12:04 04/12/2014

Lời cảnh tỉnh từ Ferguson

Sự kiện Ferguson đã đẩy nước Mỹ rơi vào tình trạng bạo động chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm về những vấn đề mang tính hệ thống tích lũy lâu nay trong xã hội Mỹ.

Sự kiện Ferguson đã đẩy nước Mỹ rơi vào tình trạng bạo động chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm về những vấn đề mang tính hệ thống tích lũy lâu nay trong xã hội Mỹ. Nó cũng cho thấy “nền dân chủ số một thế giới” vẫn chưa thoát khỏi “bóng ma sắc tộc” với lời cảnh tỉnh vang lên từ Ferguson.

Giọt nước tràn ly

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bạo động đã xảy ra ngay trong lòng nước Mỹ, không chỉ tại một mà rất nhiều nơi. Bạo động khởi phát từ thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri ngày 25/1, sau khi bồi thẩm đoàn hạt Saint Louis bác bỏ việc truy tố sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã bắn chết thiếu niên da đen 18 tuổi Michael Brown hôm 9/8. Nhiều ô tô, cửa hàng, tòa nhà đã bị đập phá hoặc đốt cháy. Các tuyến đường chật cứng người biểu tình và hàng trăm người quá khích đã bị bắt giữ.

Sinh viên nằm biểu tình trong trường Đại học St Louis phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn ngày 1/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhưng cơn giận dữ không chỉ bùng nổ ở Ferguson. Trong suốt 3 ngày liên tiếp sau đó, bạo động và biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại 137 thành phố ở 37 bang của nước Mỹ. Có thể liệt kê một số thành phố lớn như New York, Chicago, Philadelphia, Los Angeles, Atlanta, Baltimore, Oakland, Seattle, Porland, Denver…

“Cuộc khủng hoảng lòng tin giữa nhân viên thi hành công lực và các công dân không có gì là mới mẻ. Vấn đề đã có từ thời nội chiến. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử nước Mỹ cũng luôn thấy những vấn đề tồn tại trên toàn quốc về việc cảnh sát dùng chiến thuật bạo hành đối với người da màu nói chung và người nghèo nói riêng”,

Giáo sĩ Al Haj Abdur Rashid, Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo Hồi giáo tại New York.

Các nhà hoạt động Mỹ cũng vào cuộc khi phát động cuộc tuần hành kéo dài 7 ngày (từ 29/11 - 5/12) từ Ferguson tới thủ phủ bang Missouri để phản đối phán quyết phi lý của bồi thẩm đoàn hạt Saint Louis, yêu cầu sa thải người đứng đầu Lực lượng cảnh sát Ferguson, cải cách hệ thống cảnh sát trên toàn quốc và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.

Trước tình hình bạo động gia tăng, chính quyền liên bang và các bang ở Mỹ đã cấp tốc triển khai các biện pháp hạ nhiệt. Tại “tâm bão” Ferguson, chính quyền bang Missouri điều động 2.200 lính thuộc Lực lượng vệ binh quốc gia tới trấn áp bạo động. Từ thủ đô Washington DC, Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ truy tố những kẻ phá hoại, đồng thời cấp tốc họp nội các tìm giải pháp.Vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng đề nghị Quốc hội chuẩn chi 263 triệu USD cho công tác chỉnh đốn lực lượng cảnh sát, sau khi thừa nhận các cộng đồng thiểu số đang rất bức xúc vì sự phân biệt đối xử của lực lượng thực thi pháp luật này.

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng phân biệt đối xử ở đất nước vốn luôn tự coi mình là “nền dân chủ số một thế giới”. Đã có rất nhiều sự việc tương tự xảy ra trong quá khứ và sự kiện Ferguson chỉ là “giọt nước tràn ly”. Chính vì thế, rất nhiều tranh cãi về quyết định phi lý của tòa án và rộng hơn nữa là vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã bùng lên mạnh mẽ kể từ sau cái chết của chàng thanh niên da màu Brown.

Lời cảnh tỉnh từ “bóng ma sắc tộc”

Theo Hiến định của Mỹ, quyết định của tòa án là “bất hồi tố” cho dù bị nhiều người phản đối. Điều đáng trách ở đây là sau 3 tháng tranh luận và phân tích lời khai của 30 nhân chứng, bồi thẩm đoàn hạt Saint Louis vẫn đưa ra phán quyết gây sững sờ. Toàn bộ cư dân Ferguson với phần đa là người da màu đã bàng hoàng trong nhiều phút khi đón nhận thông tin. Mẹ của nạn nhân Brown nghẹn ngào không nói nên lời. Trong khi đó, các luật sư của gia đình bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn.

Theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 8, 65% số người da màu cho rằng cảnh sát Ferguson đã phản ứng quá đáng, 80% nhận định vấn đề cốt lõi của vụ việc là phân biệt chủng tộc và chỉ có 18% tin vào luật pháp. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những người da trắng lần lượt là 33%, 37% và 52%.

Những cảm xúc trên và các vụ biểu tình, tuần hành, bạo động xảy ra trước và sau đó cho thấy sự chán nản của nhiều người dân về nạn phân biệt chủng tộc vốn chưa bao giờ vắng bóng trong xã hội Mỹ. Sau 24 năm chấm dứt thảm cảnh này ở Los Angeles, nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi “bóng ma sắc tộc”. Giữa những lời tuyên truyền chính thức về nhân quyền và thực tiễn cuộc sống tại Mỹ vẫn tồn tại khoảng cách xa và khoảng cách đó sẽ chưa thể thu hẹp chừng nào các lực lượng thực thi pháp luật Mỹ còn lạm dụng lý thuyết “cửa sổ vỡ”. Lý thuyết này nêu rõ các nhân viên công lực không được dung thứ cho bất kỳ hành vi phạm tội nào, dù là nhỏ nhất, để ngăn ngừa hậu họa về sau. Tuy nhiên, nhiều nhân viên cảnh sát đã lạm dụng quá đà, gây bất mãn sâu rộng trong cộng đồng. Kết quả là tảng băng ngầm về mặt trái của nền dân chủ Mỹ ngày càng lớn dần và trở thành thách thức lớn nhất hiện nay ở ngay trong lòng cường quốc số một thế giới.

Trong bài viết đăng trên báo Huffington Post của Mỹ, Giáo sư Preston Shipp thuộc Đại học Lipscomb, cũng đã khẳng định người Mỹ gốc Phi phải trải qua nhiều thế hệ bất công. Theo ông, trong tiến trình tư pháp ở Mỹ, người gốc Phi dễ bị bắt hơn người da trắng, dễ bị kết tội hơn và nhanh chóng bị phạt tù hơn sau khi phạm tội. Giáo sư Shipp cho rằng chính phủ Mỹ đã thất bại trong nỗ lực theo đuổi lý tưởng “mọi người dân đều được đối xử công bằng” khi để cho vấn đề thành kiến sắc tộc ngày càng trở thành “ung nhọt” trong xã hội. Trường hợp ở Ferguson là một ví dụ điển hình.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/11, Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh đến lỗ hổng mang tính hệ thống trong nền dân chủ Mỹ do không thể vượt qua được nạn phân biệt chủng tộc.

Nhà Trắng có lẽ cũng nhìn nhận rõ điều này khi ra tuyên bố nói rằng: “Lòng tin rạn nứt giữa cơ quan thực thi pháp luật và người dân có thể gây bất ổn các cộng đồng, làm giảm tính hợp pháp của hệ thống tư pháp hình sự, suy giảm an ninh công cộng, tạo tâm lý bất mãn trong dân và khiến hoạt động của ngành cảnh sát khó khăn hơn”.

Tất nhiên, vụ việc ở Ferguson không đại diện cho bức tranh phân biệt chủng tộc ở Mỹ, nhưng nếu không được giải quyết thỏa đáng thì rất có thể sẽ trở thành sự kiện đối nội đầy thử thách cho chính quyền Obama trong hai năm cuối nhiệm kỳ vốn đã có quá nhiều khó khăn từ “vách đá Cộng hòa” sẽ thống trị lưỡng viện Quốc hội Mỹ khóa mới kể từ đầu năm tới.

Vũ Hà