05:15 06/05/2017

Lênh đênh nghề câu mực đêm

Nằm cách thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hơn 20 km, Nhơn Lý là một xã bãi ngang ven biển hiền hòa, người dân nơi đây chủ yếu kiếm sống bằng “lộc biển”, đánh bắt hải sản ven bờ. Trải qua bao thăng trầm, nghề câu mực đêm vẫn là một trong những nghề mưu sinh chính của bà con ngư dân nơi này.

Một chiếc ghe câu mực đêm trên biển.

Có mặt tại bãi neo đậu tàu thuyền Nhơn Lý khi trời nhập nhoạng tối, chúng tôi được ngư dân Mai Xuân Trung, chủ ghe câu mực BĐ-01896TS đón tiếp niềm nở. Trên chiếc thuyền thúng chòng chành chở khách từ bờ ra ghe, anh Trung hồ hởi: “Thường thì khi trời yên bể lặng, mực sẽ không ăn mồi. Hôm nay biển động, thời tiết rất thích hợp để câu mực”.

Năm nay 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm làm nghề câu mực đêm, anh Trung chia sẻ kinh nghiệm cho chúng tôi trong lúc tay vẫn thoăn thoắt chuẩn bị mồi câu. Muốn câu được mực thì người câu phải biết nhìn xem nước đục hay trong. Có khi mực ăn mồi tôm, có khi ăn mồi cá. Màu sắc của mồi cũng phải thay đổi đa dạng tùy theo nước, nước đục câu bằng mồi có màu đậm còn nước trong thì mực thích mồi màu nhạt.

Ngư dân câu mực đêm thường dùng mồi là những con tôm giả bằng nhựa, giống như con tôm thật. Ở đuôi tôm gắn bộ lưỡi chùm bằng thép nên con mực lao đến ăn mồi thì râu mực sẽ bị mắc đầu vào lưỡi câu. Mỗi dây câu được gắn từ 2 đến 4 bộ mồi câu như vậy. Khi ngư dân thả dây câu xuống thì dừng ở khoảng 10m, nếu sâu quá hay nông quá sẽ không bắt được mực. Đến độ sâu vừa phải tay người câu phải giật cần liên tục, để con tôm mồi lúc nào cũng nhảy như một con tôm sống thật. Nếu cần giữ im thì như con tôm chết, không bao giờ mực ăn.

Khoảng 9 giờ tối là thời điểm mực bắt đầu đi ăn, hàng trăm chiếc ghe câu mực đã đậu sẵn trên ngư trường. Những chiếc đèn pha công suất lớn được bật lên 2 bên mạn ghe, tiếng máy nổ chạy giòn giã, tiếng ngư dân gọi nhau vang vọng. Hàng trăm ánh đèn câu mực sáng trưng, trông như một thành phố đêm tráng lệ trên mặt biển.

Lão ngư Nguyễn Tây là người già nhất ở đây, năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Tuổi đã cao, con cái không cho ông đi câu mực đêm nữa vì sợ nguy hiểm, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn trốn đi cùng ghe bạn. Một đời làm biển khiến cho ông thích ngủ ở trên ghe hơn đất liền. Ông nhớ lại: “Thời trẻ, tui đâu có ghe câu chắc chắn như bây giờ, mà dùng xuồng chèo. Dụng cụ câu, mồi câu cũng đơn sơ hơn nhiều, khi đó chưa có đèn, phải đốt đuốc, dùng đèn dầu để mực thấy mồi. Nhưng hồi đó lộc biển còn nhiều lắm, chứ không khan hiếm như bây giờ”.

Theo các chủ ghe ở đây thì lượng mực câu được không ổn định, tùy từng hôm có thể câu được từ 3 đến 5 kg. Số lượng này giảm nhiều so với trước. Cách đây khoảng 10 năm về trước mỗi đêm có thể câu được 20 kg mực. Làm vất vả, nguy hiểm mà thu nhập không được bao nhiêu nên số người theo nghề ngày càng ít đi.

Ông Mai Xuân Trung, chủ ghe BĐ-01896TS chuẩn bị thả mồi câu mực.

Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, hiện toàn xã có 237 chiếc tàu thuyền cơ giới, giảm 23 chiếc so với năm ngoái. Riêng nghề câu mực đêm còn khoảng 100 chiếc ghe thường xuyên hoạt động. Hiện nay thương lái thu mua mực với giá khoảng 300 nghìn đồng/kg. Trừ phí tổn thì mỗi đêm một ghe câu mực với 4 nhân công có thể thu về trên dưới 1 triệu đồng.

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2016 của xã ước đạt 1.620 tấn, giảm 560 tấn so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do nguồn hải sản ven bờ đang ngày càng ít đi, bởi các hình thức đánh bắt tận diệt xuất hiện từ khoảng 10 năm nay. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng gồm Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND xã Nhơn Lý, Đồn Biên phòng Nhơn Lý đã liên tục tuần tra trên biển và xử phạt, cảnh cáo một số trường hợp có dấu hiệu sử dụng chất nổ trái phép để khai thác thủy sản.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là người từ địa phương khác đến như xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… Các đối tượng vi phạm thường nhanh chóng bỏ trốn, ném chất nổ xuống biển khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng nên việc truy bắt, thu giữ tang vật rất khó khăn. Mặt khác, các trường hợp vi phạm này thường chỉ bị xử phạt hành chính, với số tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng nên không đủ sức răn đe và tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Chính việc đánh bắt thủy sản bằng chất nổ gây tận diệt nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến hệ sinh thái biển và khiến ngư dân địa phương gặp nhiều khó khăn, thu nhập ngày càng giảm.

Ông Dũng cho biết thêm, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý trên bờ; phối hợp với các địa phương khác tổ chức nhiều buổi giao lưu, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ tác hại của việc khai thác trái phép bằng chất nổ. Mục đích làm cho ngư dân hiểu rằng bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ cuộc sống của nhiều thế hệ ngư dân sau này. Bên cạnh đó, UBND xã Nhơn Lý sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử phạt cao nhất so với luật định đối với các trường hợp vi phạm.

Một giải pháp khác mà địa phương đang nghiên cứu là kết hợp ngư nghiệp truyền thống với các dịch vụ du lịch. Với lợi thế nhiều bãi tắm đẹp, nước biển sạch, rặng san hô nguyên sơ, đồ ăn hải sản tươi sống nên 2 năm trở lại đây khách du lịch tới tham quan Nhơn Lý rất đông. Một số chủ ghe câu mực đã phối hợp với các công ty lữ hành mở dịch vụ trải nghiệm câu mực đêm cho khách. Tuy còn mới mẻ và chưa thu được nhiều lợi ích, nhưng đây cũng là một hướng đi đáng lưu ý, giúp cho ngư dân vừa giữ được nghề và vừa có thu nhập tốt hơn.

Sau khi câu được ba con mực, các ngư dân trên ghe của ông Mai Xuân Trung liền mang ra bếp than, châm lửa nướng mực mời chúng tôi. Giữa màn đêm mênh mông vô tận của biển cả, chúng tôi chia nhau những miếng mực thơm lừng. Dù thu nhập ngày càng bấp bênh, nhưng những ngư dân Nhơn Lý vẫn luôn vui vẻ, yêu đời và tâm huyết bám trụ với nghề.

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)