01:22 28/01/2015

Liên kết tiêu thụ đặc sản vùng miền tại Hà Nội

Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa nông sản, tuy nhiên, những thông tin về đặc sản vùng miền vẫn chưa rõ ràng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa nông sản, tuy nhiên, những thông tin về đặc sản vùng miền vẫn chưa rõ ràng, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

Thiệt vì không được bảo vệ thương hiệu

Những năm gần đây, xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) phát triển mạnh nuôi gà với giống gà mía nổi tiếng vùng Ba Vì. Cả xã có trên 50% số hộ nuôi, hộ nuôi ít cũng trên 500 con, hộ nhiều trên cả chục ngàn con, nhưng hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm vẫn do khoảng 50 tư thương chi phối.

Đặc sản vùng miền giới thiệu tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Thu Thủy


Bà Phùng Thị Luyến, một chủ trang trại gà xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Người dân chúng tôi hiện nay chỉ biết chăn nuôi theo kinh nghiệm, đầu ra do tiểu thương bao tiêu, nên giá cả phập phù. Chúng tôi có nghe nói huyện Ba Vì đang xây dựng thương hiệu đặc sản gà mía Ba Vì, nhưng cũng không rõ tiêu chí cụ thể để hướng dẫn cho người dân. Mong muốn của chúng tôi là loại gà địa phương được tiêu thụ trong các siêu thị hoặc theo các kênh phân phối được bảo đảm để có giá ổn định”.

Còn bà Nguyễn Thị Hương, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Bưởi Diễn là đặc sản khu vực Cầu Diễn, nhưng hiện nay với quá trình đô thị, số nhà trồng bưởi Diễn bị thu hẹp dần. Điều đáng nói là bưởi Diễn gốc thì gần như được đặt hàng, thậm chí người mua vào vườn đặt từ đầu vụ và đánh số quả. Còn ngoài chợ và điểm bán ven đường trưng bưởi Diễn, nhưng đa số từ nơi khác đưa đến. Chính vì không có bảo hộ thương hiệu địa lý rõ ràng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bưởi Diễn.

Hà Nội có nhiều đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, chè Ba Vì, giò chả Ước Lễ, nem Phùng... nhưng cho tới nay, có rất ít sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tính cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, vài năm lại đây, thương hiệu "Rau hữu cơ Sóc Sơn" bán khá chạy dù giá cao hơn các loại thông thường do bảo đảm nguồn gốc. Nhờ có nhãn hiệu nông sản được đăng ký và bảo hộ, nên giá trị sản phẩm được nâng lên. Theo khảo sát của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, mặc dù trên địa bàn Thủ đô có gần 100 sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, nhưng cho đến nay, mới chỉ có 11 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu nông sản.

Từ khảo sát thị trường Hà Nội cho thấy, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Sự chậm trễ chưa đăng ký nhãn hiệu vùng miền khiến nhiều nông sản nổi tiếng khó cạnh tranh với các loại hàng hóa giá rẻ, dẫn đến sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nông dân...

Tạo sự liên kết vùng và xây dựng thương hiệu

Vừa qua, Chi cục BVTV Hà Nội đã tạo sự khép kín từ sản xuất đến phân phối, chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho hơn 5.000 ha cho các vùng rau đủ điều kiện sơ chế, kinh doanh rau an toàn cho các doanh nghiệp... Mạng lưới tiêu thụ rau an toàn bước đầu được triển khai gần 100 điểm tại các điểm khu dân cư.

“Mỗi cơ sở được cấp một mã số trên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hệ thống mã số này được đưa lên Sàn giao dịch rau quả và có sự kiểm soát của Chi cục BVTV và người tiêu dùng có thể tra cứu, cùng tham gia kiểm soát nguồn gốc”, ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhờ sự cần cù khéo léo của người dân và ưu đãi của thiên nhiên, nhiều vùng miền của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, có các đặc sản ngon và giá trị nổi tiếng. Tuy nhiên, người sản xuất vẫn loay hoay chưa biết cách đưa sản phẩm đến thị trường, nhất là qua kênh phân phối hiện đại.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng chương trình quảng bá, nâng cao giá trị, phát triển thị trường đặc sản vùng miền nhằm giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất đưa đặc sản tới người tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu; đồng thời gắn kết Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội. Chương trình liên kết này thu hút 40 tỉnh thành tham gia với hơn 400 sản phẩm khác nhau.

Sở Công Thương Hà Nội đã tập hợp danh sách các chợ đầu mối, doanh nghiệp phân phối để kết nối với các tỉnh thành trong việc đưa đặc sản vào hệ thống phân phối Hà Nội. “Theo khảo sát, doanh nghiệp phân phối Hà Nội rất quan tâm đến đặc sản vùng miền phục vụ đời sống ngày nâng cao của người dân Thủ đô và du lịch. Các sản phẩm đặc sản vùng miền được gửi tới hơn 300 doanh nghiệp phân phối, chợ đầu mối, khách sạn tại Hà Nội và có trên 600 kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh thành trong cả nước. Chương trình cũng giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu và phát triển giá trị hơn nữa để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Vấn đề khó nhất đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các hộ làng nghề gặp phải trong quá trình tiêu thụ sản phẩm là chưa biết cách xây dựng thương hiệu. Sản phẩm mới sản xuất tại địa phương mới mang tính tự phát và chỉ bán tại địa phương nên giá trị doanh thu thấp. Hộ nông dân chưa đủ nguồn lực xây dựng sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ, do đó cơ quan chức năng sẽ định hướng xây dựng nhãn hiệu đến thương hiệu và bảo hộ trí tuệ cho đặc sản phẩm vùng miền.


Xuân Minh - Bích Ngọc