yên cho những người ở lại.

Nhớ lại khi bà ngoại tôi qua đời khoảng 75 năm trước, trong suốt 5 đêm, gia đình tôi đã quây quần bên nhau hát ca tụng bà, khóc thương và tưởng nhớ đến bà dưới sự dẫn dắt của một người khóc thuê. Những tục lệ như vậy không còn nữa. Nỗi buồn hôm nay xin được thể hiện qua những câu chuyện về cuộc đời người vợ, người mẹ và người bà của chúng tôi.

Vào tháng 10/2003, khi bà lên cơn đột quỵ lần đầu, chúng tôi đã suy nghĩ sâu sắc về “sinh lão bệnh tử” của đời người. Bà và tôi đã sống bên nhau hơn 3/4 cuộc đời (từ năm 1947). Nỗi đau của tôi khi bà ra đi không thể diễn tả thành lời. Nhưng ngày hôm nay, khi nhìn lại chặng đường bên nhau, tôi muốn ca tụng cuộc đời bà.

Là một thanh niên trẻ chưa có bằng cấp và nghề nghiệp ổn định, tôi không phải hình mẫu chàng rể lý tưởng của cha mẹ bà. Nhưng bà luôn có lòng tin vào tôi. Chúng tôi đã nguyện ước sẽ cùng nhau cố gắng. Năm 1946, tôi quyết định đi Anh học luật, còn bà quay lại trường Raffles, với quyết tâm giành được suất học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm cho sinh viên Singapore. Chúng tôi biết chỉ một người trong cả nước có được vinh dự này. Tôi đã có điều kiện được sang Anh trước, và hy vọng chúng tôi có thể hội ngộ nếu bà giành được suất học bổng đó. Nếu không, chúng tôi sẽ phải xa nhau trong 3 năm. Tháng 6/1947, bà đã giành được suất học bổng ấy. Kể từ đó, chúng tôi không bao giờ xa nhau. Chúng tôi làm đám cưới vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon. Tại Cambridge, chúng tôi đã luôn nỗ lực học tập hết mình.

Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi đã có quãng đời hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Straitstimes.com


Khi trở lại Singapore, tôi và bà cùng được nhận vào vị trí trợ lý luật pháp tại công ty Luật Laycock&Ong. Tháng 9/1950, chúng tôi làm đám cưới chính thức theo nguyện vọng của cha mẹ hai bên và bạn bè. Tháng 2/1952, bà sinh con trai đầu lòng của chúng ta, Hiển Long, và nghỉ chăm con 1 năm. Cũng tháng 2 đó, tôi nhận vụ kiện của Hội liên hiệp các nhân viên Bưu chính. Họ đang đàm phán những điều khoản và điều kiện dịch vụ tốt hơn với chính phủ. Bà đang nghỉ chăm con nhưng vẫn chỉnh sửa bản thảo cho tôi, giúp nó đơn giản và dễ hiểu hơn.

Qua nhiều năm, bà đã thay đổi cách hành văn của tôi. Tôi đã có lối viết ngắn gọn hơn, ở dạng chủ động. Chúng tôi dần thay đổi thói quen của nhau và điều chỉnh bản thân để hòa hợp với nhau. Chúng tôi có thêm hai con, Vỹ Linh năm 1955 và Hiển Dương năm 1957. Bà đã nuôi dạy chúng trở thành những người biết cư xử, biết quan tâm và không bao giờ ỷ thế là con Thủ tướng. Bà chưa từng để tôi phải lo lắng về tương lai của lũ trẻ vì thu nhập từ nghề luật sư rất ổn định của bà.

Bà đã chứng kiến cái giá tôi phải trả vì không học tiếng Trung cho "đến đầu đến đũa" khi còn nhỏ. Do đó, chúng tôi quyết định gửi các con đi học tại trường mẫu giáo và các trường có dạy tiếng Trung. Bà còn kèm cặp bọn trẻ học tiếng Anh và tiếng Malaysia ở nhà. Bà trang bị cho các con đầy đủ kiến thức khi sống tại một nước đa ngôn ngữ. Chúng tôi không bao giờ tranh cãi về cách nuôi dạy con hay các vấn đề tài chính. Thu nhập và tài sản của chúng tôi đều đứng tên cả hai. Chúng tôi tin tưởng nhau hết lòng.

Bà có những thú vui giản dị. Đó có thể là khi chúng tôi đi dạo quanh vườn Istana vào buổi tối, và tôi thường đá những quả bóng golf thư giãn. Sau này, khi đã lên chức ông bà, bà đưa lũ trẻ tới hồ ở Istana để cho cá và thiên nga ăn. Bà luôn để ý đến những gì diễn ra xung quanh. Khi thấy một số loài chim trong vườn Istana biến mất, thay vào đó là chim mynah và lũ quạ. Bà phát hiện rằng người quản lý khu vườn đã cho cắt cỏ dại và phun chống muỗi, tước đi nguồn thức ăn của những loài chim này. Bà cho dừng việc này, và lũ chim trở lại. Bà cho trồng nhiều loại hoa xung quanh hồ bơi và tận hưởng hương hoa khi bơi lội. Bà nắm rõ tên các loại hoa, cũng như tên khoa học của chúng.

Bà có một kho tàng từ vựng đáng ngưỡng mộ. Tại Đại học Raffles, bà theo học ngành Anh văn và rất say mê đọc sách. Bà đọc đủ loại sách, từ Jane Austen tới J.R.R. Tolkien, chiến tranh Hy Lạp cho tới tập thơ Aeneid của Virgil, Bách khoa đồ ăn Oxford, ... Bà đã giúp tôi soạn thảo Hiến pháp của đảng Nhân dân hành động (PAP). Trong buổi họp chính thức đầu tiên của đảng vào ngày 4/11/1954, bà đã tập hợp phu nhân các thành viên sáng lập đảng để thêu hoa hồng cài áo cho những người lên sân khấu. Trong cuộc bầu cử đầu tiên của tôi ở Tanjong Pagar, ngôi nhà của chúng tôi ở đường Oxley đã biến thành nơi tập kết xe chở người ủng hộ tôi đến địa điểm bỏ phiếu. Bà cảnh báo rằng tôi không thể tin tưởng những thành viên liên hiệp giao thương cánh tả do Lim Chin Siong cầm đầu.

Ông Lý Quang Diệu và vợ tại lễ cưới Hoàng tử Brunei năm 2004. Ảnh: AFP

Bà khuyên tôi cẩn trọng với một số người, và cảm nhận của bà về họ thường chính xác. Khi Singapore sắp sáp nhập với Malaysia, bà cho rằng chúng tôi sẽ không thành công bởi các lãnh đạo Malaysia có lối sống khác và nền chính trị của họ dựa trên tập thể, chủng tộc và tôn giáo. Tôi trả lời rằng chúng tôi phải làm vậy vì không còn lựa chọn nào khác. Và bà đã đúng khi Singapore bị đề nghị tách khỏi Malaysia chưa đầy 2 năm sau đó. Năm 1965, Bộ trưởng Tư pháp Singapore Eddie Barker đã soạn thảo dự luật ly khai nhưng không nhắc tới cam kết đảm bảo thực hiện thỏa thuận cung cấp nước giữa chính phủ với chính quyền Johor (Malaysia). Sau khi chúng tôi trao đổi, bà lập tức soạn thảo và thay đổi chi tiết quan trọng này trong Hiến pháp Malaysia một cách kĩ càng và chuẩn xác.

Bản sửa đổi đã được thêm vào thỏa thuận ly khai và trình lên Liên hợp quốc (LHQ). Thư ký Khối thịnh vượng chung Arthur Bottomley lúc đó đã nói nếu các quốc gia có ý định chia tách, ông mong họ sẽ học theo cách làm chuyên nghiệp của Singapore và Malaysia. Mỗi lần các nhà lãnh đạo Malaysia đe dọa cắt cung cấp nước, tôi yên tâm rằng văn bản luật rõ ràng và mạch lạc này sẽ giúp nước ta nhận được phán quyết có lợi từ Hội đồng bảo an LHQ.

Sau lần đột quị đầu tiên, bà mất thị lực mắt trái. Bà vẫn cố gắng đọc sách nhờ 1 chiếc thước kẻ. Bà vẫn đi công tác cùng tôi, đi bơi đều đặn, chủ động trong mọi việc, giữ liên lạc với gia đình, bạn bè... Bà vẫn nghe những bản nhạc giao hưởng và những ca khúc bất hủ tự sưu tầm. Bà đùa rằng cuộc đời bà đã chia làm hai, trước và sau khi bị đột quị, như thế giới trước và sau công nguyên vậy. Bà bị đột quị lần thứ 2 vào ngày 12/5/2008, tình hình tồi tệ hơn trước.

Tôi động viên bà, cùng với sự trợ giúp của các y bác sĩ và nhân viên trị liệu xuất sắc. Đội ngũ y tá và nhân viên phục vụ đều yêu quý bà vì bà luôn quan tâm đến họ. Khi bị ho, bà lấy chiếc gối nhỏ trên giường để che miệng, vì bà không muốn lây bệnh sang cho họ. Khi tôi hôn lên má bà, bà nói tôi đừng tới quá gần vì sợ tôi lây bệnh viêm phổi. Khi được biếu đào, bà dặn người phục vụ mang về nhà cho tôi một quả ăn sau bữa trưa. Tôi đã luôn là tâm điểm cuộc sống của bà.

Ngày 24/6/2008, kết quả chụp cắt lớp cho thấy bà tiếp tục bị tai biến mạch máu ở não phải, và thuốc men hay phẫu thuật không khiến bà khá hơn. Tôi đưa bà về nhà ngày 3/7/2008. Bác sĩ nói bà chỉ cầm cự được vài tuần nữa, nhưng bà đã ở bên tôi thêm 2 năm 3 tháng nữa, đến ngày 2/10/2010.

Bà đã nói ước nguyện cuối đời với tôi, nhờ tôi dặn dò các con để tro cốt chúng tôi gần nhau, cũng như chúng tôi đã luôn bên nhau suốt cuộc đời này.

Những ngày tháng cuối đầy khó nhọc, bà đã không thể rời khỏi giường sau những cơn đột quị liên tiếp, nhưng bà vẫn nhận biết được mọi thứ. Mỗi tối bà chờ tôi đến ngồi bên và kể về một ngày của tôi, hay nghe tôi đọc những bài thơ yêu thích. Và rồi bà chìm vào giấc ngủ.

63 năm bên bà là biết bao những kỷ niệm quý giá. Nếu không có bà, tôi đã là một người khác, và sống một cuộc sống khác. Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho tôi và các con. Bà luôn ở đó khi tôi cần đến. Bà đã sống một cuộc đời tràn đầy tình yêu thương và ý nghĩa.

Lẽ ra tôi nên thấy được an ủi vì bà đã sống một cuộc đời đáng sống 89 năm. Nhưng lúc này, lời từ biệt cuối cùng với bà khiến trái tim tôi nặng trĩu nỗi đau buồn”.


Hạnh Nhân (Theo thestar)