01:10 14/01/2011

Libăng rơi vào khủng hoảng chính trị

Libăng, ngày 13/1, đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc ở nước này sụp đổ do Phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh đồng loạt rút khỏi nội các vì những bất đồng kéo dài trong cuộc điều tra vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005.

Libăng, ngày 13/1, đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc ở nước này sụp đổ do Phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh đồng loạt rút khỏi nội các vì những bất đồng kéo dài trong cuộc điều tra vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005.

Động thái này đã đẩy Libăng rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 2008 và dấy lên những lo ngại về xung đột của người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ở nước này.

Thủ tướng S.Hariri (trái) trong cuộc găp với Tổng thống Mỹ B.Obama tại Nhà Trắng ngày 12/1. Ảnh: Internet


Cùng ngày, Tổng thống Libăng Michel Suleiman đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Saad Hariri. Ông Suleiman tiếp tục yêu cầu chính phủ hành động trong khả năng của mình cho đến khi thành lập chính phủ mới.


Trong khi đó, Tổng thống Suleiman cũng đang chuẩn bị một cuộc họp với các nhóm trong quốc hội để bầu thủ tướng mới, mà theo thông lệ, thủ tướng mới phải là người Hồi giáo dòng Sunni.

Trước đó một ngày, đồng loạt 11 bộ trưởng trong nội các gồm 30 thành viên của Libăng đã tuyên bố từ chức, trong đó 10 người thuộc Liên minh 8/3 chủ yếu là các thành viên Phong trào Hezbollah của người Hồi giáo dòng Shiite và 1 người thân Tổng thống Suleiman.


Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Saad Hariri, con trai cựu Thủ tướng Rafik Hariri, từ chối tổ chức một phiên họp nội các đặc biệt để thảo luận khả năng các thành viên Hezbollah bị Tòa án đặc biệt về Libăng truy tố vì liên quan tới vụ ám sát.


Các nhà phân tích cho rằng, một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Libăng có thể cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột.

Phản ứng trước động thái trên, chính phủ Mỹ đã cáo buộc lực lượng Hezbollah cố ý làm sụp đổ chính phủ, tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ ông Hariri và Tòa án đặc biệt về Libăng điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Hariri.


Các nước Pháp, Anh và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa bày tỏ ủng hộ hoàn toàn Tòa án đặc biệt này. Trong khi đó, Ai Cập, Cata và Liên đoàn Arập (AL) đã lên tiếng kêu gọi các phe phái ở Libăng kiềm chế, còn Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Hezbollah quay lại chính phủ, tránh đẩy quốc gia này vào vòng xoáy bạo lực.

Lê Hải (tổng hợp)