03:23 08/03/2012

Libi trước nguy cơ bị chia cắt

Các chính trị gia và thủ lĩnh bộ lạc ở miền đông Libi mới đây đã tuyên bố Cyrenaica là khu vực tự trị và kêu gọi đất nước đi theo thể chế nhà nước liên bang tự trị. Hành động này dấy lên lo ngại Libi rơi vào cảnh chia cắt sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi đã bị lật đổ.

Các chính trị gia và thủ lĩnh bộ lạc ở miền đông Libi mới đây đã tuyên bố Cyrenaica là khu vực tự trị và kêu gọi đất nước đi theo thể chế nhà nước liên bang tự trị. Hành động này dấy lên lo ngại Libi có thể rơi vào cảnh chia cắt sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi đã bị lật đổ.

Một khẩu hiệu có dòng chữ “Không chia cắt Libi. Libi thống nhất và thủ đô là Tripôli” trong cuộc biểu tình phản đối chế độ tự trị tại Benghazi. Ảnh: Internet


Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề không nằm ở chủ nghĩa liên bang mà miền đông đang đề xuất, mà là con đường đơn phương đòi tự trị cho khu vực giàu dầu lửa này của một phong trào chính trị ở Benghazi. Ngày 7/3, các lãnh đạo chính trị và bộ tộc ở Benghazi đã đơn phương tuyên bố, vùng Cyrenaica ở miền đông là tự trị, nhưng vẫn công nhận Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) là đại diện hợp pháp của Libi trong các mối quan hệ quốc tế.

Phân tích về động thái này, giáo sư trường Đại học Libi, Sadiq Budawara cho rằng: “Nhiều người có thể đồng ý rằng, chế độ liên bang là dạng phù hợp nhất với chính phủ Libi, nhưng vấn đề hoàn toàn khác nếu như việc tiến tới thể chế liên bang lại được đưa ra bởi quyết định đơn phương của một vùng mà không có sự tham gia của các vùng khác. Hành động này là chia cắt lãnh thổ”.

Libi từng là một nhà nước liên bang từ năm 1951-1963, dưới thời Vua Idris I, khi đó đất nước được chia thành 3 bang: Cyrenaica, Tripolitania và Fezzan. Những người ủng hộ quay trở lại chế độ liên bang cho rằng, thể chế này sẽ giúp ngăn miền đông không bị “gạt ra bên lề” như “đã từng bị đối xử như vậy trong nhiều thập kỷ”. Trong khi đó, phe đối lập lo ngại, một quyết định như vậy có thể dấy lên cuộc chiến quyền lực gây chia cắt đất nước dữ dội trước cuộc tổng tuyển cử dân chủ.
Chính trị gia người Benghazi, Mohammed bin Hariz cho rằng, chế độ liên bang sẽ làm trầm trọng hơn chứ không phải xoa dịu những căng thẳng tại Libi trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực hàn gắn sau cuộc xung đột năm 2011. “Phe ủng hộ tranh cãi rằng chế độ liên bang là ‘van an toàn’ cho sự thống nhất quốc gia nhưng ‘chế độ liên bang’ và ‘thống nhất’ là hai khái niệm trái ngược, không thể cùng tồn tại”, ông bin Hariz nói.

Nhà phân tích này cũng cảnh báo, sự phân bổ nguồn lợi dầu mỏ có thể là mầm mống cho xung đột, đặc biệt khi vấn đề đòi tự trị có thể dễ dàng lan ra khắp Libi. “Chế độ liên bang đã giúp gì cho người Irắc?”, ông Hariz ám chỉ cuộc đấu tranh giữa khu tự trị người Kurd ở phía bắc với chính quyền trung ương Bátđa.

Trong khi đó, ông Jamal bin Dardaf, thành viên Chiến dịch quốc gia về Nâng cao nhận thức chính trị tại Libi lại cho rằng, lời kêu gọi về một khu vực tự trị là phản ứng đối với những vấn đề do chế độ trung ương tập quyền của ông Kadhafi gây ra. “Libi là một quốc gia rộng lớn, với nhiều vùng còn chưa được kết nối, nên việc tự trị hóa khu vực là cần thiết”, ông Dardaf đưa ra quan điểm ngược lại.

Phản ứng trước động thái mới từ Benghazi, nơi được coi là cực lớn thứ hai của Libi, các quan chức cấp cao tại Tripôli, trong đó có nhà lãnh đạo lâm thời Mustapha Abdel Jalil và Thủ tướng Abdel Rahim al-Kib, đã bác bỏ thẳng thừng “dự án” liên bang và coi đây là một sự thụt lùi chính trị. Thay vào đó, chính quyền Tripôli đề xuất một chương trình phi tập trung hóa, nhằm trao thêm quyền ra quyết định cho hơn 50 hội đồng địa phương và quyền sử dụng ngân sách.

Hôm 6/3, Abdel Jalil cho biết, ông rất ngạc nhiên trước tuyên bố từ Benghazi, nhất là trong bối cảnh người Libi từ đông sang tây đã cùng nhau chiến đấu lật đổ chế độ Kadhafi trong năm 2011. Ông cáo buộc một số nước Arập đang “xúi giục” và hỗ trợ tài chính cho miền đông Libi nhằm phá hoại thành công của “cuộc cách mạng” cũng như ngăn “Mùa xuân Arập” “gõ cửa” đất nước họ.

Chỉ một ngày sau, nhà lãnh đạo vốn nổi tiếng ăn nói mềm mỏng này đã cứng rắn hơn khi đe dọa vũ lực để bảo vệ sự thống nhất đất nước và kêu gọi những người anh em của mình ở phía đông không nên bị lừa gạt bởi “những kẻ xâm nhập” và “tàn dư của chế độ Kadhafi”.

Trong một động thái ủng hộ chính quyền lâm thời, hiện đang nỗ lực áp đặt quyền lực của mình trên khắp đất nước, Đảng Xây dựng và Công lý – thuộc phong trào chính trị Huynh đệ Hồi giáo cũng tuyên bố họ phản đối chế độ liên bang. “Liên bang là mô hình không phù hợp với Libi, cả trong ngắn hạn và dài hạn”, đại diện Đảng Xây dựng và Công lý tuyên bố.

Thu Hằng