11:09 22/11/2011

Liên kết các trung tâm du lịch miền Bắc: Chuyển lượng thành chất

Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới có chất lượng, các trung tâm du lịch miền Bắc đã ngồi lại với nhau tìm ra cơ chế hợp tác mới. Đây được nhìn nhận như một sự đổi mới cách làm nhằm giúp du lịch miền Bắc có những chuyển biến trong thời gian tới.

Cần đi vào thực chất

Du khách nước ngoài tham quan đỉnh Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai).


Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình là những tuyến du lịch truyền thống và đến nay vẫn là những tuyến “trọng tâm” của khu vực miền Bắc, để phát huy thế mạnh của những tuyến du lịch này, các cơ quan quản lý du lịch 4 tỉnh, thành này đã quyết định ngồi lại với nhau cùng bàn bạc để tạo ra những sản phẩm du lịch chung độc đáo, thu hút du khách.

Hoàn thiện sản phẩm truyền thống

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, để có sản phẩm chào bán, các doanh nghiệp du lịch cũng đã phải tự tìm đến nhau để liên kết, nhưng chỉ mới mang tính nhóm nhỏ lẻ. Nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc liên kết này sẽ thuận lợi hơn. Là những tuyến du lịch truyền thống mà hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều chào bán tới khách đoàn, vấn đề đặt ra với những điểm du lịch này là có quy hoạch phát triển du lịch tổng thể để bảo vệ môi trường du lịch của mình. Như tuyến Hạ Long hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cần có kế hoạch bảo vệ môi trường điểm du lịch hoang sơ tại đảo Quan Lạn, Cô Tô. Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc việc lấn biển xây dựng đô thị tại Hạ Long vì nó ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch, cảnh quan. Đối với tỉnh Lào Cai, cùng với phát triển du lịch, đang nổi cộm vấn đề quy hoạch đô thị Sa Pa và bảo tồn phát triển du lịch cộng đồng. Còn với Ninh Bình thì luôn trong tình trạng là một công trường, xây dựng du lịch quá lâu và dàn trải, tạo cảm giác một điểm du lịch “nhếch nhác”. Do đó, để vừa có điểm du lịch mới, vừa thuận lợi cho du khách tham quan, thì các điểm du lịch cần tiến hành làm cuốn chiếu, để từ đó có thể nối tuyến từ Ninh Bình về Hạ Long.

Còn đại diện Saigontourist cho biết, 4 điểm du lịch tại Hà Nội - Lào Cai - Quảng Ninh - Ninh Bình là sản phẩm tuyến truyền thống đến nay bán vẫn đắt khách. Để khách quay trở lại và để phát triển du lịch bền vững tại nơi đây, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần có việc làm cụ thể để hút khách. Mà cụ thể nhất là trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Trong 4 địa danh thường tổ chức tour, thì Quảng Ninh - Lào Cai phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi có diễn biến thời tiết bất thường, các doanh nghiệp nháo nhào tìm thông tin trên các trang web nhưng chủ yếu mang tính tham khảo. Còn thông tin chính thức từ cơ quan quản lý để quyết định hủy hay hoãn tour thì không có. Đơn cử như biển động, cấm tàu tại Quảng Ninh nhưng không có thông tin chi tiết nào cả, khách xuống đến nơi mới được báo khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì phải đi thuê khách sạn trên bờ. Do đó, việc làm trước mắt là cần thiết lập kênh thông tin chính thống, cập nhật từ Sở VH,TT&DL để doanh nghiệp xử lý tình huống. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các địa phương cũng phải làm chuyên nghiệp hơn mà cụ thể là vấn đề bảo đảm an toàn cho khách như phao bơi, dịch vụ y tế cho khách khi đi tham quan đường thủy tại Ninh Bình, Hạ Long, sông Chảy (Lào Cai)…

Để doanh nghiệp cùng đồng hành

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng: Mỗi vùng có một lợi thế riêng, nhưng nếu mạnh ai nấy làm, khả năng thu hút khách không cao. Điều dễ thấy, nếu chương trình tour chỉ gói gọn trong một địa phương thì sẽ thiếu sự đa dạng, sản phẩm kém hấp dẫn, khiến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách đều hạn chế. Do vậy, cách làm hiệu quả nhất vẫn là hợp tác chặt chẽ, xây dựng sản phẩm và xúc tiến du lịch dựa trên thế mạnh của cả vùng.

Trên thực tế, việc ký kết liên kết du lịch giữa các tỉnh đã được thực hiện nhiều năm qua, nhưng chủ yếu tồn tại trên bàn giấy và giữa các cơ quan hành chính quản lý nhà nước. Để việc liên kết đi vào thực tế cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Chủ trương của Tổng cục Du lịch là đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh. Vấn đề ở đây là chúng ta làm những gì cụ thể sau những ký kết liên kết trước đó? TP Hà Nội có vai trò chủ đạo bởi đây là thị trường khách lớn nhất phía Bắc và là trung tâm phân phối khách đi các tỉnh. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành tập trung chủ yếu tại Hà Nội. Cả nước có 1.000 giấy phép lữ hành quốc tế thì Hà Nội có 400 đơn vị. Vai trò doanh nghiệp trong liên kết rất lớn. Muốn làm thật phải có doanh nghiệp, hiệp hội vào cuộc. Vai trò của các sở là quản lý điểm đến, gìn giữ tài nguyên môi trường, xúc tiến quảng bá và cơ chế chính sách tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, có định hướng đúng, tiếp cận xây dựng hạ tầng.

Trong vai trò liên kết lần này, định hướng và chính sách của các sở VH,TT&DL 4 tỉnh, thành là cần đưa doanh nghiệp vào cuộc. Các lần khảo sát tới lựa chọn doanh nghiệp lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa hàng đầu khảo sát và xây dựng tour cụ thể. Các doanh nghiệp du lịch cần sản phẩm để bán. Các địa phương khi có doanh nghiệp du lịch đầu tư cũng cần có ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng như thế nào để hỗ trợ cụ thể? Bên cạnh đó, các sở VH,TT&DL cùng doanh nghiệp nghiên cứu tổ chức mùa khuyến mãi, nhất là giai đoạn thấp điểm du lịch trong năm. Muốn vậy, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau và làm chương trình, có sản phẩm cụ thể và quảng bá cho sản phẩm đó. Ngoài 4 tỉnh này thì có thể kết nạp thêm TP Hải Phòng, tạo dựng điểm du lịch đồng bằng Bắc bộ. Lần này liên kết không thể đưa ra chương trình khai mạc nghệ thuật chung chung mà phải tạo ra sản phẩm cụ thể, chọn sản phẩm nào và ưu đãi ra sao? Đó mới là sự liên kết bền vững, đi vào thực chất.

Được biết, lãnh đạo 4 tỉnh, thành đã thống nhất ký kết văn bản hợp tác, trong đó quy định cụ thể về tháo gỡ khó khăn về thủ tục khi tiếp nhận các đoàn khách carnavan, mở thêm tuyến du lịch bằng ô tô để đáp ứng nhu cầu của khách trong đợt cao điểm…, thiết lập trang web để giới thiệu sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Đức Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Liên kết 4 tỉnh, thành như trên đã tạo ra sản phẩm du lịch cơ bản của miền Bắc. Tuy nhiên, để đa dạng có thể kết nạp thêm Hà Giang- Hải Phòng. Từ trước đến nay, liên kết cấp độ vùng chúng ta vẫn làm theo kiểu “văn nghệ, sân khấu”; giờ ai cũng ý thức liên kết đi vào thực chất. Muốn có khách, chúng ta phải xúc tiến quảng bá du lịch, cho nên lập quỹ quảng bá, xúc tiến chung và từng năm tập trung theo từng chủ đề, từng thị trường trọng điểm. Việc chọn doanh nghiệp làm việc này cũng nên có chọn lọc để mang lại hiệu quả.

Đại diện CLB Lữ hành Hà Nội:

Các địa phương cần tạo môi trường cảnh quan cho du lịch. Tại khu vực Bãi Cháy (Quảng Ninh), các công trình xây dựng sát biển đang chắn tầm nhìn và cảnh quan. Mặt khác, chất lượng dịch vụ trên một số tàu phục vụ khách du lịch nội địa chưa tốt, chi phí ăn uống trên tàu đắt hơn nhiều so với nhà hàng trên đất liền. Còn tại vùng du lịch đậm đà bản sắc riêng ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), ở nhiều điểm rác thải chưa được thu gom kịp thời, đường vào các làng bản chưa được nâng cấp, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa, thiếu các show diễn, các hoạt động văn nghệ truyền thống phục vụ du khách, tình trạng chèo kéo du khách vẫn phổ biến… Ngay cả Ninh Bình, địa phương sở hữu tiềm năng du lịch lớn, có lợi thế phát triển từ du lịch văn hóa, tín ngưỡng đến du lịch sinh thái, tham quan hang động nhưng sản phẩm nghèo nàn.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề như tour leo núi, du lịch mạo hiểm, dù bay…



Xuân Cường