09:08 30/09/2011

Lỗ hổng

Sau ca tử vong đầu tiên do bệnh tay – chân – miệng tại Hà Nội ngày 20/9 vừa qua, nhiều gia đình có con nhỏ ở các tỉnh phía bắc, nhất là ở Hà Nội rất lo lắng.

1. Sau ca tử vong đầu tiên do bệnh tay – chân – miệng tại Hà Nội ngày 20/9 vừa qua, nhiều gia đình có con nhỏ ở các tỉnh phía bắc, nhất là ở Hà Nội rất lo lắng. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí đã hoảng hốt trước bất cứ biểu hiện bất thường nào của trẻ và phản ứng đầu tiên là đưa ngay trẻ đến bệnh viện khiến cho Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. Điều đáng nói ở đây là trong gần 5.000 cháu bé đến khám chỉ có 3 trường hợp phải nhập viện.

2.Theo bác sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay – chân – miệng do virút đường ruột gây ra (thường gặp là nhóm A16 và EV71), lây từ người sang người nên rất dễ gây thành dịch. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhi đều ổn định và tự khỏi sau 3 - 5 ngày mắc bệnh; chỉ một số trẻ nhiễm EV71, không đáp ứng miễn dịch tốt mới có thể gây biến chứng nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bởi vậy, khi nghi trẻ mắc bệnh, không nhất thiết phải đưa trẻ tới cơ sở y tế tuyến cao nhất mà hoàn toàn có thể thực hiện được ở tuyến cơ sở.
Ấy thế nhưng, thực tế cho thấy hầu hết các bà mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện nghi vấn đều đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trung ương.

3.Của đau con xót. Quan tâm, lo lắng đến sức khỏe của người thân, đặc biệt đối với trẻ nhỏ là điều tất nhiên. Tuy nhiên lo lắng đến mức thái quá, chỉ thấy vài nốt đỏ hay những biểu hiện nhỏ đã vội đưa trẻ đến bệnh viện, thậm chí đến bệnh viện tuyến cao nhất là điều không nên. Ngoài việc gây áp lực cho bệnh viện vốn đã luôn trong tình trạng quá tải kinh niên thì còn gây nguy hại cho chính các cháu là dễ bị lây chéo bệnh tại chính bệnh viện.

4.Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc các bậc phụ huynh lo lắng thái quá dẫn đến sự quá tải của bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm cho chính con em mình ngoài nguyên nhân do thiếu hiểu biết về bệnh tay – chân – miệng còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền và đoàn thể ở cơ sở. Nếu không có tư tưởng phó mặc cho ngành y tế mà chính quyền và tổ chức đoàn thể cơ sở, đặc biệt là Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về bệnh tay – chân – miệng… thì công tác phòng chống bệnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều mà lại không tạo áp lực quá tải trầm trọng cho bệnh viện tuyến trên như hiện nay.

5. Qua chuyện này một lần nữa cũng lại bộc lộ lỗ hổng ở tuyến y tế cơ sở. Nếu hệ thống y tế cơ sở đủ mạnh, đủ chất lượng, đủ tín nhiệm… thì đã không có cảnh mới “hắt hơi sổ mũi” là người dân đã lao lên bệnh viện tuyến trên.

Thế mới biết, giảm tải không nhất thiết là cứ phải mở rộng các bệnh viện tuyến trên mà điều quan trọng là phải tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở; trong đó có việc thiết lập cơ chế phù hợp là quản lý hệ thống y tế theo ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Tuệ Duyên