03:17 02/03/2015

Liệu 'Mùa xuân Arập' có xuất hiện ở Nga?-Kỳ cuối

Đã có gần 300 cuộc tuần hành của người dân nổ ra trong năm 2014, tuy nhiên không cuộc nào có quy mô toàn quốc. Những lời kêu gọi biểu tình chính trị thường nhận được sự thờ ơ của người dân Nga.

Theo trang mạng Viện nước Nga Hiện đại, cuộc tuần hành ngày 1/3 do các nhà lãnh đạo đối lập tại Nga tổ chức là nhằm mục đích phản đối cuộc chiến tranh ở Ukraine và bày tỏ sự thất vọng đối với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.  

Cuộc biểu tình được thiết kế để cho hàng nghìn người không đồng tình với các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin xuống đường tuần hành trên các đường phố ở Thủ đô Moskva và nhiều thành phố lớn khác của Nga. Sự kiện này nhằm làm sống lại phong trào biểu tình phản đối ông Putin từng diễn ra trong năm 2011-2012. Trong năm 2014 cũng đã có các cuộc biểu tình lẻ tẻ được tổ chức ở những khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nga, như cuộc tuyệt thực của nhân viên y tế ở Moskva, biểu tình của những người nắm giữ các tài sản thế chấp bằng ngoại tệ, biểu tình kêu gọi sự bảo tồn một công viên nằm trên phố Kostyushko ở St. Petersburg, biểu tình ủng hộ kênh truyền hình độc lập ở Tomsk… 

Đã có gần 300 cuộc tuần hành của người lao động trong năm 2014 nổ ra tại Nga, tuy nhiên không cuộc biểu tình nào có quy mô toàn quốc. Đây không phải là vấn đề người dân ở Nga sợ biểu tình. Những lời kêu gọi biểu tình chính trị thường nhận được sự thờ ơ của người dân Nga, vì hầu hết mọi người coi chế độ cầm quyền là hợp pháp (điều đáng chú ý ở đây là uy tín của ông Putin ngày càng tăng sau sự sáp nhập Crimea và một cuộc đối đầu quy mô lớn với phương Tây). Một trong những chỉ số chính của thực tế này là tỷ lệ ủng hộ ông Putin hiện nay đã tăng lên trên 85%. Sự ủng hộ cao của người dân đối với chính phủ đã khiến các hoạt động biểu tình giảm xuống ở mức thấp. Tuy nhiên, sự bất mãn xã hội và những lo lắng do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra đang tăng lên.

Nhìn lại lịch sử gần đây của Nga, rõ ràng là để một cuộc biểu tình trở thành quy mô lớn, đa số người dân phải thất vọng không chỉ trong vấn đề việc làm mà còn đối với cả lãnh đạo của đất nước. Các cuộc biểu tình năm 2005 và 2011 diễn ra sau khi giới cầm quyền đã mất đi sự ủng hộ của ít nhất 1/3 dân số. Vào giữa những năm 2000, chỉ sau một năm, tỉ lệ ủng hộ ông Putin đã giảm từ 86% xuống 65% (từ tháng 12/2003 đến tháng 1/2005). Giữa năm 2008 và vào tháng 12/2011, số người ủng hộ ông Putin đã giảm từ 88% xuống 63%. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, số liệu từ các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người dân ở Nga cảm thấy bất an, mất phương hướng và không chắc chắn về tương lai. Quan điểm này đã lan cả sang những người hâm mộ bóng đá bài ngoại, những người đã gây bạo loạn tại Quảng trường Manezh ở Moskva vào tháng 12/2010 và các thành viên tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa năm 2011-2012.

Vì vậy, khi tỷ lệ ủng hộ của một chính phủ cầm quyền rơi vào "vùng nguy hiểm": 60-65%, có nghĩa là một lượng khá lớn người dân cảm thấy thất vọng và những lời chỉ trích chế độ sẽ được hưởng ứng. Khi một bộ phận lớn người dân trong xã hội không hài lòng, bất kỳ một sự kiện nào cũng có thể gây ra bất đồng quan điểm công khai. Năm 2005, động lực cho các cuộc biểu tình ở Nga là việc giảm bớt các chế độ an sinh xã hội, bao gồm miễn phí giao thông công cộng cho người cao tuổi (một tình huống tương tự từng xảy ra ở Brazil hai năm trước đây). Năm 2011, phong trào phản đối bắt đầu với cuộc biểu tình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội. Kết quả là, Đảng nước Nga Thống nhất bị mất 2/3 số ghế trong quốc hội và, lần đầu tiên trong nhiều năm, sự thất vọng của giới trí thức về gian lận bầu cử lại nổi lên.

Những người tham gia cuộc tuần hành của những người "chống Maidan" phản đối cuộc biểu tình Kiev năm 2014. Ảnh: Reuters


Nhưng sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng các cuộc biểu tình trong năm 2011-2012 là kết quả từ những nỗ lực của phe đối lập chính trị và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự. Thay vào đó, đây là một phản ứng tự phát của một số ít trong xã hội Nga đối với sự lạm dụng quyền lực của một số quan chức trong chính phủ. Hầu hết những người tham gia biểu tình là những người đã xuống đường để thể hiện sự bất mãn với thực tế vô trách nhiệm và độc đoán của một bộ phận quan chức – chứ không phải để ủng hộ các nhà lãnh đạo và tổ chức đối lập. Sự xuất hiện của một số tổ chức dân sự đã giúp biến sự bất mãn thành cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng cơ sở hạ tầng dân sự đó đã cho thấy không thể huy động người biểu tình sau khi chính phủ tiến hành các biện pháp cụ thể và các làn sóng biểu tình bắt đầu lắng xuống. Mạng xã hội, có tầm quan trọng vốn được thường xuyên nhấn mạnh bởi các nhà hoạt động và các nhà nghiên cứu, có hiệu quả trong giai đoạn đầu của các cuộc biểu tình khi người ta đã được huy động, nhưng sau đó không hiệu quả.

Điều quan trọng cần phải nhấn mạnh ở đây là một phần dân số Nga tại thời điểm đó đã tham gia chỉ trích các nhà chức trách, không phải là họ tin vào các nhà tổ chức biểu tình và ủng hộ khẩu hiệu của họ, mà là vì các cuộc biểu tình trùng hợp với sự lo lắng phổ biến rộng rãi và không hài lòng với tình trạng hiện tại của các vấn đề trong cuộc sống và sự thất vọng trong chính phủ. Những người biểu tình tham gia không chỉ mong muốn "bày tỏ sự không hài lòng với kết quả cuộc bầu cử" (vào tháng 2/2012, chiếm 34%), mà còn vì sự "bất mãn chung với nhà nước về các vấn đề trong nước" (38%). 22% người Nga khác giải thích các cuộc biểu tình là một sự phản ứng đối với sự lạm dụng của một vài cơ quan công quyền. 

Nhưng có mọi lý do để tin rằng thái độ cùng tham gia các cuộc biểu tình của người dân Nga và các nhà hoạt động là khá ngẫu nhiên. Điều này giải thích lý do tại sao các cơ quan chức năng đã rất thành công trong việc tạo ra một ranh giới giữa đa số người dân trong nước và lực lượng thiểu số đối lập. 6 tháng sau khi các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra, hầu hết người dân trong nước không còn đồng ý với những cuộc biểu tình (do các nhà hoạt động tổ chức), nói rằng họ đã không hiểu được mục tiêu của mình. Sau đó, cả hai bên đã phủ nhận quan điểm của nhau. 

Có vẻ như nhiều nhà hoạt động đối lập đã kết luận sai rằng đa số những người dân đều có quyền lợi, giá trị, và quan điểm chính trị giống như họ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mối quan tâm lớn nhất của hầu hết người Nga là quyền lợi xã hội. Y tế, giáo dục và điều kiện làm việc là rất quan trọng đối với hơn 70% người dân Nga, trong khi tỷ lệ người ủng hộ hoặc tham gia vào đời sống chính trị và tự do hội họp chỉ chiếm 15-17%. Điều quan trọng là quyền pháp lý và xét xử công bằng cũng là một trong 5 quyền được mong muốn nhiều nhất ở Nga. Ngoài ra, sự tự do ngôn luận, quyền được thông tin, và thậm chí cả các quyền tự do lập hội cũng quan trọng đối với dân chúng nói chung.

Mặc dù các khẩu hiệu chính trị của phe đối lập là "Tự do cho các tù nhân chính trị", "Tự do hội họp hòa bình", nhưng các giá trị dân chủ trong chính họ chỉ là một phân khúc nhỏ trong tổng thể lợi ích quốc gia lớn lớn. Những kinh nghiệm của phong trào phản đối giai đoạn 2011-2012 tại Nga đã cho thấy rằng những lợi ích phù hợp của các nhóm nhỏ có thể nhận được sự thừa nhận của công chúng, nhưng phải nằm trong một chương trình nghị sự xã hội rộng lớn hơn. Nếu những lợi ích như vậy nằm ngoài cái chung sẽ không có khả năng thu hút được sự ủng hộ của công chúng.


Công Thuận (Tổng hợp)