05:06 14/05/2015

Loạn biển tốc độ trên quốc lộ

Việc cắm biển hạn chế tốc độ tối đa thiếu quy chuẩn trên nhiều tuyến đường đang gây bức xúc cho lái xe trong việc tuân thủ.

Việc cắm biển hạn chế tốc độ tối đa thiếu quy chuẩn trên nhiều tuyến đường đang gây bức xúc cho lái xe trong việc tuân thủ và cần được điều chỉnh sớm, hợp lý để đảm bảo đúng tốc độ thiết kế của các tuyến đường, cũng như xử phạt công bằng.

Nhiều biển báo quy định tốc độ tối đa như trong ảnh đang gây ức chế cho lái xe trên các tuyến đường. Ảnh: Bộ GTVT.


Trầm bổng trên những tuyến đường


Anh Nguyễn Đức Bình (Hà Nội) đang “lướt nhanh” vào đầu tuyến quốc lộ (QL)1 Hà Nội - Lạng Sơn bằng chiếc xe đời mới Audi A4. Nhưng khi bắt đầu vào tuyến đã phải chạy với tốc độ “rùa” vì phải tuân thủ tốc độ tối đa 50 km/giờ. Chạy khoảng 500 m, xe mới được tăng tốc cho phép 80 km/giờ. Cả tuyến đường, chiếc xe liên tục chạy với tốc độ “trầm bổng” của biển báo tốc độ tối đa. Anh Bình bức xúc: Tuyến đường đẹp như vậy, mà lái xe cứ vừa chạy lại vừa phải quan sát biển báo, rất ức chế trong quá trình lái và dễ bị cảnh sát giao thông dừng xe.

Lâu nay, biển báo tốc độ bất hợp lý trên nhiều tuyến đường vẫn đang làm khó lái xe, khiến không ít lái xe vừa chạy vừa lo “dòm” biển báo để tránh bị phạt. Theo phản ánh, nhiều biển báo không phù hợp với thiết kế đường, bởi không ít tuyến đường to đẹp mới hoàn thành có tầm quan sát tốt, đủ tiêu chuẩn an toàn, nhưng tốc độ lưu thông lại bị hạn chế. Thậm chí, câu chuyện “thế giới có những cung đường nguy hiểm nhất, thử thách nhất đối với tay lái, còn Việt Nam có những cung đường gây ức chế nhất…” đã trở thành chuyện phiếm truyền miệng trên đường. Thực tế trên thế giới, nhiều nước chỉ cắm biển tốc độ tối đa chung cho một tuyến đường, chứ không “trầm bổng” như ở nước ta. 

Đặc biệt, Thông tư 13/2009/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy khi  tham gia giao thông đường bộ của Bộ GTVT cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, theo Thông tư này, trên đường quốc lộ, quy định nhiều loại xe đi cùng một làn đường, nhưng lại có giới hạn tốc độ tối đa cho mỗi loại xe khác nhau.

Thông thường trên quốc lộ có hai làn đường. Làn ngoài dành cho ô tô, làn trong dành cho xe máy và xe thô sơ. Tuy nhiên, trên làn dành cho ô tô lại quy định nhiều loại tốc độ khác nhau. Trong nội thị, ô tô con và xe khách dưới 30 chỗ chạy tối đa 50 km/giờ,  trong khi xe tải trên 3.500 kg và container là 40 km/giờ. Hết nội thị, tốc độ tối đa của xe con và xe khách dưới 30 chỗ là 80 km/giờ và container là 50 - 60 km/giờ. Trong thực tế, việc quy định này đang dẫn tới những nghịch lý chồng chéo về quy định tốc độ tối đa nhiều tuyến đường ở nước ta. Vì nếu theo quy định, sẽ có trường hợp xe con buộc chạy cùng tốc độ với container. Xe đi 80 km/giờ phải đi cùng làn với xe chỉ được phép đi 50 km/giờ... Trong nhiều trường hợp việc tăng giảm tốc độ như vậy đã dẫn đến nhưng vụ tai nạn không đáng có.

Sẽ điều chỉnh phù hợp

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT) cho biết: Hiện nay, việc cắm biển hạn chế tốc độ khá tràn lan trên cả đường cũ và mới được xây dựng, nâng cấp. Đối với biển báo đã cắm trên các đường đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ với tâm lý ngại trách nhiệm, chưa cương quyết rà soát, loại bỏ các biển báo không hợp lý do đơn vị thi công cắm phục vụ thi công. Một số địa phương còn kiến nghị theo hướng gia tăng biển hạn chế tốc độ để đạt chỉ tiêu giảm tai nạn, mà không cần biết nguyên nhân thực sự của các vụ tai nạn là gì.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ dỡ bỏ tất cả các biển hạn chế tốc độ 30 km/giờ, 40 km/giờ gây ức chế cho lái xe; thay vào đó là các biển cảnh báo: Đường hẹp, có đá lở, giao nhau với đường ngang, đường gấp khúc bên phải, đường gấp khúc bên trái, đường gấp khúc liên tục... để cảnh báo lái xe”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định: Thực tế, trên nhiều tuyến đường cao tốc hiện nay có những đoạn đường thẳng, yếu tố hình học đạt độ nhám bảo đảm, đáng lẽ chạy được tốc độ tối đa 120 km/giờ, nhưng lại cắm biển 80 km/giờ đã gây bức xúc cho nhiều lái xe và cần được điều chỉnh hợp lý. Điều này sẽ sớm được Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan điều chỉnh phù hợp.

Trước mắt, Thông tư 13 đang khiến các cơ quan quản lý đường bộ lúng túng vì không biết cắm biển ghi tốc độ bao nhiêu vì họ không tìm ra giá trị đó. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu để sửa quy định về tốc độ tại Thông tư 13 theo hướng khách quan để giải quyết những tồn tại, bất cập, làm sao vừa phải kết hợp giữa an toàn và năng lực khai thác. Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở để thẩm tra an toàn giao thông, thiết kế, thi công các tuyến đường trước khi đưa vào khai thác, hạn chế cắm biển tốc độ tràn lan như hiện nay...


Tiến Hiếu