12:10 23/12/2014

Liên minh cầm quyền Đức muốn từng bước dỡ bỏ trừng phạt Nga

Trước tình hình kinh tế chao đảo ở Nga, nhiều thành viên cấp cao đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền ở Đức đã bày tỏ quan ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời kêu gọi sớm nới lỏng, tiến tới chấm dứt các chế tài này.

Trước tình hình kinh tế chao đảo ở Nga, nhiều thành viên cấp cao đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền ở Đức đã bày tỏ quan ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời kêu gọi sớm nới lỏng, tiến tới chấm dứt các chế tài này.

Chủ tịch SPD, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel kêu gọi châu Âu xây dựng chính sách giảm căng thẳng.


Chính trị gia phụ trách đối ngoại của SPD Rolf Mützenich lên tiếng ủng hộ việc từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Phát biểu tại Berlin, vị Phó Chủ tịch nhóm nghị sĩ SPD tại Quốc hội nói: "Nếu trong những tuần tới đạt được lệnh ngừng bắn ở đông Ukraine, thực thi có kiểm chứng được Thỏa thuận Minsk và tạo được môi trường tin cậy về chính trị an ninh, thì cũng phải dần xem xét để rút lại các biện pháp trừng phạt".

Thỏa thuận Minsk đã đạt được giữa các bên xung đột bao gồm một lệnh ngừng bắn, thiết lập khu phi quân sự, rút binh sĩ cùng các tay súng, đồng thời trao quyền kiểm soát cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Trước đó, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier (thuộc SPD) cũng đã bày tỏ hoài nghi về các biện pháp trừng phạt Nga, cảnh báo các chế tài của phương Tây có thể gây bất ổn cho Nga cũng những hậu quả đối với nền kinh tế Đức nếu chung không được nới lỏng. Trả lời phỏng vấn trên báo "Tấm gương", Ngoại trưởng Steinmeier nêu rõ không thể có an ninh ở châu Âu nếu thiếu Nga và trái lại, Nga không thể có an ninh khi không có châu Âu. Do vậy, châu Âu cần phải tái lập lại cấu trúc an ninh vốn bị rạn nứt của mình.

Trong khi đó, phát biểu trên báo Đức "Tấm gương hàng ngày", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel cũng đồng quan điểm cho rằng cả Đức và châu Âu đều không muốn Nga rơi vào tình cảnh hỗn loạn kinh tế. Do vậy, việc xem xét siết chặt thêm trừng phạt Moskva là điều sai lầm.

Chủ tịch SPD Gabriel nói đã quá đủ những hành động khiêu khích lẫn nhau và cần phải dừng ngay việc tranh luận tăng cường trừng phạt Nga. Ông cũng cho rằng mục đích của trừng phạt không phải để khuất phục Nga mà là hướng tới các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Theo Phó Thủ tướng Đức, châu Âu thay vào đó cần xem xét một chính sách mới nhằm xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, đáp lại những ý kiến trên của SPD, Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Wirtz ngày 22/12 khẳng định thời điểm hiện tại không phải lúc để thay đổi các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Bà Wirtz nêu rõ Chính phủ liên bang Đức không có kế hoạch dù tăng nặng hay nới lỏng các biện pháp trừng phạt hiện nay với Moskva.

Ngay cả chính trị gia phụ trách đối ngoại của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Norbert Röttgen cũng khẳng định "không có lý do để nghi ngờ các biện pháp hiện nay với Nga hoặc thay đổi các biện pháp đó". Theo các nhà quan sát, rõ ràng chính sách với Nga đang dần trở thành chủ đề gây tranh cãi trong liên minh cầm quyền tại Đức giữa CDU/CSU và SPD.


Tin, ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)