10:13 23/10/2014

Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vấn đề tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để biến vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL thực sự là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, phát triển bền vững đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại hội thảo Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Vấn đề tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng để biến vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL thực sự là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, phát triển bền vững đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại hội thảo Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thành ủy Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 17/10 tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo Liên kết vùng ĐBSCL trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm đánh giá thực trạng xây dựng định hướng giải phát thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham vấn góp ý dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL, thảo luận và thống nhất tầm quan trọng trong thúc đẩy kinh tế cho vùng và các địa phương, xây dựng kế hoạch chương trình hành động giữa Ban Chỉ đạo Tây Bộ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tính cấp thiết

Lần đầu tiên vấn đề liên kết vùng được lãnh đạo các bộ ngành trung ương, các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL bàn sâu và có cùng quan điểm là khẳng định tính cấp thiết của liên kết vùng.

Mô hình cánh đồng lớn tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng ĐBSCL vốn rất giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng nếu các địa phương mạnh ai nấy làm, đầu tư phát triển dàn trải thiếu liên kết sẽ không tạo ra lợi thế cạnh tranh và nhu cầu liên kết vùng là cấp thiết hiện nay.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nếu chỉ dựa vào "lợi thế tĩnh" về điều kiện tự nhiên cho mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra "lợi thế động" nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Thực tiễn cho thấy sự phát triển của các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lắp chưa được khắc phục, có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách "phá rào", đưa ra các ưu đãi quá lớn cho nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của nền kinh tế. Mặc dù có rất nhiều cố gắng và nỗ lực nhưng do nước ta còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng nên việc liên kết vùng và kết quả phát triển kinh tế xã hội của các vùng trong cả nước nói chung cũng như vùng ĐBSCL còn rất hạn chế.

Cũng theo ông Tân, việc phát triển vùng ĐBSCL cần phải được thực hiện với cách thức quy hoạch và triển khai thực hiện liên vùng nhằm khai thác tối đa các lợi thế so sánh chung cả vùng và lợi thế riêng của từng địa bàn, đồng thời thiết lập được chuỗi giá trị trong nội bộ của vùng. Trong thời gian tới, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy mạnh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế.

Nâng cao hiệu quả đầu tư


Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Hàng năm ĐBSCL đóng góp 20% GDP cho cả nước, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản cho cả nước... nhưng vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém như: tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu...

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng. Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Về vấn đề liên kết vùng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng được Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người đã lăn lộn ở ĐBSCL suốt trong những năm 1980 bức xúc: Tại sao vùng ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp nhiệt đới nhưng hôm nay lại là vùng trũng của cả nước về nhiều lĩnh vực?. Đặc biệt, khi chuyển qua cơ chế thị trường mà để người dân cứ bơi trong cơ chế thị trường với 2 rủi ro lớn. Đó là rủi ro do bản chất nông nghiệp về thời tiết khí hậu tác động và rủi ro về cơ chế thị trường giá cả.

Nguyên nhân chủ yếu là tư duy phát triển tận dụng lợi thế nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nước ta trước đây với cái nhìn còn rất đơn lẻ, chỉ biết tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mà không biết làm sao để sản phẩm này tạo ra giá trị gia tăng tức là gắn nông nghiệp tạo ra nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến để nâng giá trị nó lên. Công nghiệp hóa nông nghiệp là làm sao sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng giống như sản phẩm công nghiệp và phải ứng dụng khoa học công nghệ thì mới có sản phẩm đồng đều, chất lượng và tạo ra giá trị cao.

Vai trò hỗ trợ của nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp nước ta chưa mang lại hiệu quả cho nông dân vì thực tế nhà nước chỉ can thiệp thị trường và hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ chưa thực sự hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra phương thức tổ chức sản xuất dưới dạng kinh tế hộ trước đây đóng vai trò rất lớn nhưng kinh tế hộ cũng bị giới hạn bởi không thể đưa khoa học công nghệ vào được mà đặc biệt là không thể tham gia thị trường dưới tính cách hộ nông dân.

Quy chế liên kết vùng


Những năm gần đây, nhà nước đã đầu tư rất nhiều về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng lại bị một cơ chế khác chi phối, đó là cơ chế tỉnh làm phân tán, phân chia nguồn lực dẫn đến đầu tư nhỏ lẻ, không tạo được lợi thế phát triển toàn vùng. Nhà nước cần tăng quyền hạn cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong vấn đề điều phối phát triển toàn vùng, đặc biệt là điều phối trong quy hoạch và bố trí lại lực lượng sản xuất cây, con giống... và phân phối vốn đầu tư cho từng vùng và điều phối để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn vùng. Trong hội nhập sắp tới, ĐBSCL là vùng cần phải đặc biệt tập trung quan tâm thực hiện nhiều giải pháp mà trọng tâm là tổ chức lại phương thức sản xuất và vai trò hỗ trợ của nhà nước cho đúng chỗ thì chúng ta có thể giải được bài toán phát triển cho ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thanh Dũng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương cần hướng đầu tư mạnh nguồn vốn ODA về chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho cả vùng, có chủ trương chính sách, định hướng các nhà đầu tư sử dụng vốn đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông lần đầu tiên đã đưa ra dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 - 2019. Đây là quy chế liên kết vùng đầu tiên của cả nước chuẩn bị ban hành trong năm nay với 3 chương và 8 điều. Trong giai đoạn thí điểm, nội dung liên kết vùng bao gồm các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản và các lĩnh vực xã hội theo quy hoạch được duyệt; Sản xuất chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, thủy hải sản, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng chủ lực có thế mạnh của vùng như: tôm - cá lúa, lúa gạo, trái cây... Đây là một trong những đi đầu tiên thực hiện chương trình liên kết vùng tạo được sự đồng thuận của các bộ ngành trung ương và các địa phương...

Ngọc Thiện