06:22 21/06/2012

Loay hoay trị “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi

Từ cuối năm 2010 đến nay, đã có hơn 240 người mắc bệnh, trong đó hơn 20 người bị tử vong do Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hay còn gọi là “bệnh lạ”) tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Từ cuối năm 2010 đến nay, đã có hơn 240 người mắc bệnh, trong đó hơn 20 người bị tử vong do Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hay còn gọi là “bệnh lạ”) tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, nguyên nhân của căn bệnh này vẫn còn là điều bí ẩn trong khi ca mắc mới và tái phát bệnh vẫn chưa dừng lại.

 

Chẩn đoán nhầm


“Đoàn công tác của bệnh viện (BV) Bạch Mai gồm nhiều chuyên gia về hồi sức, chống độc, tiêu hóa, nhi… vừa kết thúc chuyến thực tế tìm hiểu về hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại Quảng Ngãi (13 - 14/6). Thực tế thăm khám hơn 250 bệnh nhân ở đây cho thấy, đa số bệnh nhân đều suy dinh dưỡng, thiếu máu nặng. Với thể trạng này, cơ thể rất dễ bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập, gây khó khăn hơn cho công tác điều trị”, TS Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.

 

Trong hai ngày 13 và 14/6/2012, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai do Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện dẫn đầu về khám và hội chẩn cho hơn 300 người dân mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).Ảnh: Thanh Long-TTXVN

Qua thăm khám cho khoảng 250 bệnh nhân đang hoặc đã từng điều trị “bệnh lạ”, các bác sỹ (BS) của BV Bạch Mai còn phát hiện có sự chẩn đoán nhầm. Bởi vì, có trường hợp thực ra chỉ mắc bệnh ngoài da, bị á sừng hoặc nước ăn chân nhưng lại bị coi là mắc “bệnh lạ”. Ở một số bệnh nhân, do chẩn đoán nhầm nên việc điều trị đã chuyển nhầm hướng sang điều trị viêm da còn bệnh chính lại bị lơ là, khiến bệnh cảnh nặng lên. Ngoài ra, không ít bệnh nhân chỉ có biểu hiện dày sừng bàn chân chứ không có ở bàn tay, cần có thêm căn cứ khác mới có thể khẳng định mắc “bệnh lạ” hay không. Thực tế, nhiều người dân đồng bào H’re thường có thói quen không mang giày dép khi đi lại, nhất là khi làm ruộng nên việc bàn chân của họ bị chai hoặc dày da là bình thường.

 


“Theo chẩn đoán của chúng tôi, có một bệnh nhân nặng tại Trung tâm y tế Ba Tơ thực ra là bị suy tim, cao huyết áp chứ không phải mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Không hiểu sao khi bệnh nhân này mới nhập viện, Trung tâm y tế Ba Tơ đã chẩn đoán là suy tim, nhưng sau đó lại đổi thành viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân?”, một BS trong đoàn công tác của BV Bạch Mai cho hay.

 

Tỷ lệ tái phát cao?

 

“Tình hình bệnh diễn biến phức tạp vì hàng ngày hàng giờ địa phương vẫn ghi nhận ca tái phát và mắc mới với diễn biến bệnh rất phức tạp. Đến nay, bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã xuất hiện tại 5 xã của huyện Ba Tơ là Ba Điền, Ba Xa, Ba Tô, Ba Vinh, Ba Ngạc. Nhóm tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 15-30 tuổi, chiếm trên 30%, trong đó phần lớn người bệnh là người dân tộc”, BS Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế Ba Tơ cho biết tại một Hội thảo về chẩn đoán và điều trị Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân do Bộ Y tế tổ chức mới đây.


BS Phạm Ngọc Lân, Phó Giám đốc BV Quảng Ngãi cũng chia sẻ: “Tỉ lệ bệnh tái phát ở các bệnh nhân điều trị tại BV là 40%. Thấy có ca bệnh điều trị dài ngày mà vẫn bị tử vong nên một số bệnh nhân “nản”, bỏ trốn khỏi viện. Một số bệnh nhân còn không tuân theo y lệnh lấy máu vì cho rằng truyền máu cũng không khỏi được bệnh…”.


Hiện nay, trong phác đồ điều trị Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân mà Bộ Y tế ban hành cũng chưa đưa ra tiêu chí thế nào là khỏi bệnh. Do đó, các bác sĩ BV Quảng Ngãi cũng gặp khó khăn trong việc quyết định cho bệnh nhân ra viện vì chưa biết căn cứ nào là chuẩn, dù dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân đã đỡ, kết quả xét nghiệm men gan khả quan hơn.


Như vậy, từ lúc phát hiện “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi cuối năm 2010 đến nay, nhiều đoàn công tác đã về khảo sát, nghiên cứu nhưng ngành y tế vẫn lúng túng trong việc tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị bệnh hữu hiệu. Thậm chí, có nguồn tin đáng tin cậy còn cho rằng, tỷ lệ mắc và tái phát của bệnh nhân mắc căn bệnh này không được địa phương đánh giá chính xác như thực tế đang diễn ra. Đã đến lúc ngành y tế cần nỗ lực hơn trong việc điều tra và sớm công bố tình hình dịch tễ “bệnh lạ”. Đồng thời, tăng cường sự trợ giúp của các tổ chức y tế quốc tế nhằm sớm tìm ra nguyên nhân để “trị bệnh tận gốc”, bảo vệ sức khỏe của người dân đang sinh sống ở nơi có “bệnh lạ”.

 

Phương Liên