11:10 15/11/2012

Lên Suối Giàng

Huyện Văn Chấn (Yên Bái) gần như có đầy đủ sự đa dạng của địa hình, sự phong phú về văn hóa của các dân tộc anh em... Trên con đường du lịch khám phá vùng Tây Bắc, Văn Chấn là một (trong chuỗi) điểm nhấn nối từ miền trung du Phú Thọ, Yên Bái để lên chót vót dãy Hoàng Liên.

Huyện Văn Chấn (Yên Bái) gần như có đầy đủ sự đa dạng của địa hình, sự phong phú về văn hóa của các dân tộc anh em, tạo sức hút cho loại hình du lịch sinh thái và văn hóa phát triển. Trên con đường du lịch khám phá vùng Tây Bắc, Văn Chấn là một (trong chuỗi) điểm nhấn nối từ miền trung du Phú Thọ, Yên Bái để lên chót vót dãy Hoàng Liên. Tiềm năng này đang được “đánh thức” để Văn Chấn tăng tỷ lệ thu từ thương mại, dịch vụ, du lịch, trong khi giải bài toán phát triển bền vững.


“Nàng công chúa ngủ trong rừng”


Ở Văn Chấn có cánh đồng Mường Lò nổi tiếng từ lâu trong câu cửa miệng của người Thái khi nói về “top đầu” những Mường trù phú của mình: Nhất Then (Mường Thanh, Điện Biên), nhì Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), tam Than (Than Uyên, Lai Châu), tứ Tấc (Phù Yên, Sơn La). Văn Chấn có “đèo Lũng Lô anh hò chị hát” âm vang một thời kháng chiến, nay đã là di tích lịch sử cách mạng của quốc gia; có vườn chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trên độ cao 1.400 m, với đặc sản chè Shan tuyết cùng vẻ đẹp thuần khiết của bản Mông, Suối Giàng, có nếp Tú Lệ, gạo mường Lò, có thành Viềng Công, suối nước nóng bản Bon, bản Hốc...


Thế nhưng còn ít người biết những “địa chỉ xanh” ở Văn Chấn, ít đoàn lữ hành đến và lưu lại Văn Chấn. Số thu về du lịch trong tổng số thu thương mại, dịch vụ của huyện chưa đáng kể. Chè Suối Giàng có thương hiệu từ lâu, giá một cân chè búp thương phẩm tới hơn 2 triệu đồng, nhưng sản lượng chè Suối Giàng thu hái hàng năm chỉ hơn hai trăm tấn, không thấm tháp gì so với nhu cầu của thị trường và chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 43.050 tấn chè búp tươi của cả huyện. Gạo Mường Lò cũng ngon chẳng kém gì gạo Mường Thanh, nhưng so với Điện Biên thì lượng gạo đặc sản chuyển về bán dưới xuôi của Nghĩa Lộ còn rất khiêm tốn. 


Người Dao (xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) khâu thổ cẩm

 
Khí hậu trong lành, thiên nhiên kỳ vĩ, hiền hòa và tươi mát là những lợi thế lớn để phát triển những khu nghỉ dưỡng tận dụng độ cao. Những bản người Thái, người Dao, người Mông vẫn bình dị thuần phác như ngày xưa với phong tục, tập quán và những nét đặc sắc về văn hóa, có sức hút với nhiều du khách muốn tìm hiểu sâu về văn hóa, tộc người bản địa hay đơn giản là chỉ cần vui với những nét khác “văn minh đồ nhựa” đang lan tràn ở các đô thị đang ngày càng sầm uất và ô nhiễm...

Tất cả những điều đó Văn Chấn đều có nhưng chưa được khai thác. Tiềm năng du lịch của Văn Chấn vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ phép màu đánh thức vào một ngày đẹp trời... Nhưng “phép màu” ngày nay không tự nhiên mà có như trong chuyện cổ tích. “Phép màu” ngày nay chỉ có được nhờ trí tuệ và những nỗ lực của con người.

Người Dao xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nấu lá thuốc theo cách cổ truyền.


Những chuyển động đầu tiên


Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn dẫn chúng tôi lên xã Suối Giàng, cho biết: “Các anh chị cứ lên bản, gặp đồng bào sẽ thấy định hướng của tỉnh và huyện về phát triển thương mại, du lịch hiện hữu và phát huy tác dụng từ bước đầu”.


Yên Bái quyết tâm xây dựng Suối Giàng - Suối của Trời - thành điểm đến nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và văn hóa; quảng bá thương hiệu chè Suối Giàng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở đây. Ý tưởng này đang được triển khai từng bước, giống như người Mông đi trên sườn dốc núi - đi bước nào chắc bước ấy.


Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè cổ Suối Giàng, xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Giàng do UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, huyện Văn Chấn trực tiếp thực hiện, đã lập xong quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng từ năm 2011. Đường lên đỉnh Suối Giàng mới rải nhựa xong. Chỉ 12 km vòng quanh các vách đá kỳ thú, các trảng rừng nguyên sinh, từ trung tâm huyện Văn Chấn, ô tô có thể đến trung tâm xã Suối Giàng. Đường bê tông cũng đã vươn dần tới trung tâm các bản.


Những cây chè cổ thụ Suối Giàng là điểm nhấn để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái


Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống trên độ cao 1.400 m, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, làm nên cảnh sắc vườn chè cổ thụ độc đáo không thể quên. Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông, phủ một lớp áo trắng mờ trên búp chè săn chắc nên được gọi là chè tuyết. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ thu hái được chừng 200 tấn chè búp; “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén nước trà phải có: Hương thơm, vị đậm, nước xanh, và vì thế nên “cực đắt”... Vì “cực hiếm” và “cực đắt” nên có người còn nghĩ ra thêm “hai không” cho chè Suối Giàng: Người mua (thường) “không uống” mà để biếu và người uống (nhiều khi) “không (phải) mua”...


Các nhà đầu tư đã đặt hàng với các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu để chọn, tạo giống chè, đầu tư kỹ thuật chăm sóc tốt những cây chè Suối Giàng hiện có để bảo tồn nguồn gen đặc hữu. Cùng với đó là việc tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng mới, đủ lớn để có sản lượng hàng năm vài trăm tấn chè Shan tuyết cho thị trường. Theo tính toán, diện tích chè Suối Giàng có thể mở rộng tới 1.200 ha trong khi diện tích hiện có chỉ gần 400 ha. Theo định hướng này, từ năm 2012 diện tích chè Suối Giàng đã được trồng thêm 50 ha. Đề án còn tiếp tục đến năm 2015 với kỳ vọng Suối Giàng sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Văn Chấn.


Mái nhà của người Mông xưa lợp bằng gỗ pơmu. Đây là một nét văn hóa vật thể độc đáo bên cạnh những giá trị văn hóa tinh thần phi vật thể của họ. Đến nay, nguồn gỗ pơmu cạn kiệt, những tấm phibro ximăng thay dần cho những miếng ván gỗ trên các mái nhà mặc dù đã có những cảnh báo về sự độc hại. Ý tưởng táo bạo trồng phục hồi dần cây pơmu trên những sườn núi dốc của Suối Giàng cũng đã được huyện triển khai thực hiện. Qua gần mười năm, những vạt pơmu đã lớn. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn cũng đã được quy hoạch, hướng tầm nhìn vào những vạt ruộng bậc thang vàng rực lúa nương khi ngày mùa đến trên sườn đồi của người Mông ở lưng chừng đỉnh Suối Giàng. Nhiều cánh rừng nguyên sinh cũng được đánh thức giá trị du lịch của nó.


Cùng với cảnh sắc thiên nhiên, hương vị của những đặc sản là những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Dao, người Thái còn được bảo tồn ở Văn Chấn. Du khách đến đây không chỉ có thể phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể được cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách, hoặc cùng chiêm nghiệm và hòa với không khí bí ẩn linh thiêng trong lễ cấp sắc của người Dao, rộn ràng trong những ngày hội xuân, ấm áp trong lễ mừng cơm mới của người Thái...


Hướng đến sự phát triển bền vững


Văn Chấn vẫn còn nhiều việc phải làm để “đánh thức nàng công chúa” tiền năng du lịch của mình. Nhưng những định hướng cho du lịch sinh thái và văn hóa ở Văn Chấn đang dần rõ nét. Những định hướng phát triển này kết hợp với Chương trình 135 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước cho đồng bào các dân tộc ở đây đã tạo nên những đổi thay cho nhiều thôn, bản, nhiều gia đình. Trong quá trình đó, “hàm lượng văn hóa”, đặc biệt là những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, cho (và trong) phát triển du lịch được chú trọng. Đây được xác định là điều làm nên lợi thế cho sản phẩm du lịch của Văn Chấn.


Những người làm quy hoạch, kế hoạch đã ý thức được điều này để đánh thức những tiềm năng còn “đang ngủ”. Mỗi người dân cũng dần ý thức được những gì cần giữ như vốn quý của mình. Họ đã dần hiểu và bảo nhau cùng hiểu rằng: Những nét đặc sắc văn hóa cũng chính là “vốn” để phát triển tương lai của mình. Anh Vàng A Hồ - Trưởng thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, cho biết: “Nếu bón phân hóa học cho chè thì được sản lượng tăng ngay nhưng búp chè sao sẽ bị mất tuyết, không bán được giá đâu. Chúng tôi bảo nhau và đã ra quy định là không được dùng phân hóa học. Chè ở đây sạch lắm...”.


Ở Suối Giàng, trong lễ cúng “ma nhà” của người Mông (mỗi năm, mỗi nhà chỉ cúng “ma nhà” một lần), cùng với con gà trống mà người Mông thờ cúng thiêng liêng, luôn có cành chè mới hái trên sườn núi và ấm chè do đích thân người chủ gia đình mới pha. Cùng với lời khấn cầu về sức khỏe và sự tiến bộ cho mỗi người trong nhà, là lời khấn cầu cho cây chè của mình luôn xanh tốt và cho nhiều búp non. Nguyện ước về tương lai giản dị đó cũng giống như nguyện ước của đồng bào ở các thôn, bản dân tộc khác về sự ấm no, an bình sẽ đi cùng với những gì cha ông đã trao truyền lại. Sự phát triển của mỗi dân tộc luôn hòa đồng và cùng thúc đẩy (lẫn nhau) sự phát triển của các dân tộc khác để cả đất nước phát triển. Đó cũng là định hướng chung cho sự phát triển bền vững mà không đánh mất bản sắc văn hóa.



Bài và ảnh: Ngữ Thiên