05:18 27/05/2014

Lo phát sinh nhiều hệ lụy từ mang thai hộ

Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào luật. Lý do là bởi quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy cho các bên liên quan.

Tại buổi thảo luận ở hội trường chiều 27/5 về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vào luật. Lý do là bởi quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy cho các bên liên quan.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất thống nhất bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh lợi dụng thương mại hóa.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong luật. Bởi việc quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, nhất là trẻ em sinh ra trong trường hợp này; các tranh chấp có thể xảy ra. “Quy định này liệu có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, vì để thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém, chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện mới có thể làm được”, bà Mai cho biết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Cao Thị Xuân phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nhưng muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ. Ở nước ta hiện có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định thì một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm; tranh chấp có thể phát sinh, dễ xảy ra tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, theo ông Phương, luật cần bổ sung thêm quy định: Người mang thai hộ phải chứng minh được điều kiện tài chính của mình trong quá trình mang thai và sinh con; Phải có chế tài xử lý đối với những trường hợp trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai hộ.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Khúc Thị Duyên (Thái Bình) cho rằng, hiện cả nước có khoảng 700.000 cặp vợ chồng khó sinh con. Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đưa vào luật sẽ đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, theo đại biểu
Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dù đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng vô sinh; nhưng lại ẩn chứa hậu quả khôn lường vì mang thai hộ ẩn chứa tính chất thương mại, gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở xử lý. Thực tế, việc thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém nên chỉ có những gia đình giàu có mới có thể thực hiện được.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ xem có nên đưa quy định mang thai hộ vào luật lần này hay tạm thời gác lại. Theo bà Hạnh, cần có công tác chuẩn bị trước khi đưa vào luật vì quy định này khó hình dung, xa lạ với người dân. Hơn nữa, việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ rất tốn kém, chỉ dành cho người giàu có trong xã hội. “Dự thảo mới đặt dưới góc độ ý muốn của các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống nhưng lại làm nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết. Người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ. Trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế. Trẻ không thể gọi người cưu mang mình trong quá trình thai kỳ là người mang thai hộ, mà phải gọi là mẹ. Như vậy, trong hồ sơ pháp lý pháp nhân, phần khai về mẹ, ngoài việc phân biệt mẹ ruột, mẹ nuôi còn có mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử lý”, bà Hạnh phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cũng không đồng ý đưa quy định này vào luật. Theo ông Niễn, tính bức xúc của vấn đề chưa rõ. “Đây có phải là vấn đề bức xúc của những người vô sinh hay không, chưa có thể khẳng định được. Có bao nhiêu phần trăm trong số 8% số người vô sinh, hiếm muộn có nhu cầu cần người mang thai hộ? Có bao nhiêu người chồng đồng ý ký vào đơn để vợ mình mang thai hộ? Có bao nhiều người phụ nữ đã có chồng, sinh con sẽ mang thai hộ? Đã có những đánh giá về tôn giáo, xã hội, pháp luật hay chưa? Những câu hỏi này chưa có câu trả lời thỏa đáng”, ông Niễn cho biết.


Cần tách riêng thành luật mang thai hộ

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, cần tách riêng quy định mang thai hộ thành luật mang thai hộ để nghiên cứu kỹ hơn về tính thực tiễn của luật. Quốc hội nên khuyến khích các đại biểu, đặc biệt là đại biểu của các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xây dựng luật này. Bởi các thành phố lớn có số đối tượng lớn, có cơ sở vật chất đầy đủ, có thể mang tính đại diện cho cả nước về vấn đề này.


Huyền Tím