02:10 24/02/2011

Lo thiếu điện cho sản xuất

Xung quanh quyết định tăng giá điện, phóng viên TTXVN đã có những cuộc trao đổi với đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng như thép, than, phân bón, dệt may.

Xung quanh quyết định tăng giá điện, phóng viên TTXVN đã có những cuộc trao đổi với đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng như thép, than, phân bón, dệt may. Điều các doanh nghiệp lo nhất hiện nay là thiếu điện cho sản xuất chứ không phải là tăng giá điện.

Sợ thiếu hơn tăng giá

“Việc tăng giá điện theo lộ trình không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất thép và giá thành thép. Doanh nghiệp sản xuất thép sợ thiếu điện hơn sợ tăng giá điện” - ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã khẳng định như vậy.

Công nhân Điện lực Đắk Lắk lắp đặt công tơ cho các hộ dân là đồng bào dân tộc làng D Hung, xã Ea Mroh, huyện Cư M’gar. Ảnh: Ngọc Hà –TTXVN


Hiện giá thép xuất xưởng khoảng 16,5 triệu đồng/tấn; trong đó, điện chiếm 5,5% trong cơ cấu giá thành luyện phôi thép và chỉ chiếm 1,5% trong giá thành cán nguội, gia công thép và mạ. Vì vậy, so với các tác động lớn hơn nhiều như tỷ giá, lãi suất và giá nguyên liệu đầu vào khác, mức giá điện bình quân tăng 15,28% trong năm nay không ảnh hưởng nhiều đến giá thành thép.

Theo quan điểm của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành điện cũng là ngành sản xuất kinh doanh, nếu cứ kéo dài tình trạng bù lỗ giá điện thì ngành điện sẽ không thể đảm bảo cung ứng điện đủ cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội. Trong khi đó, với vai trò là ngành công nghiệp huyết mạch của nền kinh tế, nếu ngành điện không phát triển được thì các ngành công nghiệp khác cũng sẽ khó phát triển. “Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sớm thực hiện lộ trình đưa các giá nhiên liệu đầu vào như than, điện theo thị trường để giá thành sản phẩm hàng hóa phản ánh đúng chi phí và sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp lãi ảo và lỗ ảo như hiện nay”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết: Việc giá điện được tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào sẽ mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, nhất là trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Với ngành thép, việc tính đúng tính đủ giá điện sẽ giúp tự tiêu công nghệ sản xuất thép lạc hậu và chỉ cho phép tồn tại những công nghệ tiên tiến tiết kiệm nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, trong số 32 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép là thành viên của Hiệp hội, chỉ có 4 doanh nghiệp là có công nghệ sản xuất thép tiên tiến, 10 doanh nghiệp có cải tiến công nghệ trên nền công nghệ cũ, số doanh nghiệp này chiếm khoảng 50% công suất thép của toàn quốc; còn lại là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ và lạc hậu.

Theo tính toán, với sản lượng thép các loại khoảng 9 triệu tấn/năm; trong đó luyện phôi chiếm 4 triệu tấn/năm, lượng điện năng tiêu thụ trong luyện phôi (600 kWh/tấn) tốn gấp 4-5 lần so với gia công thép (100-120 kWh/tấn).

Khuyến khích tiết kiệm điện

Ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng Ban Kế hoạch và Kiểm soát chi phí - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, việc tăng giá điện lần này chắc chắn sẽ làm tăng giá thành sản xuất của TKV. Tuy nhiên, tăng giá bán điện là cần thiết. Khi giá điện được điều chỉnh dần để nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện giá năng lượng theo cơ chế thị trường, sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành điện.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, với suất tiêu thụ điện khoảng 15 kWh/tấn than, khi giá điện tăng thêm 15,28% như Chính phủ đã phê duyệt thì tổng giá thành than năm 2011 sẽ tăng khoảng 100 tỷ đồng, tương đương làm tăng 2.300 đồng/tấn than, bằng 0,25% giá thành than. Đối với sản xuất khoáng sản, các nhà máy luyện kim của TKV thì mức độ ảnh hưởng cao hơn. Hiện nay, giá bán than cho điện chỉ bằng 63-68% giá thành tùy theo từng chủng loại than. Với sản lượng than bán cho các nhà máy điện khoảng 11 triệu tấn, thì giá than bán cho điện còn thấp hơn giá thành khoảng 3.500 tỷ đồng. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giá điện và giá than cho sản xuất điện để từng bước thực hiện giá năng lượng theo cơ chế thị trường.

“Để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện năng trong sản xuất và khai thác than như áp dụng biến tần, khởi động mềm, đầu tư hệ thống giám sát điện năng tự động, đặc biệt việc đầu tư cải tạo hệ thống điều khiển máy xúc EKG giúp tiết kiệm điện năng cao... Khi giá điện tăng, TKV sẽ tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh và áp dụng triệt để hơn nữa các biện pháp tiết kiệm điện”, ông Biên khẳng định.

Nâng cao sức cạnh tranh

Theo Trưởng Ban Kế hoạch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Bùi Thế Chuyên, về tổng thể, việc giá điện và giá các loại nhiên liệu đầu vào khác dần tiếp cận giá thị trường là cần thiết để ngành điện hoạt động hiệu quả, có nguồn tài chính đầu tư các nguồn điện mới, cung cấp đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá nhiên liệu đầu vào như điện, than, xăng dầu cần theo lộ trình, tránh gây cú sốc với các ngành sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu trong diện bình ổn giá của Chính phủ như phân bón.

Do cả một thời gian dài, các doanh nghiệp nhà nước vốn hạch toán sản xuất trên cơ sở giá nguyên nhiên liệu đầu vào được bao cấp nên chưa có sự chuẩn bị tốt để đối mặt với mức tăng giá điện lớn nhất từ trước đến nay. Do vậy, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước sẽ bị giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Vinachem cho rằng, với việc tăng giá điện lần này, các ngành sản xuất phân đạm, DAP, supe lân, NPK sẽ ít bị tác động hơn do các doanh nghiệp này thường tự sản xuất được điện phục vụ sản xuất. Trong khi đó, sản xuất phân lân sẽ bị tác động mạnh bởi với định mức 48 kWh/tấn lân nung chảy và với sản lượng kế hoạch 545.000 tấn lân cho năm 2011, chi phí sản xuất lân sẽ bị đội lên khá cao.

Đặc biệt, với ngành sản xuất quặng apatit-nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất phân bón và hóa chất cơ bản, khi giá điện bình quân tăng thêm 15,28%, chi phí sản xuất quặng tuyển sẽ tăng mạnh nhất bởi định mức tiêu hao lên tới 110 kWh/tấn quặng tuyển trong khi kế hoạch năm 2011 sản xuất 800.000 tấn quặng. Theo Giám đốc Công ty Apatit Việt Nam Bùi Văn Việt, với giá điện chiếm 9% trong cơ cấu giá thành sản xuất quặng apatit, việc tăng giá điện lần này sẽ làm chi phí sản xuất quặng apatit tăng thêm 17,5 tỷ đồng. Sau khi giá điện tăng, Công ty Apatit sẽ phải tăng giá bán apatit với các hộ tiêu thụ với mức tăng khoảng 7%.

Tăng thêm giá trị gia tăng

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, việc tăng 15,28% giá điện tất nhiên phải ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt thời gian này, ngành dệt may đang phải cạnh tranh về giá xuất khẩu, trong khi giá đầu ra không tăng mà giá đầu vào lại tăng như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm dệt may.

“Hiện Vitas kêu gọi doanh nghiệp dệt may tìm biện pháp cắt giảm chi phí, cố gắng không làm thêm giờ để giảm tiền điện, nhưng bài toán này cũng không phải đơn giản bởi trong ngành hiện vẫn phải áp dụng những chính sách xã hội vì khách hàng cũng chỉ tập trung đặt hàng đối với doanh nghiệp làm tốt chính sách xã hội”, bà Dung nói.

Theo bà Đặng Phương Dung, các doanh nghiệp dệt may muốn tồn tại phải tìm giải pháp cạnh tranh, không làm những đơn hàng giá rẻ, cố gắng tìm các hợp đồng có giá trị cao để tăng thêm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ phát triển đội ngũ sáng tác mẫu để bán được các đơn hàng trọn gói giúp tăng thêm nguồn thu cho doanh nghiệp.

lCòn với các hộ gia đình, việc tăng giá điện cũng có ảnh hưởng nhiều ít khác nhau. Nhưng tâm lý chung là nâng cao ý thức tiết kiệm điện.

Ông Nguyễn Quang Hiểu, ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội), cho biết, tiền điện bình quân hàng tháng của gia đình ông là 150.000 đồng/tháng. Với mức tăng bình quân giá điện là 15,28%, hàng tháng, gia đình ông phải đóng thêm 23.000 đồng, mức tăng là không đáng kể. Chị Lê Thị Hoan ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết sẽ tiết kiệm tối đa thiết bị sử dụng điện trong gia đình. Hàng tháng, tiền điện gia đình chi trả trung bình khoảng 300.000 đồng/tháng. Như vậy, với mức tăng giá điện hiện nay, mỗi tháng, gia đình chị Hoan đóng thêm khoảng 45.000 đồng.

Nhóm PV