08:23 29/08/2012

Liên minh toàn cầu vì... bếp sạch

Một năm về trước, cô Maria Itzep Chiguil vẫn phải ngày ngày nấu nướng trong góc bếp tồi tàn đầy bồ hóng và nóng bức. Khói bếp khiến người mẹ và bốn đứa trẻ trong ngôi nhà nghèo ở vùng cao nguyên Goatêmala cay xè mắt mũi và thường xuyên bị ho.

Một năm về trước, cô Maria Itzep Chiguil vẫn phải ngày ngày nấu nướng trong góc bếp tồi tàn đầy bồ hóng và nóng bức. Khói bếp khiến người mẹ và bốn đứa trẻ trong ngôi nhà nghèo ở vùng cao nguyên Goatêmala cay xè mắt mũi và thường xuyên bị ho.

 

Ảnh minh họa.

 

Nhưng cuộc sống nghèo chưa thể khiến họ cải thiện được căn bếp. Chiguil cũng giống như hàng triệu phụ nữ khác trên khắp thế giới. Cô phải đánh cược chính sức khỏe của mình và con cái vì công việc nấu nướng đầy rủi ro.


Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 3 tỉ người, hay 40% dân số trên hành tinh, cho đến nay vẫn phải nấu nướng bằng bếp thô sơ sử dụng củi, than, phân khô hay rơm rạ. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng việc phụ thuộc vào nhiên liệu rắn trong nấu ăn là một trong 10 mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với y tế cộng đồng.


Do ảnh hưởng từ việc đun nấu lạc hậu này, khoảng 2 triệu người tử vong mỗi năm do phải hít khói bếp, nhiều trẻ em dưới 5 tuổi đã mắc các bệnh mãn tính như viêm phổi. Bên cạnh đó, bỏng lửa và bỏng nước sôi trong quá trình đun nấu này cũng gây đe dọa nghiêm trọng.


Việc thu lượm hàng tấn củi đun cũng là một việc làm tốn kém sức lực, thời gian và rủi ro rình rập. Ví như tại Cộng hòa dân chủ Cônggô, ước tính cứ mỗi giờ lại có một phụ nữ bị cưỡng bức, mà phần đông trong số đó bị tấn công tình dục khi đang đi thu lượm chất đốt.


Những hủy hoại đối với môi trường cũng rất lớn vì rừng bị tàn phá, và lượng cácbon đen sản sinh từ các bếp lò thô sơ chiếm tới 25% lượng điôxít cácbon thải vào khí quyển, trong khi các ngôi nhà ám đầy khói đen là thủ phạm gây bệnh cho những người sống trong đó.

 

Chung tay vì bếp sạch


Một liên minh toàn cầu được thành lập dưới sự "đỡ đầu" của Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên hợp quốc đang nỗ lực hướng tới mục tiêu cung cấp 100 triệu bếp nấu sạch vào năm 2020.


Cô Chiguil cho biết cuộc sống của cô và khoảng 15 hàng xóm ở ngôi làng Patachaj (Goatêmala) đã thực sự thay đổi một năm trước, khi họ nhận được chiếc bếp nấu cải tiến hình trụ. Chiếc bếp mới không gây khói và còn cho phép cô có thể nấu 4 nồi một lúc. Nhờ vậy, Chiguil có thêm nhiều thời gian rảnh rang thay vì bận bịu suốt cả ngày nấu nướng như trước đây.


"Thật khó tin là cho đến bây giờ một nửa thế giới vẫn nấu nướng kiểu thô sơ", quan chức Kris Balderston thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tham gia lập Liên minh Toàn cầu vì bếp lò sạch, thốt lên.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trở thành nhân vật tích cực nhất trong đối tác công-tư này và cho đến nay đã vận động được khoảng 36 nước chung sức thực hiện sáng kiến sử dụng hoặc cung cấp bếp nấu sạch. Liên minh đã quy tụ được sự ủng hộ của nhiều đối tác, từ các nhà nghiên cứu để đưa ra tiêu chuẩn khung về bếp lò sạch, các nhà sản xuất làm ra chúng, các chính phủ thúc đẩy sự nhận thức của người dân, các tổ chức phi chính phủ giúp phân phối các bếp nấu sạch, cho tới các nhà tài trợ giúp người dân nghèo có thể sở hữu được chiếc bếp nấu "trong mơ" đối với họ.


Được phát động vào tháng 9/2010, liên minh này đã phát triển một chiếc lược mang tên "Bật lên sự thay đổi" và dành phần lớn thời gian của năm 2012 để quyết định sẽ thực hiện tại những nước nào trước tiên.


Lựa chọn cuối cùng có thể được công bố trong tháng 9 tới, song nhiều khả năng sẽ bao gồm Tandania và Kênia, Bănglađét và cả Việt Nam. Theo ông Radha Muthiah, Giám đốc điều hành dự án, sẽ phải dựa trên một số tiêu chí để lựa chọn các nước được hưởng lợi đầu tiên từ dự án này, trong đó có tỉ lệ dân số cho đến nay vẫn phải sử dụng hình thức đun nấu lạc hậu.


Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới cũng giữ một vị trí đặc biệt trong liên minh này. Cả hai nước đều đã từng thực hiện những chương trình thành công về bếp nấu sạch và có thể phổ biến kinh nghiệm của họ cũng như làm việc để nâng cấp các bếp nấu hiện nay.


Chi phí 120 USD cho một cái bếp hình trụ nói trên cũng là một vấn đề, song liên minh này hy vọng rằng các chương trình tín dụng vi mô và các cơ chế sáng tạo có thể giúp thu hẹp khó khăn và đưa được bếp nấu sạch tới cộng đồng người nghèo.


Minh Tâm (theo AFP)