05:14 17/05/2014

Linh động, hiệu quả trong tổ chức ôn thi tốt nghiệp

Việc được lựa chọn môn thi tốt nghiệp đã tạo ra nhiều thuận lợi cho học sinh trong cả hai kỳ thi: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học, cao đẳng.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thí sinh chỉ thi tốt nghiệp 4 môn, thay vì 6 môn như các năm trước. Nghĩa là, ngoài 2 môn thi bắt buộc là văn, toán, các thí sinh có thể tự chọn 2 trong 6 môn học gồm: ngoại ngữ, vật lý, hóa học, địa lý, lịch sử và sinh học. Đây được xem là một thay đổi lớn, nhằm giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp. Thực tế, việc được lựa chọn môn thi tốt nghiệp đã tạo ra nhiều thuận lợi cho học sinh trong cả hai kỳ thi: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học, cao đẳng.

Học sinh được ôn tập đúng theo yêu cầu


Theo giáo viên của các trường trung học phổ thông, với 4 môn thi như vậy sẽ giảm áp lực ôn thi tốt nghiệp cho học sinh và học sinh sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp, bởi hầu hết các thí sinh đều chọn môn thi theo khối thi đại học. Hơn nữa, giáo viên sẽ dễ dàng xác định rõ những kiến thức mà các em còn yếu, từ đó ôn tập, bổ sung kiến thức cần thiết cho các em.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh), vì chỉ thi tốt nghiệp 4 môn nên các em không bị dàn trải trong việc ôn thi tốt nghiệp và thi đại học. Những năm trước, do không có môn thi tốt nghiệp trùng với môn thi đại học nên các em phải học rất nhiều. Bên cạnh đó lượng học sinh thi khối C không nhiều nên nhà trường không tổ chức ôn thi đại học cho các em được, mà các em tự ôn là chính. Năm nay, nhà trường có thể vừa dạy kiến thức cơ bản để ôn thi tốt nghiệp vừa nâng kiến thức lên để ôn thi đại học cho các em. Theo đó, học sinh có thể lựa chọn môn thi theo khối thi đại học để tập trung ôn thi theo nhóm môn thi phù hợp với yêu cầu của mỗi em.

Áp lực ôn thi đã được giảm nhiều.


Thầy Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông tư thục Hồng Đức (quận Bình Thạnh) cho biết: Để tiện cho việc ôn tập của các em, nhà trường dựa trên môn đăng ký dự thi tự chọn của các em để tổ chức lớp, phân bố thời khóa biểu hợp lý. Theo đó, những em có cùng môn thi tự chọn sẽ được chuyển vào một lớp để ôn tập. Việc ôn tập năm nay có vẻ nhẹ nhàng hơn vì hầu hết các em lựa chọn môn thi theo khối thi đại học.

Phương pháp sắp xếp, bố trí lại lớp học được áp dụng ở hầu hết các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Đa số các trường đều cho rằng đây là phương pháp tốt nhất để tổ chức ôn tập cho các em. Thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trường Chinh (quận 12) chia sẻ: Hai môn toán, ngữ văn, trường cho các em học theo biên chế lớp cũ, các môn còn lại sẽ tổ chức theo lớp mới với thời khóa biểu dựa trên nguyên tắc giáo viên lớp nào dạy lớp đó để đảm bảo thời lượng.

Vượt qua khó khăn

Bên cạnh những lợi ích mà quy chế thi đem lại, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của các trường đều gặp phải chính là việc chia tách lớp, tổ chức ôn tập cho các em; đồng thời khối lượng công việc của thầy cô giáo nhiều hơn, vất vả hơn so với những năm trước.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc cho hay: Mỗi trường phải có một sự linh động trong cách quản lý, tổ chức sắp xếp ôn thi cho học sinh chứ không phải trường nào cũng có một công thức như nhau. Về phía thầy cô giáo: Dạy một môn thôi nhưng thầy cô phải dạy nhiều lớp do trình độ của học sinh có khác nhau. Như môn sử, địa, chỉ có 25 em đăng ký thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải chia ra làm hai lớp là lớp thi tốt nghiệp và lớp thi đại học, với lượng kiến thức cung cấp khác nhau. Ở những môn khác như toán, lý, hóa do chất lượng học sinh không đồng đều cũng có thể chia thành hai lớp với những phương pháp khác nhau. Các em yếu hơn sẽ dạy kỹ hơn và thời gian học dài hơn, các em khá, giỏi chỉ cần giải những bài khó mà các em chưa giải được. Như vậy, thầy cô giáo sẽ vất vả hơn so với năm trước. Mặc dù vậy, các thầy, cô giáo đều rất vui vẻ, sẵn lòng giảng dạy cho học sinh, tất cả vì học sinh.

Thầy Phạm Thanh Tâm còn cho biết: Việc tách lớp ôn thi còn làm cho nhà trường tốn kém chi phí nhiều hơn. Chẳng hạn, đối với môn lịch sử chỉ có 3 học sinh đăng ký, nhưng nhà trường cũng phải tổ chức lớp ôn tập và phải trả thù lao cho giáo viên. Tuy nhiên, những khó khăn trên không đáng kể và có thể khắc phục được.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2013 - 2014, toàn thành phố có 93 Hội đồng thi với khoảng 65.000 thí sinh. Để kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chuyển về các trường. Theo thầy Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm nay công tác chuẩn bị có phần kỹ hơn so với mọi năm. Mọi tình huống có thể xảy ra đều được sở xem xét và có hướng giải quyết cụ thể. Hơn nữa, vì năm nay số giờ thi bị đổi, buổi chiều học sinh thi 2 ca nên sẽ không tránh khỏi trường hợp học sinh nhầm môn thi, nhầm giờ thi, nên sở đã yêu cầu các trường phải nhắc nhở phụ huynh và học sinh thật kỹ về thời gian thi của các em, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc.


Lan Phương