05:17 06/05/2014

Liên kết bốn nhà giải quyết bài toán tăng thu nhập nông dân

Ngày 6/5, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Tiền Giang, phối hợp cùng Công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto), công ty Bunge tổ chức “Hội nghị chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.

Ngày 6/5, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Tiền Giang, phối hợp cùng Công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto), công ty Bunge tổ chức “Hội nghị chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại Hội nghị.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị, trong đó công bố chính sách hỗ trợ chuyển đổi của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo phương hướng hành động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường để hạn chế rủi ro, bền vững hóa chuỗi sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.


Nhiều tín hiệu vui


Báo cáo của Cục Trồng trọt tại hội nghị cho thấy, trong năm 2013, đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi thành công trên 87.000ha đất lúa sang trồng ngô, đỗ tương, mè, thanh long, dưa hấu... cho kết quả khả quan. Trong giai đoạn 2013 – 2015, dự kiến sẽ chuyển đổi 112.000ha đất lúa sang các cây trồng chủ yếu là ngô, rau dưa, luân canh lúa – thủy sản và các cây trồng khác. Trong đó nổi bật lên là mô hình liên kết canh tác và thu mua ngô lai năng suất cao khởi xướng bởi công ty Dekalb phối hợp cùng các đơn vị thu mua nông sản như Bunge, Tài Lộc, Adeco, Ecofarm... đảm bảo chuỗi đầu ra bền vững cho bà con.


Huyện Giang Thành của tỉnh Kiên Giang, đến năm 2011 vẫn trung thành với tập quán canh tác lúa, không canh tác ngô, thì đến nay, đã có những mô hình chuyển đổi lúa – bắp đầu tiên đạt năng suất cao. Đặc biệt, với sự phối hợp của công ty Dekalb, phòng Nông nghiệp huyện Giang Thành, khi xuống giống bắp chuyển đổi, các hộ nông dân ở đây đã được đơn vị thu mua bắp nông sản Tài Lộc tới ký hợp đồng thu mua và chốt giá sàn. “Và ngay khi ruộng bắp thu hoạch, doanh nghiệp cam kết xuống thu mua cho bà con nông dân theo giá thị trường, tuy nhiên nếu giá thị trường tụt thấp hơn giá sàn cam kết, thì bà con sẽ được hưởng mức giá tối thiểu là 3.250 đồng/kg bắp tươi”, đại diện đơn vị thu mua cho biết.


Anh Lê Hoàng Quốc – nông dân ở ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 3ha đất lúa 3 vụ. Từ trước đến nay, vụ xuân hè và hè thu luôn khiến anh đau đầu khi đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn, sâu bệnh. Vụ Đông xuân phải bù vào phần lỗ của những vụ này mới hòa vốn. Đầu tháng 4/2014, anh chuyển toàn bộ quỹ đất đầu tư trồng ngô. Quyết định này xuất phát từ sự thành công mô hình trồng ngô thử nghiệm 5.000m2 vào cuối năm 2013 tại huyện với thành công bất ngờ: Năng suất 9 tấn hạt (khô)/ha ngô. Phòng nông nghiệp huyện đã có hẳn một đề án về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang ngô, mè, đậu tương. Với ngô, nhiều DN kinh doanh giống và thu mua đã vào cuộc, họ đặt ra giá sàn thu mua là 3.250đ/kg (hạt tươi). “Đầu tư mỗi ha lúa khoảng 28 triệu đồng, trong khi với ngô là 26 triệu đồng. Với mức giá thu mua này, chúng tôi sẽ thu về ít nhất 36 triệu đồng/ha. So với lúa, chúng tôi lãi 10 triệu đồng!” – anh Quốc cho biết.


Anh Phạm Văn Beo, nông dân ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa cũng đang đầu tư 6ha ngô lai trên diện tích đất lúa hè thu, chia sẻ: “Trước đây mỗi ha lúa hè thu, tui chịu lỗ 7,5 triệu đồng. Nay xuống giống trồng bắp, cty thu mua kí ngay hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Chi phí đầu tư cho bắp thấp hơn lúa, giá thu mua cao hơn, lại được hướng dẫn kỹ thuật liên tục nên tui yên tâm trồng bắp! Vụ này nếu thành công, tui sẽ cùng người em trồng 30ha bắp”.


Chỉ đạo chuyển đổi quyết liệt


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Qua buổi hội thảo hôm nay, chúng ta đã rõ và thống nhất chủ trương, mục đích của chuyển đổi. Vấn đề quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là làm như thế nào để thực hiện chủ trương đó. Mục tiêu cuối cùng là giúp bà con nâng cao thu nhập một cách bền vững thay vì chạy theo thành tích sản xuất lúa.


“Chúng ta hỗ trợ bà con chuyển sang các cây khác có hiệu quả cao hơn đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ là bài toán tình huống mà phải hướng đến bền vững, không phải 1 vụ hay 2 vụ. Qua trao đổi, chúng ta thấy vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là tâm lý bà con chúng ta vẫn nặng tình với cây lúa vì tập quán canh tác lâu đời và rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy cây ngô chúng ta có tiến bộ kỹ thuật rất tốt, các giống ngô hiện nay có thể cho năng suất 9 tới 11 tấn khô, rất nhiều mô hình đã làm thật như mô hình của công ty Dekalb, thực tế chứng minh chứ không phải lý thuyết. ĐBSCL là vùng trồng ngô có lợi thế và năng suất cao nhất trong nước. Thị trường tiêu thụ lại có ngay ở trong nước. Hiện chúng ta mới sản xuất được 5,2 triệu tấn ngô và nhu cầu đang thiếu từ 2 đến 3 triệu tấn trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản đang phát triển mạnh mẽ. Hôm nay chúng ta có ở đây doanh nghiệp Bunge, mỗi năm nhập hơn 1 triệu tấn ngô vào thị trường Việt Nam. Thị trường ngô đã có trong nước và trên thế giới theo tôi theo dõi trong nhiều năm qua khá ổn định và ở mức cao”, Bộ trưởng khẳng định.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhất trí với ý kiến thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thường xuyên nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, 3 tháng họp 1 lần để chỉ đạo sâu xát, quyết liệt. Bộ trưởng đề nghị Cục trồng trọt chủ trì cùng TTKNQG, Viện KHNNMN và công ty Monsanto, Tài Lộc gấp rút làm rõ gói kỹ thuật đối với từng cây và nhanh chóng phổ biến cho nông dân. Sau cuộc họp có nhiều nhịp cầu nhà nông về cây bắp để đưa thông tin sâu rộng và nhanh hơn. Chúng ta hiện có chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo 300 nghìn nông dân mỗi năm, tôi đề nghị các đồng chí phối hợp Sở LĐTBXH để dùng một phần kinh phí chương trình này để hướng dẫn nông dân kỹ thuật chuyển đổi.”


Bộ trưởng Phát nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 580 hỗ trợ 2 triệu đồng/ ha chuyển đổi trong 3 vụ sắp tới. “Chính vì thế tôi đề nghị các tỉnh chủ động khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho kịp vụ mùa. Tôi tiếp thu ý kiến của các đồng chí là ngân sách hiện chưa sẵn có, tuy nhiên để tránh lỡ vụ, tôi đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ ứng tiền trước. Các tỉnh có kế hoạch chi tiết phù hợp cho từng địa phương, chủ động liên kết doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi, theo đúng tinh thần của quyết định số 62 về liên kết 4 nhà”, Bộ trưởng khẳng định. Bộ trưởng Phát cũng cho biết sẽ sớm làm việc với Bộ Tài chính để sớm có tiền, nhưng trước mắt để kịp thời, các địa phương chủ động ứng tiền để hỗ trợ cho nhân dân triển khai.


P.V