10:08 24/10/2014

Loại bỏ dần nhà thầu yếu kém

Lựa chọn được nhà thầu đủ kinh nghiệm, năng lực là yếu tố sống còn bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình giao thông. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất thêm nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng các nhà thầu yếu kém nhưng vẫn trúng thầu và tham gia các dự án giao thông.

Lựa chọn được nhà thầu đủ kinh nghiệm, năng lực là yếu tố sống còn bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình giao thông. Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất thêm nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa tình trạng các nhà thầu yếu kém nhưng vẫn trúng thầu và tham gia các dự án giao thông.

QUẢN LÝ NHÀ THẦU CÒN NHIỀU KẼ HỞ


Việc quản lý nhà thầu còn nhiều kẽ hở là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, chất lượng kém.


Năng lực nhà thầu hạn chế

Tham gia đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra dự án nâng cấp cửa sông Ninh Cơ (Cửa Lạch Giang- Nam Định) thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu thay ngay nhà thầu thi công để công trình này chậm tiến độ. Theo Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc Lê Huy Thăng, tất cả các gói thầu của dự án này đều đang chậm tiến độ. Thậm chí, nhiều hạng mục mới đạt khối lượng 16- 24%.

Bộ trưởng Đinh La Thăng sau khi kiểm tra nhà thầu Liên danh Hacoin - Công ty Cơ khí Phương Nam đã phát hiện ra, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu này chưa hề có kinh nghiệm thi công công trình đường thủy nên năng lực không đáp ứng yêu cầu. Do đó, Bộ trưởng đã yêu cầu phải chấm dứt ngay hợp đồng với nhà thầu này và thay thế nhà thầu khác đủ năng lực. Tình trạng phải thay nhà thầu đã diễn ra đối với nhiều công trình giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng còn dẫn chứng, như dự án đê chắn sóng ở Dung Quất (Quảng Ngãi) trước đây do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô không làm nổi đã phải thay ngay nhà thầu Hà Lan mới đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thị sát công trình nâng cấp cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang - Nam Định).


Bộ GTVT cũng đã áp các biện pháp khác như phạt tiền, cấm đấu thầu với nhiều nhà thầu yếu kém khác. Mới đây, hai nhà thầu thi công dự án Đường nối thị xã Vị Thanh - TP Cần Thơ (đoạn qua tỉnh Hậu Giang), có tổng mức đầu tư lên tới gần 3.000 tỷ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ cũng vừa bị Bộ GTVT ra quyết định phạt tiền và bị cấm đấu thầu các dự án khác do không hoàn thành nhiệm vụ. Theo kết quả kiểm định độc lập của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ sau một thời gian rất ngắn đưa vào khai thác, dự án này đã có tới 3/8 gói thầu xây lắp chính bị hư hỏng nặng, mặt đường rạn nứt, bong tróc, cốt liệu lộ nhiều trên mặt…

Vì sao các nhà thầu yếu kém vẫn trúng thầu nhiều công trình giao thông? Trả lời câu hỏi này, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, bên cạnh lỗi đương nhiên của chủ đầu tư, nhà thầu được đề cập trong hợp đồng, thì đơn vị tư vấn giám sát dự án này cũng phải chịu trách nhiệm lớn do năng lực yếu kém, không phát hiện kịp thời những sai sót trong quá trình thi công để khắc phục ngay tại hiện trường.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, hàng loạt nhà thầu thi công các công trình giao thông đã bị cấm đấu thầu, không được xem xét chỉ định thầu. Đáng chú ý, trong danh sách “đen” này có cả những “tên tuổi” như: Công ty COMA 3, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội số 44, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin, Công ty TNHH Xây dựng giao thông Hoàng Mai, Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng thương mại Mekong miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng công trình 747…

Lý giải việc hàng loạt đơn vị bị cấm đấu thầu này, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng: Các đơn vị trên năng lực đều có hạn, không xuất trình được đầy đủ các giấy tờ, thủ tục thanh tra yêu cầu. Các công trình do các nhà thầu này thi công không bảo đảm tiến độ hoặc không có trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, ban chỉ huy công trường của các công ty trên không có tên như trong hồ sơ dự thầu, chưa có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư, thiếu bản kê năng lực kinh nghiệm... Vì vậy, “lệnh cấm” đầu thầu các dự án khác đối với các đơn vị này sẽ có hiệu lực ngay.

Chú trọng xếp hạng năng lực nhà thầu

Để tránh tình trạng lọt lưới các nhà thầu yếu kém như thời gian vừa qua, mới đây, Bộ GTVT đã công bố công khai bảng xếp hạng năng lực nhà thầu. Thanh tra Bộ GTVT khẳng định: Danh sách các nhà thầu không đủ năng lực, bị cấm đấu thầu và không xem xét chỉ định thầu sẽ được cập nhật 6 tháng một lần và công khai trên website của Bộ GTVT, làm cơ sở đánh giá năng lực các nhà thầu, loại bỏ các nhà thầu yếu kém, từ đó nâng cao chất lượng, tiến độ các công trình giao thông.

Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo quy định xếp hạng năng lực nhà thầu xây lắp. Khi triển khai vào thực tế, việc xếp hạng này sẽ tạo ra sự minh bạch và phân loại triệt để, tránh tình trạng xin - cho tại các dự án giao thông.

Theo Quyết định 837/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, có tổng số hơn 350 nhà thầu tham gia đánh giá kết quả thực hiện các dự án. Bộ GTVT đánh giá các nhà thầu theo 4 mức độ là: Xây lắp đáp ứng vượt yêu cầu, đáp ứng yêu cầu, trung bình và chưa đáp ứng yêu cầu. Tiêu chí xếp loại các nhà thầu dựa trên các nội dung về khả năng huy động nhân sự, thiết bị, khả năng đáp ứng tiến độ tổng thể và chi tiết, đáp ứng chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ của gói thầu và khả năng giải quyết các thủ tục thanh, quyết toán, thực hiện bảo hành công trình.

Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu:

Cần thiết siết chặt quản lý nhà thầu

Để loại bỏ các nhà thầu yếu kém, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, việc Bộ GTVT siết chặt quản lý nhà thầu là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Bộ cũng nên phân chia rõ ràng các mức độ khác nhau. Với các vi phạm nặng như: Bớt xén, chất lượng công trình kém, năng lực nhà thầu yếu… thì phải cấm tiệt, không cho phép đấu thầu. Còn với những lỗi nhẹ hơn về kỹ thuật, không cố ý có thể xem xét trừ điểm, đánh tụt hạng khi xếp hạng năng lực nhà thầu hàng năm. 


Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Tranconsin Phạm Văn Khôi:

Loại trừ cơ chế xin - cho tại các dự án giao thông

Việc đánh giá xếp loại năng lực nhà thầu dựa trên các tiêu chí toàn diện về năng lực tài chính, thi công và theo từng nhóm trên mới chỉ tránh được tình trạng lộn xộn, loại trừ được cơ chế xin - cho các dự án giao thông. Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng nhà thầu yếu nhưng cố xin dự án để thi công. 


Tổng giám đốc CIENCO4 Lê Ngọc Hoa:

Bảo đảm cạnh tranh công bằng

Nhà thầu có năng lực chỉ mong muốn các tiêu chí xếp hạng năng lực phải sát với thực tế, phản ánh đúng năng lực, giá trị thương hiệu để doanh nghiệp có động lực làm tốt hơn và bảo đảm cạnh tranh công bằng. Hơn nữa, khi đã đánh giá, xếp loại phải áp dụng triệt để vào thực tế. Kết quả đánh giá phải được xem xét tính điểm để đánh giá năng lực khi chấm thầu các dự án giao thông. Nếu làm được điều này sẽ khiến môi trường đầu tư xây dựng giao thông trở nên minh bạch và loại bỏ được tiêu cực.


SẼ KHÔNG CÒN "CỬA" BỎ THẦU GIÁ THẤP


Xung quanh vấn đề nhiều nhà thầu không đủ thực lực và tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá thấp để có công trình, gây bức xúc dư luận nhiều năm qua tại các dự án giao thông, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức để làm rõ vấn đề này.


Thực tế thời gian qua có tình trạng nhiều nhà thầu ra sức tìm cách bỏ giá thầu thấp để thắng thầu có công trình, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không đủ năng lực, dẫn đến chậm tiến độ, chất lượng công trình không bảo đảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Thực tế này xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của không ít chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Tình trạng này đã tạo kẽ hở cho nhiều nhà thầu dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật, tài chính, nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu, trúng thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác. Cùng với việc áp dụng Luật Đấu thầu mới và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 vào thực tế, Bộ GTVT đang thực hiện quyết liệt việc công khai danh sách nhà thầu kém sẽ xử lý triệt để tình trạng này. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật của các nhà thầu sẽ được ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu, sau đó mới xét đến các tiêu chuẩn về tài chính. Điều này được cho là thay đổi bước ngoặt, nhằm khắc phục tình trạng trên.


Vậy quy trình đánh giá các tiêu chuẩn trên sẽ thực hiện ra sao và làm thế nào để chọn được nhà thầu có kỹ thuật, công nghệ nhưng giá trúng thầu lại rẻ nhất, thưa ông?

Quy trình này được tiến hành theo hai bước. Hồ sơ đề xuất về mặt kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu để đánh giá, sau đó mới xem xét hồ sơ về tài chính của tất cả các nhà thầu. Vì vậy, chỉ những nhà thầu nào đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật mới tiếp tục được tham gia đấu thầu và cạnh tranh nhau về mặt tài chính (giá thầu). Trước đây, tại các dự án giao thông thường bị chi phối bởi quy định nhà thầu nào có giá thấp hơn thì trúng thầu. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng khi tổ chức đấu thầu dù biết các nhà thầu có năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng không dám loại bỏ để chọn nhà thầu giá cao hơn nhưng đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là kẽ hở khiến cho việc lựa chọn nhà thầu gặp nhiều bất cập.

Vậy làm thế nào để cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu, thưa ông?

Luật Đấu thầu mới và Nghị định 63/CP cũng quy định rõ vấn đề này. Trong đó, có quy định, doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ từ 30% trở lên sẽ không được tham gia đấu thầu các dự án do bộ đó làm chủ đầu tư. Điều này càng cho thấy, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT hiện nay là đúng đắn, vì sẽ thể hiện rõ năng lực hoạt động cũng như cạnh tranh trên thị trường xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, so với Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu mới còn bổ sung thêm nhiều nội dung từ các quy định đến phạm vi, đối tượng chịu sự điều chỉnh đấu thầu như: Tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu, chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu, vấn đề quản lý sau đấu thầu…

Tới đây, Bộ GTVT sẽ công khai danh sách các nhà thầu đủ năng lực theo tiêu chuẩn từ trên xuống. Vậy, danh sách này có ảnh hưởng đến việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tại các dự án giao thông không, thưa ông?


Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo quy định xếp hạng toàn diện năng lực nhà thầu. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực sẽ là cơ sở để Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giao thông tham khảo trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, kết quả xếp hạng năng lực là cơ sở để nhà thầu đưa ra những biện pháp kịp thời điều chỉnh, khắc phục thiếu sót, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các dự án giao thông. Việc đánh giá và xếp hạng năng lực nhà thầu cũng sẽ hướng tới cả các nhà thầu nước ngoài tham gia với tư cách độc lập hoặc liên doanh trong các dự án giao thông.

Thêm vào đó, việc đánh giá năng lực nhà thầu dựa vào các tiêu chí và được tính điểm để phân loại. Các nhà thầu sẽ được phân nhóm dựa trên 2 tiêu chí về năng lực thi công trong thời gian 5 năm liên tiếp, gần nhất với tư cách là nhà thầu chính, độc lập hoặc thành viên liên danh và doanh thu trung bình trong 3 năm liên tiếp. Từ việc phân loại này sẽ hình thành các nhóm nhà thầu như: Nhóm có năng lực thực hiện dự án từ 1.000 tỷ đồng trở lên (nhóm năng lực); nhóm từ 500 - 1.000 tỷ đồng và các nhóm tiếp sau…

Xin cảm ơn ông!



Tiến Hiếu