07:08 23/07/2014

Lên sàn... để thoái vốn

Tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký niêm yết lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không phải DN nào lên sàn niêm yết cũng nhằm mục đích huy động vốn mà thực chất là để tạo điều kiện cho các cổ đông thoái vốn dễ dàng hơn.

Tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký niêm yết lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không phải DN nào lên sàn niêm yết cũng nhằm mục đích huy động vốn mà thực chất là để tạo điều kiện cho các cổ đông thoái vốn dễ dàng hơn.


Kiếm lợi từ thoái vốn


Theo bà Trần Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) TP Hồ Chí Minh, trong quý III và IV sẽ có thêm nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi theo quy luật, sau khi đại hội cổ đông (ĐHCĐ) xong, các DN mới có báo cáo kiểm toán đầy đủ. Khởi động cho quý III, Công ty cổ phần (CTCP) Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) đã lên sàn vào ngày 14/7 với 62,7 triệu cổ phiếu (CP), giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 68.000 đồng/cổ phiếu.

 

MWG lên sàn với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông thoái vốn.


Phó Tổng Giám đốc Trần Kinh Doanh CTCP Thế giới di động cho biết, MWG đang đứng đầu về thị phần bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam nên việc lên sàn niêm yết không vì mục đích để huy động vốn mà là để thực hiện cam kết giúp cổ đông thoái vốn dễ dàng khi cần. Trước đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund II (thuộc Mekong Capital) đã đầu tư tài chính vào MWG vì mục đích lợi nhuận. Do đó, MWG cần lên sàn để quỹ này có cơ hội thoái vốn, thu lời.

6 tháng đầu năm, cả nước chỉ có 4 DN được chấp thuận lên sàn, đóng góp cho thị trường chứng khoán (TTCK) gần 39,500 triệu cổ phiếu, tăng 11,5% so với cuối năm 2013. Thế nhưng, có đến 25 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc và tự nguyện với 242,4 triệu cổ phiếu.


Tuy nhiên, Mekong Enterprise Fund II lại không cần chờ đến lúc MWG lên sàn mới thoái vốn. Kể từ khi đầu tư vào MWG (năm 2007), quỹ này đã hai lần thoái vốn và đều thu lời khá. Lần thoái vốn đầu tiên vào năm 2013, Mekong Enterprise Fund II đã bán đi 6,7% cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 32,5% xuống 25,8% và thu về giá trị gấp 11 lần so với khoản đầu tư ban đầu mà quỹ bỏ ra. Lần gần đây nhất, quỹ này tiếp tục bán 5,6 triệu cổ phiếu của MWG. Ở mức giá chào bán 85.000 đồng/cổ phiếu, Quỹ tiếp tục thu về khoản giá trị tăng 21,8 lần so với đơn giá tại thời điểm đầu tư ban đầu. Tính đến thời điểm này, quỹ còn nắm giữ 14,3% cổ phần tại MWG.


Trước đó, năm 2010, các công ty trong lĩnh vực dầu khí như PXI, PXT, PVL “đổ bộ” lên sàn niêm yết và sau đó thoái vốn. Việc thoái vốn khỏi các công ty này cũng nằm trong kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng như các công ty trong tập đoàn sở hữu chéo nhau. Đáng chú ý, Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVX) thoái vốn 18% cổ phần tại Công ty Xây dựng dầu khí Nghệ An (PVA) thu về khoản lợi nhuận đáng kể (hơn 90 tỷ đồng). Giới kinh doanh chứng khoán đã phải “thốt lên” rằng, việc lập một DN để bán trên sàn dễ dàng thu lãi gấp nhiều lần việc kinh doanh chứng khoán hàng ngày.


Khoản đầu tư tài chính với lợi nhuận kếch xù đã khiến nhiều DN lên sàn chỉ với mục đích là thoái vốn và thu hồi vốn. Hơn thế nữa, các cổ đông sáng lập thường chia nhỏ vốn góp (thường với tỷ lệ dưới 5%), ẩn dưới dạng nhiều tên người sở hữu khác nhau để lách nghĩa vụ phải công bố thông tin.


Tái cấu trúc lại DN


Do tình hình kinh tế còn khó khăn nên việc thoái vốn được xem là một phương cách để tái cấu trúc lại DN.


Điển hình, tại Công ty cổ phần Vicostone (VCS), sau khi 3 cổ đông ngoại thuộc quỹ DWS Vietnam Fund, do Deutsche Bank quản lý và Red River Holding thoái vốn, một loạt cổ đông cá nhân đã mua lại, gồm ông Phạm Hùng mua 1,64 triệu cổ phần, ông Phạm Anh Đức mua hơn 2,54 triệu cổ phần, ông Phạm Ngọc Đông mua 2,54 triệu cổ phần. Sau giao dịch này, ĐHCĐ thường niên của VCS đã thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện trên HNX để tái cơ cấu lại công ty và giao cho ban lãnh đạo lên kế hoạch cụ thể.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro khi mua nhầm phải những cổ phiếu của những DN thoái vốn có vấn đề. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp nâng cao tiêu chuẩn niêm yết cũng như siết chặt chất lượng công bố thông tin của các công ty niêm yết.


Còn CTCP Cơ điện lạnh REE cũng đã bán toàn bộ hơn 42 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank và BHS của Đường Biên Hòa với chủ đích co gọn lại hoạt động đầu tư tài chính, dịch chuyển về mảng kinh doanh cốt lõi, thu hồi vốn đầu tư để bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc các cổ đông “bỗng dưng” thoái vốn ồ ạt dù DN đang làm ăn có lời đều có vấn đề. Thực tế cho thấy, sau mỗi vụ các cổ đông chủ chốt tại các DN bán cổ phiếu, giá cổ phiếu thường sụt giảm mạnh và sau đó là những thông tin không mấy tốt lành về DN.


Bài và ảnh: Hải Yên