03:09 18/03/2011

Libi: Quân đội chính phủ bao vây thành phố Benghazi

Ngày 17/3, Tổng thống Libi Moamer Kadhafi khẳng định các lực lượng của ông sẽ đánh một “trận quyết định” nhằm chiếm lại thành phố lớn thứ ba Misrata (cách thủ đô Tripôli khoảng 200 km về phía đông).

Ngày 17/3, Tổng thống Libi Moamer Kadhafi khẳng định các lực lượng của ông sẽ đánh một “trận quyết định” nhằm chiếm lại thành phố lớn thứ ba Misrata (cách thủ đô Tripôli khoảng 200 km về phía đông). Tuyên bố của ông Kadhafi được đưa ra trong bối cảnh quân đội chính phủ đã đẩy lui lực lượng chống chính phủ ở miền tây và đe dọa thành trì miền đông Benghazi của phe đối lập.

Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 17/3, lực lượng trung thành với Tổng thống Kadhafi đã giành quyền kiểm soát thành phố Ajdabiya, nơi được coi là lá chắn cuối cùng bảo vệ đại bản doanh của phe đối lập ở Benghazi, đồng thời là cửa ngõ đến thành phố cảng dầu mỏ Tobruk. Sau khi tuyên bố đã tái chiếm Ajdabiya, đài truyền hình Libi cùng ngày phát thông báo khẳng định quân đội đang tiến đến Benghazi, kêu gọi người dân tránh xa các khu vực phe đối lập đang kiểm soát và các kho vũ khí.

Phát biểu trên kênh truyền hình Euronews có trụ sở tại Pháp, con trai Tổng thống Kadhafi, ông Saif al-Islam cho biết quân đội đang ở gần thành phố Benghazi và “mọi chuyện sẽ chấm dứt trong vòng 48 giờ tới”. Hãng thông tấn Jana của Libi cho biết, quân đội nước này dự kiến sẽ tạm ngừng các cuộc tấn công vào ngày 20/3 tới để tạo điều kiện cho những phiến quân muốn hạ vũ khí và nhận sự khoan hồng của chính phủ. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy thông báo ngày 17/3 đã bắn rơi hai máy bay chiến đấu của quân chính phủ khi những phi cơ này đang chuẩn bị ném bom thành phố Benghazi.

Xe bọc thép của quân đội Baranh án ngữ trên một con đường dẫn tới quảng trường Pearl, ngày 17/3. Ảnh: AFP-TTXVN


Phản ứng trước những diễn biến tại Libi, người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 17/3 đã kêu gọi quân đội chính phủ và phe đối lập tại Libi ngừng bắn trước khi diễn ra cuộc tấn công vào Benghazi. Ông Nesirky nêu rõ Tổng thư ký Ban Ki-moon hối thúc tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Libi chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và tuân thủ Nghị quyết 1970 của HĐBA.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS (Mỹ) cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Libi hiện rất “cấp bách”, cần phải áp dụng nhiều biện pháp đối với Libi, thậm chí cả những biện pháp mạnh hơn vùng cấm bay.

Nguồn tin nước ngoài cho biết ngày 17/3 (giờ New York), HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu về nghị quyết ra lệnh thiết lập một vùng cấm bay ở Libi. Trước đó, Anh, Pháp và Libăng đã đưa ra một dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, dự thảo có thể vẫn phải được hoàn thiện trước khi đưa ra bỏ phiếu. Trong khi Anh, Pháp và Mỹ hối thúc HĐBA bỏ phiếu về nghị quyết trên thì Trung Quốc, Nga và Đức vẫn phản đối biện pháp can thiệp quân sự.

Tình hình Baranh ngày càng trầm trọng

Tại Baranh, ngày 17/3, chính quyền nước này đã bắt giữ ít nhất 6 thủ lĩnh đối lập, trong đó có ông Hassan Mushaima, thủ lĩnh phong trào Haq cứng rắn, và ông Abdel Hussein của lực lượng Wafa. Đây là những người đi đầu trong việc kêu gọi chấm dứt nền quân chủ tại quốc gia Vùng Vịnh này.

Các vụ bắt giữ diễn ra một ngày sau khi xảy ra đụng độ giữa lực lượng an ninh chính phủ và những người biểu tình Hồi giáo dòng Shiite, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương, làm dấy lên những lo ngại về xung đột leo thang trong khu vực.

Tuy vậy, các đường phố tại Baranh đã trở lại yên tĩnh sau khi lực lượng an ninh sử dụng xe tăng và máy bay để giải tán người biểu tình. Chính phủ đã ban bố lệnh giới nghiêm tại một số khu vực ở thủ đô Manama. Quân đội không còn có mặt trên đường dẫn đến sân bay, ngoại trừ một số trạm kiểm soát của cảnh sát.

Nam Hạnh (tổng hợp)