11:00 09/11/2011

LHQ ít khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt chống Iran

Có ít khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn mới đối với Iran, mặc dù bản báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)

Có ít khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn mới đối với Iran, mặc dù bản báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự kiến công bố trong tuần này sẽ chứa đựng các bằng chứng cho thấy Iran muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhà máy sản xuất nhiên liệu ở tỉnh Isfahan, miền trung Iran ngày 9/4/2009. AFP/ TTXVN


Theo các nhà ngoại giao phương Tây, lý do là bởi Trung Quốc và Nga - các đồng minh truyền thống của Têhêran có quyền phủ quyết bất kỳ dự thảo nghị quyết nào của HĐBA LHQ - không muốn trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran. Do vậy, HĐBA LHQ sẽ khó lòng áp đặt các lệnh trừng phạt mới được cho là cứng rắn hơn so với lệnh trừng phạt Iran được HĐBA LHQ thông qua hồi tháng 6/2010.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây yêu cầu giấu tên nói: “Thực tế là sẽ rất khó tìm ra các biện pháp trừng phạt mới khác với các biện pháp trừng phạt trước đây. Và về cơ bản, giai đoạn tiếp theo sẽ là trừng phạt ngành dầu khí của Iran, một động thái đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của Nga và đặc biệt là Trung Quốc”. Để vận hành nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình, Trung Quốc hiện phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ năm thế giới.

Các nhà ngoại giao cho rằng báo cáo mới của IAEA có thể làm tăng thêm những hoài nghi rằng Têhêran đang tìm cách phát triển khả năng chế tạo bom nguyên tử. Thời điểm đưa ra báo cáo này chỉ vài tuần sau khi Mỹ cáo buộc Têhêran âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xêút tại Oasinhtơn. Iran đã kịch liệt bác bỏ lời cáo buộc của Mỹ, song vụ việc này lại làm dấy lên đồn đoán về khả năng HĐBA LHQ ra nghị quyết trừng phạt mới đối với Iran.

Tuy nhiên, những hy vọng của Mỹ về một nghị quyết mới trừng phạt Iran của HĐBA LHQ dường như sẽ không trở thành hiện thực, ít nhất là bởi nhiều nước hoài nghi về những lời cáo buộc của Mỹ đối với Iran.

Têhêran khẳng định chương trình năng lượng hạt nhân của mình là để sản xuất năng lượng và phớt lờ yêu cầu của LHQ đòi nước này ngừng làm giàu urani, hoạt động có thể tạo ra nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân hay để sản xuất vũ khí. Kể từ năm 2006, LHQ đã áp đặt 4 lệnh trừng phạt Iran, nhằm vào ngành công nghiệp tên lửa và hạt nhân, những người có liên quan tới các ngành này và các ngân hàng của Iran trong khi không "đụng" đến ngành năng lượng của nước này. Mặc dù Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ các lệnh trừng phạt này song thực ra hai nước này đã làm như vậy một cách miễn cưỡng và chỉ sau khi làm mọi cách để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Một nhà ngoại giao cho biết sự kết hợp các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), LHQ và các hoạt động phá hoại như reo rắc virút máy tính Stuxnet đã làm chậm tiến bộ trong công nghệ hạt nhân của Iran. Các nhà ngoại giao cho rằng nếu HĐBA LHQ không hành động, thì Mỹ và các đồng minh ở châu Âu có thể sẽ theo đuổi các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Iran. HĐBA LHQ có thể bổ sung thêm vài cái tên cá nhân và tổ chức của Iran vào danh sách cấm đi lại hay bị phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng những biện pháp như vậy sẽ chỉ mang tính tượng trưng.

Nga thúc đẩy các cuộc thương lượng mới với Têhêran và đang nỗ lực khôi phục thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân từng được Iran chấp thuận hồi tháng 10/2009, nhưng sau đó lại rút lui. Nga và Trung Quốc cũng muốn khôi phục các cuộc đàm phán giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ cùng với Đức, mặc dù 5 năm đàm phán giữa hai bên chẳng đi đến đâu.

TTK