05:15 07/05/2015

Lời ca từ lửa con tim

Với người Thái Tây Bắc, nếu từ mùa thu cho đến đầu xuân là mùa của sinh hoạt “Hạn khuống” - (Hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai ngoài trời, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên), thì mùa Đông - Xuân là mùa “ỉn chan” - tức là chơi sàn, một sinh hoạt văn hóa độc đáo.

Với người Thái Tây Bắc, nếu từ mùa thu cho đến đầu xuân là mùa của sinh hoạt “Hạn khuống” - (Hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai ngoài trời, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên), thì mùa Đông - Xuân là mùa “ỉn chan” - tức là chơi sàn, một sinh hoạt văn hóa độc đáo. Giữa đất trời, những bản tình ca trong sáng bay bổng ngân rung giữa non ngàn, chắp cánh cho tình yêu, ươm những mùa hò hẹn.

“Hạn Khuống” là hình thức diễn xướng đại chúng mang tính sân khấu sơ khai. Nơi đây mọi người đều được đắm mình trong cuộc vui hát, đua tài trong ngày hội. Nam nữ thanh niên dựng sàn ở nơi đất trống của bản. Thường vào tiết thu đông, công việc đồng áng đã nhàn rỗi, “Hạn Khuống” được tổ chức. Sàn diễn dựng bằng tre, gỗ, chiều cao chừng 1,5m, rộng 4m và dài 6m. Xung quanh sàn có lan can, trang trí hoa văn. Giữa sàn dựng cây nêu bằng một cây tre to, dài, để lại cả phần ngọn và được trang trí các con giống đủ màu. Từ gốc tới ngọn cây được sơn hoặc dán giấy nhiều màu.

Bản tình ca Thái ngân rung da diết với sức sống diệu kỳ.


Cây này được gọi là “Lắc sáy cốc” - tức cột gốc, mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn có bốn cây nêu nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc sáy”. Sàn này được gọi là “Sàn hoa Hạn Khuống”. Chủ “Hạn Khuống” gọi là “Sao tổn Khuống” thường là những thiếu nữ xinh đẹp, đức độ, được mọi người yêu quý, đặc biệt có tài ứng đối, hát giỏi. Bốn cô được bố trí ở bốn nơi có cầu thang gọi là “Sao lắc xáy”. Các cô chủ “Hạn Khuống” đặt xa, kéo bông, rút thang đặt bên bếp lửa, kéo sợi dăng ngang lối lên xuống, các chàng trai muốn được lên sàn hoa phải chinh phục các cô gái trên sàn bằng tài hát trong cuộc hát đối, rồi còn phải hát để được mời ngồi và mời trầu nước. Bởi vậy các chàng trai lựa chọn, cử ra những người hát giỏi nhất. Đây cũng là lúc thể hiện tài năng đối đáp, ứng tác của các chàng trai cô gái và những khúc tình ca da diết, bay bổng trong tiếng nhạc rạo rực đắm say.

Những ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc đều có phần sàn ngoài trời, gọi là “chan”. Đây là nơi dành cho những sinh hoạt của phụ nữ như: Quay xa kéo sợi, thêu thùa, kể chuyện, hát hò… Các chàng trai cô gái thường chọn ngôi nhà to rộng, ưng ý. Con gái quay xa kéo sợi, con trai đan lát, thổi khèn, thổi pí. Chính tại nơi đây những bản tình ca được lửa tình yêu thổi hồn bỗng lung linh sống động và sống mãi với thời gian. Khác với những đêm “Hạn khuống”, khi “Ỉn chan” các chàng trai không phải hát xin thang, xin ngồi và hát để được mời trầu thuốc. Các chàng trai cô gái trổ tài hát đối đáp giao duyên để thử và hiểu lòng nhau. Các lời ca thường lấy trong các truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái như: “Xống chụ xon xao” - Tiễn dặn người yêu, “Tản chụ xống xương” - Tâm tình tiễn thương, “Tản chụ xiết xương” - Tâm tình trêu ghẹo yêu thương… Người đối người đáp đều lịch lãm, tình tứ, bởi: “Chê tôi xấu sẽ như nhau tất cả/ Nếu là rồng cùng là rồng thôi”. Đây là lời chàng trai ý tứ ướm hỏi: “Anh từ bản xa thấy ánh lửa/ Thấy bóng áo chàm của em/ Thấy má hồng, nét cười duyên/ Thấy ngón tay thon măng giềng/ Thấy mắt biếc, muốn ướm lời bầy tỏ?”.

Lời hát tình tứ, đầy ẩn ý, song chỉ có thế đâu đã có thể làm xiêu lòng cô gái: “Anh từ nơi nào đến/ Từ bên kia hay bên này sông Đà/ Qua đường nương, lúa chắc hạt trĩu bông?/ Qua đường nước, sông cạn bằng cái đũa?/ Lời anh nói có bay theo làn gió?”. Trong các bản tình ca Thái, những biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, cường điệu được sử dụng rất tài tình làm cho lời thơ thêm mượt mà ý nhị và giầu sức biểu cảm, đồng thời gửi gắm được bao điều khó nói. Cái cách chàng trai bầy tỏ lòng mình sao mà khéo đến thế: “Em ơi! Anh có một mình như sợi vải thưa/ Em hãy nhẹ tay căng vào khung dệt/ Đôi ta se thành piêu, thêu thành khít/ Tấm chăn hồng ta đáp chung đôi”- (“piêu” là khăn thổ cẩm, “khít” là vuông thổ cẩm trang trí mặt chăn, gối…). Cô gái cũng cởi mở lòng mình, dù không khỏi phân vân: “Em chưa hẹn cùng ai trong bản/ Em chưa thề cùng ai bản xa/ Vẫn ngóng đợi người em yêu dấu/ Chỉ lo anh chê em nghèo xấu/ Chỉ sợ anh đã có người thương?”.

Cuộc hát đối đáp có thể diễn ra nhiều đêm. Càng hiểu nhau, lời đối đáp càng nồng nàn đằm lắng: “Thương em anh xin hỏi mọi điều/ Yêu em anh cạn bao lời yêu thương/ Anh muốn trồng khoai, đất có bén duyên/ Anh muốn ươm dâu, có xanh thành bãi/ Đôi ta yêu nhau, sợi dây tình có bện?”. Sau mỗi đêm “Hạn khuống” hoặc “ỉn chan”, lưu luyến chia tay, trai gái hát tiễn nhau với bao bịn rịn nhớ nhung: “Tháng ngày trôi em liệu có quên?/ Ủ thương nhớ vào bao gối thắm/ Đêm đêm gối đầu, nghe thì thầm hò hẹn/ Sông cạn bằng đũa nhỏ mới quên nhau”. Cô gái hát dặn dò chàng trai không kém phần tình cảm và ý nhị: “Mong anh luôn mạnh khỏe/ Nhanh nhẹn như nai đỏ/ Mạnh mẽ như voi rừng/ Hãy nhắn gọi em khi đau ốm bất thường/ Anh nơi sao hôm, em sao mai ngóng đợi...”.

Họ thao thức đợi ngày hôm sau với bao thao thức khắc khoải nhớ mong, để rồi khi gặp lại nhau duyên càng thắm, tình càng nồng, tiếng hát như tiếng lòng da diết: "Gối em nhồi bông gạo/ Em mong ngày âu yếm bên anh/ Nhưng càng mong đường tình càng đứt/ Càng mong anh càng khéo vô tâm/ Em phải khóc trong đêm dài vô tận/ Nước mắt thấm ướt gối/ Hột gạo bật đâm chồi". Ôi! Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ người thương, hình tượng thơ: “Nước mắt thấm ướt gối, hạt bông gạo bật đâm chồi” sao mà đẹp đến thế. Hạt bông gạo đâm chồi hay tình yêu vụt đâm chồi nảy nụ trong phút giao hòa của đất trời và tình người sâu lắng. Tiếng hát của đôi người yêu nhau như tiếng lách tách của mầm xuân hé nở dưới ánh ban mai.

Từ bao đời rồi những bản tình ca Thái vẫn ngân rung da diết với một sức sống diệu kỳ: “Tiếng hát vào núi đá hóa thành vôi trắng/ Hát vào suối cạn, dâng thành sông Đà/ Hát cùng chài gấp nên tấm lụa/ Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen/ Hát cùng đầu bạc, xanh lại thời tuổi trẻ”. Sau những cuộc “Hạn khuống” hoặc “ỉn chan” nhiều đôi nên vợ nên chồng, cuộc sống sinh sôi bất tận.

Trần Vân Hạc