09:06 11/09/2014

Loạn mô hình quản lý di tích

Trước thực trạng “mỗi nơi một kiểu” của các mô hình quản lý di tích ở các địa phương, khiến cho công tác bảo tồn di sản gặp khó khăn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn gửi đến các địa phương, yêu cầu các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý di tích...

Trước thực trạng “mỗi nơi một kiểu” của các mô hình quản lý di tích ở các địa phương, khiến cho công tác bảo tồn di sản gặp khó khăn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn gửi đến các địa phương, yêu cầu các địa phương kiện toàn bộ máy quản lý di tích, để công tác bảo vệ và quản lý di tích đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để bộ máy quản lý di tích được kiện toàn như yêu cầu vẫn còn là chặng đường dài.


Hiện nay, mô hình tổ chức quản lý di tích ở các địa phương chưa thống nhất, ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý và bảo vệ di tích, di sản. Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đang gặp nhiều thách thức lớn: Môi trường sinh thái và cảnh quan đang bị tác động mạnh bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long. Sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển... Thế nhưng, cũng khó giải quyết dứt điểm nếu xảy ra các sai phạm tại vịnh Hạ Long.

 

Bất cập trong quản lý dẫn đến việc trùng tu như… phá chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội).


Cụ thể, vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên, Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long dựa vào Luật Di sản văn hóa để trùng tu tôn tạo và quản lý. Tuy nhiên, đối với công tác thanh tra, kiểm tra thì BQL lại không được thực hiện, vì BQL là cơ quan trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, nhưng thanh tra chuyên ngành thì lại thuộc sở VHTTDL, nên mỗi lần thanh tra lại phải yêu cầu phối hợp.

 

Nếu sai phạm liên quan đến việc đánh bắt thủy sản trong vùng lõi, thì lại phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xảy ra vi phạm về giao thông thủy cảng biển, thì BQL lại phải làm việc với Sở Giao thông Vận tải, về công tác an ninh - chính trị lại phải phối hợp làm việc với công an, biên phòng… Là đơn vị quản lý, nhưng lại không có chức năng thanh tra, xử lý, nên nhiều khi phát hiện thấy vi phạm, BQL lại không thể xử lý, giải quyết dứt điểm được. “Tuy là nhà mình, người ta vào vi phạm nhưng mình lại không giải quyết được”, bà Dương ví von.


Hay như vụ việc “bê tông hóa” suối Khe Thẻ ở trong phạm vi 1 khu di tích Mỹ Sơn, do BQL di tích Mỹ Sơn và huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) làm mà không xin ý kiến Bộ VHTTDL khiến các chuyên gia ngỡ ngàng. Từ sai phạm rất sơ đẳng này, các chuyên gia về di sản cho rằng, di tích Mỹ Sơn không nên thuộc sự quản lý của cấp huyện, bởi đối với di tích quan trọng như vậy thì cần nguồn nhân lực tốt hơn để xử lý các vấn đề liên quan phát sinh.

Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, nhưng các di sản này lại được quản lý ở các cấp khác nhau và theo các mô hình khác nhau. Di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, Hoàng thành Thăng Long và Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có BQL trực thuộc UBND tỉnh/thành phố. Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ trực thuộc Sở VHTTDL Thanh Hóa. Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An lại thuộc UBND TP Hội An. BQL di tích du lịch Mỹ Sơn trực thuộc UBND huyện Mỹ Xuyên (Quảng Nam).


Không chỉ các di sản thế giới, mà các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh… cũng đang gặp khó về mô hình quản lý.


Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến di tích như việc tự ý tu bổ nhà Tổ, gác Khánh ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), đình Ngu Nhuế (ở Hưng Yên), vụ cấp sổ đỏ ngay trong di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh)… Rồi những lùm xùm về việc sư trụ trì tự đưa tượng mới vào thờ trong chùa Chân Long ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội). Mới đây là vụ trùng tu như… phá ở các di tích lịch sử đình Quang Húc, huyện Ba Vì và ở chùa Sổ, huyện Thanh Oai (Hà Nội)... Tất cả những sai phạm đó đã cho thấy sự bất cập, yếu kém cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý di tích.


Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), cả nước hiện có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Để quản lý, bảo vệ di tích, thời gian qua, các địa phương đều đã chủ động thành lập các tổ, ban quản lý tại các di tích. Tuy nhiên, mô hình tổ chức đơn vị quản lý di tích ở nhiều địa phương rất đa dạng, theo kiểu “mỗi cây mỗi hoa”.

 

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) thừa nhận, mô hình quản lý di tích ở nước ta đang có quá nhiều bất cập. Tên gọi các đơn vị không có sự thống nhất, nơi là ban quản lý, nơi là trung tâm; chức danh người đứng đầu cơ quan quản lý nơi là giám đốc, nơi là trưởng ban. Sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ, có nơi vừa là cơ quan quản lý, vừa là đơn vị sự nghiệp dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Có nơi, ban quản lý tỉnh được giao quản lý 3 - 4 di tích, nhưng trên thực tế các di tích này đã được chính quyền cấp huyện trực tiếp quản lý gây khó khăn, phức tạp trong hoạt động của Ban cũng như địa phương.

 

Một số ban/trung tâm quản lý di sản thế giới trực thuộc cấp huyện nên bị hạn chế về cơ cấu tổ chức, do đó còn nhiều khó khăn trong việc quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu. Một số di tích trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ chưa có bộ phận chuyên trách làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Một số địa phương có di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia chưa thành lập ban quản lý di tích ở cơ sở, với sự tham gia của lãnh đạo cấp xã và đại diện của đoàn thể địa phương, do đó đã buông lỏng công tác quản lý, để cộng dồng hoặc người trụ trì trực tiếp đứng ra trông nom di tích, dễ dẫn đến việc tu bổ tùy tiện, sai quy định, để mất cắp cổ vật. Nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng tranh chấp nguồn thu giữa ban quản lý di tích với chính quyền địa phương và người trông nom di tích như nhà sư, ông từ… nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý. Tình trạng “loạn” mô hình quản lý đã dẫn đến những bất cập và xảy ra nhiều sai phạm về quản lý, bảo tồn di tích.


Phương Hà