12:11 22/12/2012

LHQ lên án Nam Sudan bắn máy bay trực thăng của tổ chức này

Ngày 21/12, Liên hợp quốc (LHQ) ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc quân đội Nam Sudan, (SPLA) đã bắn hạ một máy bay trực thăng MI-8 của LHQ.

Ngày 21/12, Liên hợp quốc (LHQ) ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc quân đội Nam Sudan (Xuđăng), (SPLA) đã bắn hạ một máy bay trực thăng MI-8 của LHQ.

Tổ chức này kêu gọi phái bộ LHQ tại Sudan (UNMISS) và chính quyền Nam Sudan tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và khẩn cấp về vụ việc này. Phó phát ngôn viên LHQ Eduardo del Buey cho biết vụ bắn hạ xảy ra khi chiếc máy bay đang do thám ở khu vực Likuangole thuộc bang bất ổn Jonglei.

Các báo cáo ban đầu cho biết máy bay trực thăng đã rơi và bốc cháy, toàn bộ bốn thành viên phi hành đoàn người Nga đều thiệt mạng. Tuyên bố của LHQ bày tỏ sự chia buồn với gia đình của nạn nhân và với Chính phủ Nga.

LHQ nhấn mạnh vụ việc là sự vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận về hoạt động của các lực lượng ký ngày 8/8/2011, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của UNMISS. LHQ yêu cầu Chính phủ Nam Sudan bắt giữ những đối tượng chịu trách nhiệm về vụ tai nạn và thực thi các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ tái diễn những thảm kịch tương tự.

Theo nguồn tin Tân Hoa, quân đội Nam Sudan đã thông báo với UNMISS rằng vụ bắn hạ là một tai nạn. Người phát ngôn SPLA Philip Aguer cho biết trước đó, họ đã hỏi UNMISS về việc có máy bay hoạt động ở vùng Likuangole và câu trả lời họ nhận được là "không".

SPLA nghi ngờ máy bay đã hạ cánh xuống căn cứ của thủ lĩnh David Yau Yau ở bang Jonglei, nơi được cho là căn cứ của lực lượng nổi dậy chống chính quyền Nam Sudan. Theo ông Philip, máy bay cất cánh khi SPLA đang tiến gần đến khu vực này và tình cơ bị trúng loạt đạn của đơn vị pháo thuộc SPLA. Quân đội Sudan hiện vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc.

Nam Sudan tách ra độc lập từ tháng 7/2011, sáu năm sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa miền Bắc và miền Nam.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm miền Nam tuyên bố độc lập, chiến sự đã bùng nổ giữa cộng đồng thiểu số Murle với bộ lạc Lou Nuer chiếm đa số đang kiểm soát đất nước.

Vùng Likuangole đã trở thành trung tâm chiến sự giữa hai bên làm hàng nghìn người thiệt mạng trong năm 2011. Tháng 11/2012, chính quyền Nam Sudan đã trục xuất một nhà điều tra nhân quyền LHQ tại Jonglei vì cho rằng người này đã cung cấp những báo cáo vô căn cứ và không đúng nguyên tắc.

Vụ việc đã khiến LHQ bất bình và chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Salva Kiir, chính quyền từng nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ của LHQ trong việc tách ra khỏi miền Bắc để thành lập nhà nước độc lập.


TTXVN/ Tin tức