06:09 06/06/2014

Liên kết chặt giữa “4 nhà”

Để phát triển mạnh vùng cây ăn quả, theo các chuyên gia, cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà vườn với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhà khoa học.

Để phát triển mạnh vùng cây ăn quả, theo các chuyên gia, cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà vườn với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhà khoa học. Trong đó, doanh nghiệp và nhà vườn liên kết để giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm, cơ quan nhà nước và nhà khoa học là cơ quan hỗ trợ chính sách, kết nối và hỗ trợ kĩ thuật cho cả doanh nghiệp lẫn nhà vườn.


Ổn định đầu ra


Ngày 9/5, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nichirei suco Việt Nam đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến quả sơri tại xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Theo ông Terada Yuchiro, Tổng Giám đốc công ty, nhà máy có tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng, có công suất rửa và cấp đông 3 tấn sơri/ngày; có sức chứa 30 tấn thành phẩm và khoảng 100 tấn sơri. Điều này đã khiến người dân trồng sơri trong vùng vui mừng vì từ nay đầu ra của sản phẩm đã ổn định hơn. “Chúng tôi đã mong đợi điều này rất lâu rồi. Trước đây, cũng đã có công ty đến thu mua, giá cao hơn giá thương lái gấp đôi, nhưng họ chỉ mua được vài năm sau đó thì “mất tích” khiến giá tụt hẳn. Việc có nhà máy chế biến thu mua tại chỗ sẽ giúp người trồng sơri tăng thu nhập và phục hồi cây trồng truyền thống này”, anh Phạm Hữu Thống, chủ một nhà vườn trồng sơri tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, cho biết.


ĐBSCL có diện tích cây ăn quả lớn nhưng sản xuất vẫn manh mún, chưa có sự gắn kết. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

 

Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết việc đưa nhà máy thu mua, chế biến sơri xuất khẩu vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện, tăng thu nhập cho người dân trồng chuyên canh cây sơri, đồng thời đưa sản phẩm sơri, đặc sản của vùng Gò Công, ra thị trường thế giới. Đây là một trong bảy loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Tiền Giang, ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm từ sơri còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông...


Theo khảo sát của Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam, hiện ở ĐBSCL, mỗi tỉnh chỉ có một vài cơ sở chế biến đóng gói nên gây không ít khó khăn cho khâu đầu ra của sản phẩm khi muốn vận chuyển đi xa. Chính do thiếu đầu ra, cộng với trùng lắp mùa vụ nên điệp khúc “được mùa, rớt giá” hay “thất mùa trúng giá” cứ “gắn bó” với người nông dân, ngay cả mặt hàng trái cây có thị trường xuất khẩu được như vú sữa Lò Rèn thì đầu vụ có lúc lên gần 120.000 đồng/kg, nhưng khi thu hoạch rộ thì giá tụt xuống chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg. Hay trái thanh long, có thời điểm giá vượt lên 15.000-20.000 đồng/kg, nhưng có lúc sụt xuống còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn, huyện Châu Thành (Tiền Giang), chỉ có xuất khẩu được thì mới giữ giá cao và ổn định. Mà để xuất khẩu được, không con đường nào khác là phải có sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Chính vì thế, Phân Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam cũng đã có đề nghị Bộ NN&PTNT cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái để họ đầu tư những cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm, giúp ngành thu mua, bảo quản sau thu hoạch phát triển song song với phần quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung mà các tỉnh Nam Bộ đang tiến hành.


Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ liên kết từ trồng, chế biến và xuất khẩu lĩnh vực cây ăn quả giữa các nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà vườn ở Việt Nam nói chung và vùng Nam Bộ nói riêng chưa chặt chẽ. Chính vì thế, để nâng cao giá trị trái cây, giữa 4 nhà này phải có sự liên kết chặt chẽ. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò "đầu tàu" trong việc quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, là cầu nối giữa các nhà còn lại trong việc trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm.


Xây dựng vùng tập trung


Mặc dù có lợi thế rất lớn về diện tích và sản lượng, nhưng cây ăn quả vùng ĐBSCL vẫn thật sự chưa phát huy được giá trị để có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. “Dù kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng trưởng nhiều nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nông sản khác. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa liên kết với các nhà vườn, tổ hợp tác hay HTX để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu khách hàng với số lượng lớn, ổn định và thường xuyên”, TS.Lương Ngọc Trung Lập (Viện cây ăn quả Miền Nam), phân tích.


Bên cạnh đó, theo đánh giá của các nhà khoa học, diện tích cây ăn quả của khu vực ĐBSCL khá lớn, nhưng hiện trạng sản xuất manh mún, chất lượng trái cây chưa đồng đều... đã trở thành một hạn chế cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, những mô hình thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP, VietGAP chỉ có thể ứng dụng tốt cho những khu vực sản xuất tập trung, hoặc vùng liên kết chứ không thể đưa vào từng nông hộ ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chính những hạn chế này, “lối thoát” của sản phẩm cây ăn quả hiện nay chủ yếu vẫn là tiêu thụ trong nước. Chẳng hạn, chỉ riêng mặt hàng bưởi Năm Roi, sản lượng trung bình là 250 tấn/năm nhưng tỷ lệ bưởi xuất khẩu chỉ khoảng 20% trên tổng sản lượng. "Bây giờ cơ chế thị trường, mở cửa hết rồi. Trái cây của người ta tràn vô nước mình và trái cây mình ra nước người ta là chuyện bình thường. Nhưng mà sản xuất trái cây của mình còn kém chất lượng quá nên không cạnh tranh được để trái cây ngoại chiếm lĩnh thị trường”, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nhận xét.

 

Xây dựng hệ thống tiêu thụ và bảo vệ thương hiệu

Để giải quyết đầu ra cho cây ăn quả, cần chú trọng cách xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm trực tiếp từ sơ sở sản xuất đến các chợ, hệ thống siêu thị có uy tín ở các đô thị lớn trên cả nước. Ngoài ra, việc thành lập các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ trái cây sẽ làm cầu nối trung gian giữa nhà vườn và các công ty xuất nhập khẩu. Đồng thời xúc tiến nhanh việc xây dựng, đăng ký và khai thác thương hiệu. Tiến tới khuyến khích và hỗ trợ hội viên và các doanh nghiệp trong ngành trái cây đăng ký bảo hộ tên giống và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đăng ký thương hiệu ở các thị trường chính.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ NN&PTNT

 

Nhà nước cần chủ trì

Nên quy hoạch vùng trái cây tập trung, bởi trái cây của ta ngon nhưng phải có vùng chuyên canh 5.000-7.000 ha trở lên mới đủ sức xuất khẩu, còn lẻ tẻ thì chẳng làm được gì. Việc quy hoạch đầu ra cho trái cây cũng nên xem xét. Có thể quy hoạch chọn trái cây đặc sản, chất lượng để trồng tập trung, nhưng phải dựa trên đầu ra của doanh nghiệp. Phải có thị trường rõ ràng rồi mới nghĩ đến kế hoạch trồng bao nhiêu ha loại trái cây đó! Theo tôi trong liên kết 4 nhà thì đầu tiên phải là Nhà nước đứng ra chủ trì, hai là nhà kinh doanh. Hai nhà đó quyết định, rồi mới đến nhà khoa học và nhà vườn.

TS.Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam

 

Cần gắn kết doanh nghiệp với nông dân

Muốn nâng tầm giá trị của cây ăn trái thì phải gắn kết với doanh nghiệp. Không gắn với doanh nghiệp thì không thành công và doanh nghiệp phải gắn bó với nông dân. Chỉ có doanh nghiệp hợp tác với nông dân mới tạo thế ổn định từ đầu vào cho tới đầu ra; đồng thời giúp cơ quan nhà nước dễ quản lý, hỗ trợ kĩ thuật dễ dàng.

Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang

 

Cần được hỗ trợ kỹ thuật

Tôi thấy tham gia vào mô hình Global GAP có hiệu quả tốt hơn, bởi sản phẩm làm ra không chỉ đẹp hơn về mẫu mã mà giá thu mua lúc nào cũng cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được hỗ trợ kĩ thuật trong sản xuất, giúp tăng năng suất hơn so với trước đây. Do vậy, nông dân cần thực hiện theo mô hình này để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, vừa được hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả hơn.

Anh Trần Ngọc Hải, nông dân trồng vú sữa Lò Rèn theo Global GAP ở ấp Thạnh Hòa, xã Lâm Hưng, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang)


M.T