04:06 14/04/2015

Liệu bà Hillary có vượt qua 'rào cản lớn nhất trong sự nghiệp'?

Quanh khu vực văn phòng tranh cử của bà Clinton ở Brooklyn xuất hiện nhiều tấm áp phích in hình khuôn mặt bà với nhiều nếp nhăn bị cường điệu hóa và khẩu hiệu: Tham vọng, Tính toán, Giả dối và Giấu giếm.

Ngày 12/4, bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ một lần nữa nỗ lực vượt qua điều mà bà gọi là "rào cản cao nhất và khó khăn nhất trên con đường sự nghiệp" khi bà bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử lần thứ hai để chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách là ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ.

Các cố vấn của bà Clinton cho biết chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11/2016 của bà Clinton sẽ tập trung vào những kế hoạch nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và làm nổi bật điều: nếu đắc cử, bà Clinton sẽ trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

Một trong những thách thức lớn nhất của bà Clinton là cần thể hiện sự thực tế hơn. Những người chỉ trích bà Clinton, trong đó có cả những người cấp tiến trong đảng Dân chủ của bà, cho rằng sau nhiều thập kỷ làm phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, Thượng nghị sỹ và Bộ trưởng Ngoại giao, bà Clinton đã trở nên quá xa rời thực tế.

Nếu đắc cử, bà Clinton sẽ trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử.


Quanh khu vực văn phòng tranh cử của bà Clinton ở Brooklyn xuất hiện nhiều tấm áp phích in hình khuôn mặt bà với nhiều nếp nhăn bị cường điệu hóa và khẩu hiệu: Tham vọng, Tính toán, Giả dối và Giấu giếm. Chỉ vài giờ trước khi bà Clinton công bố quyết định tái tranh cử của mình, diễn viên hài Kate McKinnon đã đả kích bà Clinton trong một chương trình truyền hình có tiếng tên là “Saturday Night Live”, trong đó mô tả bà Clinton như một ứng cử viên tự đắc và tham quyền lực khi nhái lại đoạn phim công bố quyết định tranh cử của bà Clinton.

Trong một thông báo nội bộ được công bố ngày 11/4, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, Robby Mook, nói với các nhân viên rằng mặc dù mục tiêu của họ là giúp bà Clinton đắc cử Tổng thống, song chiến dịch tranh cử này không phải là vì riêng bà Clinton mà vì “tất cả người dân Mỹ”. Ông Mook nói: “Chúng ta luôn khiêm tốn: chẳng có gì tự nhiên mà có, tất cả do chúng ta tự nỗ lực, chúng ta không bao giờ sợ thất bại, chúng ta luôn đấu tranh vì mọi lá phiếu mà chúng ta có thể giành được”.

Ngay trước khi bà Clinton tuyên bố chính thức tranh cử ngày 12/4, những đối thủ tiềm năng từ đảng Cộng hòa đã chỉ trích bà. Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush phê phán chính sách đối ngoại Mỹ khi bà Clinton làm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Jeb Bush phát biểu trong một đoạn băng hình được Ủy ban hành động chính trị “Right to Rise” công bố: “Chúng ta phải làm tốt hơn chính sách đối ngoại của Obama-Clinton, thứ đã phá hủy mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và làm kẻ thù trở nên bạo gan hơn”. Ông Jeb Bush, em trai của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush, cũng đang tính tới khả năng tham gia tranh cử.

Trong một loạt chương trình phỏng vấn ngày 12/4, Thượng nghị sỹ bang Kentucky Rand Paul của đảng Cộng hòa, người đã chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử tuần trước, đã chỉ trích cách thức bà Clinton giải quyết vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012.


Trong cuốn hồi ký “Những lựa chọn khó khăn”, bà Clinton đã bác bỏ những chỉ trích của đảng Cộng hòa về cách thức bà giải quyết các vụ tấn công, cho rằng đảng Cộng hòa đã lợi dụng thảm kịch để làm lợi cho mình về mặt chính trị.


Thượng nghị sỹ Paul cũng thực hiện một quảng cáo công kích bà Clinton, trong đó cáo buộc bà là người xa rời thực tế và đại diện cho điều tồi tệ nhất của “cỗ máy Washington”. Quảng cáo này phát sóng trên kênh truyền hình cáp ở Iowa, New Hampshire, Nam Carolina và Nevada, những khu vực sẽ tổ chức bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nhiều người của đảng Dân chủ háo hức mong đợi thông báo tranh cử tổng thống của bà Clinton kể từ ngày bà Clinton rút khỏi cuộc chạy đua với ông Obama hồi tháng 6/2008, và bày tỏ tiếc nối khi dịp này bà đã không thể vượt qua “rào cản cao nhất và khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình”.

Tuy nhiên, bà Clinton vẫn cần thuyết phục những cử tri tự do rằng bà là ứng cử viên phù hợp nhất để có thể giải quyết những vấn đề như bất bình đẳng về thu nhập và quyền lực của các ngân hàng ở Phố Wall. Một số tổ chức có tư tưởng tự do đang thúc giục Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren của đảng Dân chủ, một người cũng có quan điểm chống lại cách thức hoạt động hiện nay của phố Wall, ra tranh cử Tổng thống.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton đang dẫn trước các đối thủ tiềm năng của đảng Dân chủ một khoảng cách khá xa trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra năm 2016. Cuộc thăm dò dư luận do Reuters và Ipsos phối hợp thực hiện cho thấy hơn 60% người của đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton. Bà Warren, người cho tới nay vẫn nói rằng bà không có ý định tham gia tranh cử Tổng thống, đứng thứ hai với 18% ý kiến ủng hộ.

Ngày 11/4, tại Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ ở Panama City, Tổng thống Obama phát biểu trong một cuộc họp báo rằng bà Clinton có thể trở thành một “tổng thống xuất sắc”.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã hoan nghênh thông báo tranh cử của bà Clinton. Trên nhật báo Bild, tờ báo bán chạy hàng đầu tại Đức, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier nói rằng bà Clinton là một đối tác đáng tin cậy của châu Âu và bà đã “chứng tỏ được sự nhạy cảm của mình đối với các cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ Afghanistan tới Trung Đông”.

Cho tới nay, cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley và cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb của bang Virginia, những người mà tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận chỉ ở mức một con số, là những đối thủ thuộc đảng Dân chủ có nhiều khả năng đứng lên tham gia tranh cử với bà Clinton.


TTK