12:09 12/12/2013

Loay hoay học nghề phù hợp

Chương trình đào tạo nghề cho nông dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chương trình đào tạo nghề cho nông dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề hiện chưa phát huy được hiệu quả và chưa thực sự phù hợp với người dân.

 

Là một trong những hộ nghèo của xã Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Chiến, thôn Viên Đình, được mời tham gia lớp học nghề cải tạo vườn tạp. Hiện tại lớp học đã kết thúc, nhưng những kiến thức bà Chiến thu nhận được tại lớp học khó ứng dụng vào thực tiễn, do không có vốn. Chính vì vậy, diện tích hơn 1 mẫu vườn ao của nhà bà Chiến vẫn để không. “Cả cuộc đời gắn với nghề nông, nên khi đi học nghề nông, cũng muốn tìm hiểu giống mới, cải tạo cây trồng cho hợp lý. Tuy nhiên, tính thực tiễn còn thấp vì học xong lý thuyết không có hỗ trợ triển khai như với các mô hình khuyến nông”, bà Nguyễn Thị Chiến tâm sự.

Lớp dạy nghề ngắn hạn sửa chữa máy nông nghiệp cho nông dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Còn bà Lê Thị Yến, một trong những hộ có trang trại lớn của xã Đông Lỗ, vừa tham gia một lớp học nghề nông do Hội nông dân xã tổ chức, cho biết: “Những kiến thức phổ biến trong lớp học nghề cũng na ná như những chương trình khuyến nông, điểm khác là học xong có chứng chỉ và được Hội nông dân xã bảo lãnh cho vay 20 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này rất ít so với nhu cầu vay của gia đình tôi là vài trăm triệu đồng để cải tạo ao cá, phát triển chăn nuôi”.

 

Trường hợp của của anh Bùi Văn Tuệ (xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, Hải Dương) lại muốn tìm nghề phi nông nghiệp, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình: “Xã tôi mở lớp dạy nghề về vi tính văn phòng, chăn nuôi, nhưng tôi muốn học nghề cơ khí, hàn xì. Tuy nhiên nghề này xã lại không mở lớp đào tạo. Học trên trung tâm huyện thì nặng về lý thuyết và không có thực tế. Chính vì vậy, tôi tự đi làm thuê ở Hà Nội, tự học nghề rồi về nhà mở cửa hàng sắt thủ công phục vụ bà con làng xóm”.

 

Xung quanh thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) có nhiều xưởng may gia công, chính vì vậy, nhờ tham gia lớp học nghề may do Hội Khuyết tật huyện Ba Vì tổ chức, chị Nguyễn Thị Thùy Dương, xã Phú Cường (Ba Vì), một người khuyết tật đã tìm được việc làm tại một xưởng may gia công tại thị trấn. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: “Tôi cũng đã có kinh nghiệm may ở nhà, khi học nghề được bổ sung cách may công nghiệp. Tuy nhiên với nhiều bạn mới học mà chỉ học 3 tháng thì khó thực hành trong thực tế. Do đó, nếu bạn nào muốn theo học nghề may thì phải tiếp tục học thêm. Chính vì vậy, học viên lớp học may theo chương trình học nghề chỉ có vài người theo được nghề may”.

 

Việc học nghề phù hợp cũng gian nan với nhiều người tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh còn 5 huyện và 43 phường còn lao động nông thôn ở 7 quận ven ngoại thành, với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Mấy năm trước, gia đình anh Hồ Văn Chánh, ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) có 5 sào đất nông nghiệp bị thu hồi để mở khu đô thị Nhơn Đức. Anh Chánh cho biết: “Không còn đất trồng trọt, chăn nuôi, tôi định mở tiệm sửa chữa xe máy để trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhiều lần cán bộ xã đến tư vấn vận động tôi đi học nghề ở trung tâm dạy nghề huyện, nhưng tới trung tâm thấy mấy lốc xe gắn máy cũ kỹ từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước mà không thấy có các máy móc hiện đại, cho nên tôi đành quay về lên thành phố tìm đến tiệm sửa xe để học. Bởi nhìn thực tế cũng thấy, nếu theo học xong ở trung tâm nghề huyện khó mà sửa các xe máy đời mới hiện nay”.

Mặt khác, với tâm lý ngại xa nhà, không ít chị em người không thiết tha với việc học nghề, dù được Nhà nước hỗ trợ đào tạo miễn phí. Chị Lê Thúy Huệ, nhà ở phường Long Thạnh Mỹ (quận 9), cho biết: “Sau khi có đất bị thu hồi, tôi cũng lên trung tâm dạy nghề quận 9 tìm hiểu để đăng kí học làm tóc và trang điểm cô dâu. Tuy nhiên, do cơ sở dạy nghề khá xa nên không có điều kiện đi học thường xuyên, bởi tôi còn phải lo đưa đón con đi học, nội trợ trong gia đình. Mặt khác, dù học phí được hỗ trợ hoàn toàn, nhưng lại không được hỗ trợ đầu tư dụng cụ học nghề, trong khi nghề của tôi dụng cụ học nghề phải từ 8-10 triệu đồng/bộ mới học được. Cho nên ước mơ học nghề trang điểm của tôi cũng đành bỏ giữa chừng”.

 

Xuân Minh - Hoàng Tuyết


Bài 2: Đào tạo cái xã hội cần